Bill Gates từng đầu tư số tài sản "kếch xù" 91,8 tỷ USD của mình cho mọi loại hình kinh doanh trên thế giới, từ các hoạt động từ thiện, lĩnh vực công nghệ, thám hiểm vũ trụ, cho tới những công việc kỳ quái như stream Trái Đất từ ngoài không gian, hay dự án tạo ra thịt nhân tạo từ phòng thí nghiệm.
Thế nhưng có một lĩnh vực mà tỷ phú người Mỹ tuyệt nhiên không tham gia, cũng như ủng hộ. Đó là Bitcoin.
Tại sao Bill Gates tránh xa Bitcoin?
Trong một phỏng vấn mới đây cùng CNBC, Bill Gates thú nhận ông từng sở hữu một vài Bitcoin do được tặng. Nhưng sau đó đã ngay lập tức bán chúng.
"Ai đó đã tặng nó (Bitcoin) cho tôi vào ngày sinh nhật", Bill Gates trả lời trong một phỏng vấn của tờ CNBC. "Một thời gian sau, tôi đã bán chúng".
Vào cuối năm 2017, Bitcoin ghi nhận cú phi mã lịch sử khi tăng vọt từ 1000 USD lên tới hơn 19.000 USD vào tháng 12. Sang tới 2018, Bitcoin đã bất ngờ giảm mạnh, và hiện đang duy trì ở mức 9.100 USD, theo dữ liệu trên CoinDesk.
"Bitcoin là một trong những khoản đầu tư điên rồ nhất", Bill Gates nói. Ông cũng khẳng định mình sẽ bỏ phiếu chống Bitcoin nếu như mình có thể.
Lý giải về nguyên nhân đưa ra những dự đoán không mấy tích cực về Bitcoin cũng như thị trường tiền ảo, tỷ phú người Mỹ cho rằng chúng thiếu đi giá trị nội tại.
"Là một loại tài sản, nhưng bạn không thể sản xuất bất cứ thứ gì từ nó. Vì vậy bạn không nên mong đợi nó tiếp tục đi lên," Gates nói. "Đó chỉ thuần túy là một loại đầu tư dựa trên "Thuyết kẻ ngốc hơn".
"Thuyết kẻ ngốc hơn" theo giải thích từ trang Investopedia, cho rằng bạn có thể kiếm lợi từ việc đầu tư miễn là ngoài kia có một kẻ ngốc hơn bản thân bạn sẵn sàng đầu tư ở một giá cao hơn.
Điều đó có nghĩa rằng bạn có thể kiếm tiền từ những cổ phiếu bị định giá quá cao so với giá trị thực tế miễn là có người nào đó ngốc nghếch sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được nó từ bạn.
Cuối cùng sẽ chẳng còn lại kẻ ngốc nào vì thị trường dành cho bất kỳ sự đầu tư nào cũng đều quá nóng. Đầu tư theo thuyết kẻ ngốc hơn bỏ qua việc định giá, việc xem xét các báo cáo tài chính cũng như các số liệu khác. Việc bỏ qua số liệu cũng rủi ro như việc quá chú ý vào nó; vì vậy những người theo thuyết kẻ ngốc hơn có thể bị bỏ lại sau khi thị trường điều chỉnh.
Bill Gates nói tiền ảo là công nghệ "gây hại" cho xã hội
Trước đó, Bill Gates cũng cho rằng thị trường tiền ảo hiện nay là con đường dẫn đến "cái chết" một cách khá trực tiếp. Ông nhấn mạnh đến những mặt hàng cấm, những giao dịch ngầm có thể dễ dàng được thực hiện thông qua mua bán tiền ảo.
"Đặc điểm chính của tiền ảo đó là người dùng có thể giấu tên của họ. Tôi không nghĩ đây là một điều tốt", Bill Gates nói. "Qua đó mà khả năng tìm kiếm nạn rửa tiền, trốn thuế và thậm chí tài trợ khủng bố của chính phủ sẽ bị giảm đi khá nhiều."
"Ngay lúc này đây, tiền ảo có thể được sử dụng để mua Fentanyl (tên một loại thuốc giảm đau) và nhiều loại ma túy khác có khả năng gây ra cái chết một cách khá trực tiếp", Bill Gates khẳng định. "Tôi cũng cho rằng những dự đoán về trào lưu ICO và tiền ảo là cực kỳ nguy hiểm cho những người đầu tư lâu dài."
Tuy nhiên có một điều mà ít ai biết đó là Bill Gates từng nhìn thấy những triển vọng sáng sủa về Bitcoin từ khi còn rất sớm. Vào năm 2014, Bill Gates cho rằng mô hình tiền ảo có lợi ích cho việc giao dịch hiệu quả. "Bitcoin tốt hơn tiền mặt ở chỗ bạn không cần phải mang theo chúng ở mọi nơi, và tất nhiên là đối với các giao dịch lớn, thì tiền mặt đôi khi cũng bất tiện", Gates nói.
Tại thời điểm hiện nay, dù không đầu tư và giữ vững lập trường tiêu cực về thị trường tiền ảo, nhưng tỷ phú Bill Gates vẫn bày tỏ sự quan tâm của ông đến công nghệ blockchain đằng sau Bitcoin - nơi các giao dịch được xác nhận và ghi lại.
"Có một số công nghệ thực sự tốt về chia sẻ cơ sở dữ liệu và xác minh các giao dịch được gọi là blockchain. Đây thực sự là một công nghệ lý thú", ông nói.
Trên thực tế, quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates từng tài trợ 100.000 USD cho công ty nghiên cứu về blockchain là Bitsoko vào năm 2015. Sang tới 2017, tổ chức này cũng hợp tác với Ripple, tạo ra đơn vị tiền ảo XRP, nhằm phát triển công nghệ thanh toán di động cho người nghèo.
Nguyễn Nguyễn
Theo CNBC