Thông tin được nêu trong hội thảo công bố kết quả khảo sát và đánh giá 10 năm hợp tác nghiên cứu biển của hai Viện Hàn lâm Việt - Nga, tổ chức tại Nha Trang, ngày 28/5.

Từ năm 2005 Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Phân viện Viễn Đông bắt đầu hợp tác nghiên cứu khoa học biển, tập trung vào đa dạng sinh học và hóa sinh biển bằng tàu Viện sĩ Oparin.

Hàng năm con tàu này di chuyển từ cảng Vladivostok, vượt hơn 4.000 km qua Thái Bình Dương đến biển Việt Nam thực hiện nghiên cứu. Các nhà khoa học của Viện Hải dương học Thái Bình Dương, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, thủy thủ đoàn của tàu Viện sĩ Oparin và 6 đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng thực hiện nghiên cứu chung, khảo sát khám phá tài nguyên thiên nhiên biển Việt Nam.

Theo GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cho biết, qua 9 chuyến khảo sát các nhà khoa học Việt Nam và Nga đã thu được bộ tư liệu tổng thể về điều kiện môi trường, đa dạng sinh học, tiềm năng các chất hoạt tính từ biển Việt Nam.

tau-vien-si-JPG-1748420103-8176-1748421220.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8046x1hO72IpaaNGHco60Q

Tàu Viện sĩ Oparin neo đậu tại vịnh Nha Trang trong chuyến khảo sát lần thứ 9, hôm 1/5. Ảnh: Hà Anh

Tàu Viện sĩ Oparin đã khảo sát tại 474 điểm trạm từ Bắc đến Nam biển Việt Nam bao gồm cả các khu vực đảo tiền tiêu. "Hàng nghìn mẫu vật sinh vật biển, hoạt tính sinh học được thu thập, phân tích. Đây là nguồn tư liệu khoa học giá trị, đóng góp cho hiểu biết chung về điều kiện tài nguyên môi trường biển Việt Nam, định hướng quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững", GS Minh nói, thêm rằng hai bên đã công bố chung hàng chục công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế ISI.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng giới thiệu nhiều kết quả nghiên cứu thu mẫu tại các khu vực biển sâu và đảo xa, đánh giá ô nhiễm vi nhựa, phân tích cấu trúc và hoạt tính sinh học của polysaccharide sulfate hoá, phát hiện các hợp chất chuyển hoá từ sinh vật biển, sàng lọc hoạt chất từ vi nấm và động vật da gai, đánh giá tính đa dạng của các hệ sinh thái rạn san hô.

dao-viet-ha-1748420629-1748420-7748-6970-1748421220.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dY1Z6LFF7Mfo8qaSEstPlg

Các nhà khoa học công bố kết quả điều tra khảo sát biển của 2 viện Hàn lâm, ngày 28/5. Ảnh: Thu Hiền

GS.VS Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch VAST cho biết giai đoạn 2026 - 2035 các nhà khoa học hai Viện hàn lâm sẽ làm phong phú hơn các nội dung khảo sát. Hai bên sẽ nghiên cứu theo chiều sâu, làm phong phú hơn cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, hóa sinh và địa chất biển mà các nhà khoa học đã thu được. Từ các kết quả phân tích sâu, GS Giang mong muốn các nhà khoa đa dạng dữ liệu, khai thác kết quả vào phát triển bền vững về kinh tế biển, bảo tồn tài nguyên biển.

Tàu Viện sĩ Oparin là tàu nghiên cứu chuyên dụng về hóa sinh học và đa dạng sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Tàu dài 75,5 m, trọng tải 2.441 tấn, có thể đi biển dài ngày, đủ không gian cho 36 nhà khoa học với 5 phòng thí nghiệm và 30 thủy thủ đoàn. Oparin được trang bị nhiều thiết bị hiện đại giúp lặn và thu mẫu ở vùng biển sâu.

Minh Thư

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022