
Du khách tụ tập phía trước Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Charlotte Calmès
"Thật buồn, giống như một cú sốc, đến giờ tôi vẫn chưa thể tin được điều này", Patricia, du khách đến từ Argentina bày tỏ. Những tín đồ Công giáo lẫn du khách đến Nhà thờ Đức Bà Paris trong lễ Phục sinh đều thấy buồn bã trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis I.
Không giống mọi ngày, Nhà thờ Đức Bà Paris, địa điểm được viếng thăm nhiều bậc nhất ở Pháp, không mở cửa cho khách du lịch tham quan. Thay vào đó, hàng trăm người tập trung ở lối đi và bên hông nhà thờ để tưởng nhớ Giáo hoàng Francis I, bất chấp thời tiết mưa như trút nước. Buổi cầu nguyện diễn ra từ 20h đến nửa đêm. Trước đó, nhà thờ đã tổ chức thánh lễ vào buổi trưa và 18h, tiếng chuông nhà thờ vang lên 88 lần, tôn vinh 88 năm cuộc đời của Đức Giáo hoàng.
Guillaume Georget, một người dân Pháp, cho biết: "Tôi rất xúc động. Lúc sinh thời, Giáo hoàng đã mang tới nhiều bước ngoặt ý nghĩa cho công cuộc cải cách". Bà Johanne Turgeon, du khách Canada, nói: "Thật khó để tìm được ai nhân đạo như vậy".
Trong một cuộc phỏng vấn với BFMTV chiều 21/4, Cha Laurent Stalla-Bourdillon, một linh mục ở Paris, cho biết toàn bộ các nhà thờ ở Paris và Pháp, bao gồm Nhà thờ Đức Bà Paris, đang kêu gọi sự cầu nguyện cho cố Giáo hoàng.

Khách hành hương tập trung ở quảng trường St Peter tại Vatican, tay cầm thánh giá vào ngày 21/4, sau khi nghe tin Giáo hoàng Francis I qua đời. Ảnh: Reuters
Không khí tang tóc cũng bao trùm quảng trường St Peter, quảng trường lớn trước Vương cung thánh đường St Peter, Vatican. Trưa 21/4, tiếng chuông ở nhà thờ St Peter vang lên trong bầu không khí tĩnh lặng, đối lập với sự náo nhiệt và đông đúc thường ngày.
Hàng nghìn du khách và người hành hương đổ xô đến Rome trong Tuần Thánh. Họ từ khắp nơi trên thế giới đến quảng trường St Peter để được nghe Đức Giáo hoàng Francis I đọc lời kêu gọi hòa bình vào lễ Phục sinh (ngày 20/4). Chỉ một ngày sau khi được trông thấy người đứng đầu Giáo hội Công giáo, các du khách lại tiếp tục nghe tin Giáo hoàng qua đời từ Vatican.
Ông Baichai, du khách đến từ Mỹ và là một linh mục, không giấu được sự bàng hoàng khi hay tin Đức Giáo hoàng qua đời. Với ông, nỗi mất mát này tựa như một "vết thắt" nghẹn lại trong tim. "Ngày 20/4, ngài còn xuất hiện trước công chúng với vẻ ngoài khỏe mạnh. Thật sự là một cú sốc lớn, thật buồn", ông chia sẻ.
Bà Ida Marie, du khách người Đan Mạch, nhớ lại khoảnh khắc bà nhìn thấy Đức Giáo hoàng vào đúng ngày lễ Phục sinh. Hình ảnh vị Giáo hoàng mỉm cười và vẫy tay chào đám đông vẫn còn in đậm trong tâm trí bà. Chính vì vậy, khi nghe tin ngài qua đời một ngày sau đó, bà rất sốc. Bà Ida đã quay trở lại quảng trường Thánh Peter để cùng hàng trăm người khác bày tỏ niềm tiếc thương và lòng kính trọng.

Lễ tang của Giáo hoàng sẽ diễn ra trong 6 ngày, sau đó Đức Francis sẽ được chôn cất tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore ở khu phố Esquilino, Rome. Ảnh: Reuters
Rất nhiều du khách khác cũng có mặt trong buổi lễ Phục sinh đều không thể quên được hình ảnh chiếc xe mui trần chở Đức Giáo hoàng đi qua giữa những tiếng reo hò "Viva al Papa" ((Đức Thánh cha vạn tuế) đầy xúc động.
Sue Rak, du khách đến từ Ghana, cùng chồng và các con đến thăm Rome, bày tỏ niềm tin rằng "Đức Giáo hoàng Francis I đã muốn về với Chúa". Bà thành tâm cầu nguyện cho ngài được an nghỉ, bởi theo bà, "ngài đã hoàn thành xuất sắc mọi việc trong suốt cuộc đời" và luôn bảo vệ cho những người yếu thế trong xã hội.
Không chỉ ở Pháp và Vatican, các tín đồ trên khắp thế giới đã tới các nhà thờ để cầu nguyện cho sự ra đi của cố Giáo hoàng như ở Jerusalem (Israel), Bethlehem (Palestine), New York (Mỹ) hay Buenos Aires (Argentina), quê hương của ngài.
Lễ tang của Giáo hoàng sẽ diễn ra trong 6 ngày, sau đó Đức Francis được chôn cất tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore ở khu phố Esquilino, Rome, thay vì trong các hầm mộ phía dưới Vương cung thánh đường St Peter.
Bảo tàng Vatican và nhà nguyện Sistine sẽ đóng cửa để phục vụ công tác tổ chức tang lễ Giáo hoàng Francis I, khiến các tour du lịch bị ảnh hưởng. Nhiều nhà hàng, cửa hàng trong thành phố cũng đóng cửa thời gian này để bày tỏ sự tiếc thương và tôn kính với Giáo hoàng đã mất. Quảng trường Thánh Peter vẫn mở cửa, nhưng khả năng sẽ quá tải vì du khách, người dân địa phương và các nhà báo trên thế giới đến đưa tin.
SuZi Nguyễn (Theo Annenberg Media, CBS)