
Một đàn lạc đà hoang ở Australia. Ảnh: National Geographic
Australia hiện nay có số lượng lạc đà hoang lớn nhất thế giới, ước tính từ vài trăm nghìn đến một triệu con, theo National Geographic. Lạc đà cái có thể sinh con hai năm một lần và sống đến 40 năm trong tự nhiên, có nghĩa cách 9 năm số lượng lạc đà có thể tăng gấp đôi. Nặng trung bình 450 kg, chúng lang thang theo đàn từ dưới 10 con đến vài trăm con, phá hủy hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng. Loài sinh vật này tiêu thụ thực vật một cách vô độ, cạnh tranh với động vật hoang dã và gia súc khác, hạn chế nguồn thức ăn cho cộng đồng người bản địa. Chúng làm mất ổn định các cồn cát, dẫn đến xói mòn. Lạc đà cũng gây ô nhiễm các hố nước bằng phân của chúng. Khi tụ tập đông đúc rồi chết khát, xác của chúng làm nhiễm khuẩn nguồn nước ít ỏi còn lại.
Thực tế, nước là ngọn nguồn vấn đề lớn nhất. Khi có đủ thực vật giàu độ ẩm, lạc đà có thể sống hàng tuần mà không cần uống nước. Nhưng khi khát nước, chúng trở nên vô độ. Một con lạc đà trưởng thành có thể tiêu thụ 190 lít nước trong một ngày. Khi nguồn nước tự nhiên cạn kiệt trên đất của người bản địa, vùng chăn thả và trại gia súc, lạc đà đi tìm nước ở bất cứ đâu có thể. Trong quá trình này, chúng thường phá hủy ống nước, phá hỏng nhà vệ sinh và làm rơi máy điều hòa.
Theo BBC, lạc đà lang thang tự do khắp khu vực rộng 3,3 triệu km2 bao quanh các bang Tây Australia, Nam Australia và Queensland, cũng như Northern Territory. Chúng chủ yếu là loài Dromedary, nhưng một số con thuộc giống lạc đà Bactrian. Do không có động vật ăn thịt trong tự nhiên và nhiều khu vực rộng lớn với dân cư thưa thớt, lạc đà phát triển mạnh và ảnh hưởng lớn tới môi trường hoang dã.
Điều đáng lo ngại hơn là số trận hạn hán ngày càng tăng đang thúc đẩy lạc đà tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn với con người. Một trong những xung đột gây thiệt hại lớn nhất xảy ra vào năm 2013 tại trại gia súc tên là Curtin Springs ở vùng Northern Territory. Trước đó 6 năm, lạc đà hoang khát nước phá hủy hàng trăm kilomet hàng rào của trại. Việc thay thế hàng rào tốn khoảng nửa triệu USD. Chủ trại có nghĩa vụ pháp lý phải loại bỏ động vật hoang dã trên đất của họ. Khi thấy lạc đà quay lại, người dân đã gọi cho Dự án Quản lý Lạc đà Hoang dã Australia. Dự án này tiêu diệt 27.000 con lạc đà trong khu vực vào năm trước. Trong vòng 48 giờ, các tay súng bắn tỉa đã đến khu đất. Trong 4 ngày tiếp theo, họ bắn chết 1.700 con lạc đà từ trực thăng.
Nhưng chương trình tiêu diệt lạc đà của liên bang với ngân sách 4 năm kết thúc vào năm 2013. Số lượng lạc đà hoang tăng trở lại. Theo nhà sinh học Tim Low, nhà đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận tư nhân Hội đồng loài xâm hại Australia, tác động hiện tại của lạc đà hoang đối với nông dân và người bản địa Australia "rất đáng kể". Chi phí thiệt hại và kiểm soát theo ước tính gần nhất là 12 triệu USD vào năm 2013. Low và các chuyên gia khác cho rằng nếu không thể kiểm soát số lượng lạc đà, những trận hạn hán tiếp theo trong nước sẽ dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng hơn.
Lạc đà rất đa năng, chúng cũng có thể vắt sữa. Sữa lạc đà có vị ngậy và hơi mặn, cung cấp lựa chọn dinh dưỡng, ít béo và ít lactose hơn so với sữa bò. Sản lượng sữa lạc đà của Australia là 190.000 l/năm, chỉ là một giọt nước so với 2,4 tỷ lít doanh số sữa bò hiện nay. Giống như sữa lạc đà, ngành công nghiệp thịt lạc đà là một ngành kinh doanh nhỏ ở Australia, chỉ sản xuất vài trăm tấn một năm, kém xa so với sản lượng gần 3 triệu tấn thịt bò.
Một số chuyên gia nhận định ngành công nghiệp thịt lạc đà thương mại không bao giờ có thể đạt đến quy mô cần thiết để giải quyết vấn đề do quần thể lạc đà hoang gây ra. Theo Low, tập trung vào ngành công nghiệp thu hoạch sữa và thịt từ lạc đà chỉ tạo ra phản ứng chống đối với nỗ lực tiêu diệt chúng, vốn là giải pháp thực tế duy nhất.
An Khang (Tổng hợp)