Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, báo cáo những việc xảy ra trong gia đình trong năm qua. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Mâm cúng ngày 23 tháng Chạp cũng phải được chuẩn bị chỉn chu, cẩn thận với đầy đủ các món ăn từ đơn giản đến phức tạp. Tùy theo phong tục tập quán ở mỗi địa phương, mâm cúng ông Công ông Táo cũng có những điểm khác biệt và có những món ăn đặc trưng mang đậm bản sắc như bánh chưng, giò chả, nem, canh măng, gà luộc ở miền Bắc hay kẹo thèo lèo, chè trôi nước ở miền Nam. Tuy nhiên, nhìn chung mâm cúng ngày 23 tháng Chạp vẫn có một số món ăn nên tránh.
Cá chép rán
Cá chép không thể thiếu trong ngày ông Công ông Táo vì theo quan niệm truyền thống, đây là phương tiện đưa ba vị Táo quân về trời. Tuy nhiên, người ta chỉ cúng cá chép sống thả trong nước, sau khi làm lễ thì mang đi thả phóng sinh chứ không nên chế biến món này. Theo các chuyên gia phong thủy, tuyệt đối không nên cúng cá chép rán. Bởi việc làm này sẽ mâu thuẫn với phong tục truyền thống. Song chỉ trừ cá chép, bạn có thể cúng một số loại cá khác không ảnh hưởng. Đây chỉ là quan niệm truyền thống mang tính chất tham khảo nhưng nhiều gia đình đều tuân thủ với ý nghĩa "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".
Thịt vịt, ngan
Vịt là một trong những món ăn đắt hàng nhất dịp cuối năm vì được cho là có thể "giải đen". Tuy nhiên, vịt hiếm khi xuất hiện trên mâm cúng thần linh, gia tiên bởi mang ý nghĩa không may mắn. Do đó, món ăn này được khuyên không nên cúng trong ngày lễ ông Công ông Táo.
Không mang ý nghĩa đen đủi như thịt vịt nhưng thịt ngan cũng hiếm khi được chế biến thành món ăn dâng lễ. Bởi lẽ, thịt ngan cũng có mùi khá nặng, cần khử mùi kỹ, do đó không phù hợp để thắp hương.
Dê
Thịt dê tươi ngọt, có thể chế biến thành đủ món như dê tái chanh, dê nướng hay lẩu dê. Tuy nhiên, thịt dê có mùi khá nồng, thậm chí là hôi nếu không được chế biến kỹ càng, khử mùi đúng cách. Do đó, thịt dê cũng rất hiếm khi được chọn là món ăn trên cúng trên bàn thờ, ngoài ra, nó cũng mang ý nghĩa không may mắn.
Trâu
Tương tự thịt dê, thịt trâu cũng nằm trong danh sách các món không nên cúng nói chung và trong ngày ông Công ông Táo nói riêng. Theo quan niệm người xưa, nước ta là nước nông nghiệp lúa nước, người dân không làm thịt trâu bò vì đây là công cụ lao động chính, giúp thu hoạch mùa màng. Thậm chí, luật cấm ăn thịt trâu, bò được triều đại Lý - Trần ban hành và tiếp tục tới triều Nguyễn.
Thịt chó
Hầu như không có nơi nào thắp hương món thịt chó trong các dịp lễ Tết. Theo quan niệm dân gian, thịt chó là món ăn mang xui xẻo, nếu ăn vào dịp năm hết Tết đến còn có thể rước điều xui xẻo vào nhà. Bên cạnh đó, thịt chó nặng mùi, kết hợp mắm tôm, riềng mẻ, ảnh hưởng tới không gian thanh tịnh nơi thờ cúng. Ngoài ra, những năm gần đây, thịt chó không còn được ưa chuộng ở nhiều quốc gia châu Á như trước.
Mực
Cũng giống thịt vịt, mực được xem là món ăn mang xui rủi, chỉ dùng để giải đen, xả xui chứ không dùng làm đồ cúng. Song ở một số nơi, quy định này không quá khắt khe. Một số gia đình vẫn làm các món mực xào hoặc nướng để thắp hương. Các phong tục này có thể mang tính chất tham khảo.
Nguyên Chi tổng hợp