Ngày 22-25/7, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, phường Quy Nhơn Nam) tổ chức Hội nghị Quốc tế "Vật lý Neutrino". Tại sự kiện, các nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất, đồng thời thảo luận những định hướng chiến lược cho tương lai của vật lý neutrino - một trong những lĩnh vực tiên phong của vật lý hiện đại.

Giáo sư Masayuki Nakahata (Viện Nghiên cứu Tia vũ trụ - ICRR, ĐH Tokyo, Nhật Bản) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ICISE
Cuộc gặp với sự tham dự của gần 60 nhà khoa học và nghiên cứu sinh trẻ hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc... Sự kiện đặc biệt vinh danh sự hiện diện của những tên tuổi lớn trong lĩnh vực vật lý neutrino như GS Takashi Kobayashi (Giám đốc J-PARC, Nhật Bản), GS Masayuki Nakahata (ĐH Tokyo), GS Tsuyoshi Nakaya (ĐH Kyoto)... cùng nhiều nhà khoa học lý thuyết và thực nghiệm đang dẫn dắt các dự án neutrino toàn cầu.
Neutrino, một trong những hạt cơ bản kỳ lạ và khó nắm bắt nhất, là trung tâm của các thảo luận học thuật tại hội nghị. Các chủ đề nghiên cứu bao gồm: dao động neutrino, đo khối lượng tuyệt đối của neutrino... Đây đều là những câu hỏi mở của vật lý hiện đại, có thể làm thay đổi cách hiểu của nhân loại về cấu trúc vật chất và sự hình thành vũ trụ.
Bên cạnh đó, giới khoa học cũng thảo luận về các ứng dụng của neutrino từ giám sát lò phản ứng hạt nhân, chụp cắt lớp Trái Đất, nghiên cứu geoneutrino trong địa vật lý, đến phát hiện neutrino từ siêu tân tinh, quan sát các hiện tượng thiên văn thoáng qua. Các công nghệ mới như máy dò dùng ánh sáng Cherenkov, chất nhấp nháy lỏng và cảm biến lượng tử đang mở ra những triển vọng đột phá.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hà, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Gia Lai, từ năm 2013 đến nay ICISE đã đón hơn 16.500 nhà khoa học từ hơn 60 quốc gia, trong đó có 18 chủ nhân giải Nobel.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hà, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ICISE
"Việc tổ chức thành công các hội nghị chuyên sâu như vật lý neutrino cho thấy Việt Nam không còn là người đứng ngoài, mà đang tích cực tham gia vào cuộc chơi đỉnh cao của khoa học toàn cầu", ông Hà nhấn mạnh.
Từ năm 2017, nhóm nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên về vật lý neutrino của Việt Nam đã được thành lập tại Viện IFIRSE (thuộc ICISE). Với sự đồng hành của nhiều giáo sư quốc tế, phòng thí nghiệm này đang ngày càng phát triển, từng bước xây dựng năng lực nghiên cứu trong một lĩnh vực mà Việt Nam vốn rất thiếu nhân lực.
Song song với hội nghị, "Trường học Việt Nam về neutrinos lần thứ 9" (VSON9) diễn ra từ ngày 16-25/7 là nơi đào tạo và truyền cảm hứng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam bước vào những lĩnh vực nghiên cứu sâu. Không dừng lại ở neutrino, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết đang xây dựng đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học vũ trụ trong thời gian tới.
Trần Hóa