Nghệ sĩ nằm trong số gần 300 khán giả đến xem hòa nhạc Thank You tối 6/5. Sau hai tác phẩm Đêm nằm mơ phố (Việt Anh), Nhạc rừng (Hoàng Việt), Thành Lộc đứng dậy dành cho Saigon Choir tràng vỗ tay.
Thành Lộc chụp hình cùng khán giả trong buổi hòa nhạc tối 6/5. Ảnh: Tân Tiểu
Diễn viên cho biết anh và Saigon Choir từng hợp tác khi thực hiện vở nhạc kịch Tiên Nga. Vì vậy khi chỉ huy dàn nhạc - Quang Thái - gửi vé mời, anh liền thu xếp đi xem. Trước đây, anh chỉ xem các tác phẩm của Dàn hợp xướng Sài Gòn trên YouTube, lần đầu nghệ sĩ xem trực tiếp. Theo Thành Lộc, hiện nay, mọi người phải tiếp xúc nhiều loại âm thanh, có những thứ không đáng để nghe. Saigon Choir đã tạo ra những âm thanh không chỉ có kỹ thuật mà còn giàu cảm xúc, lay động khán giả.
"Chứng kiến 70 con người với 70 âm thanh khác nhau hòa quyện làm một, tôi thấy nể phục. Họ khiến tôi yêu công việc nghệ thuật, cuộc đời này hơn. Tôi có thêm động lực để thấy con đường đang đi không sai, trái tim được an ủi thật nhiều", nghệ sĩ nói.
Theo Thành Lộc, các nhạc phẩm Việt được phối rất hay, thể hiện qua chất classical music (âm nhạc cổ điển), tạo sự thú vị cho người nghe.
Sự xuất hiện của Thành Lộc trong đêm nhạc gây chú ý vì đầu tháng 5, nhiều tin đồn cho rằng nghệ sĩ sắp rời Idecaf sau 26 năm gắn bó. Tuy nhiên, Thành Lộc chưa xác nhận. Giám đốc sân khấu cũng cho biết chưa nhận được thông báo nào về quyết định này của nghệ sĩ.
Thành Lộc sinh năm 1961 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật: Cha là Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ hát bội Huỳnh Mai, anh trai Bạch Long, chị gái Bạch Lê đều là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Anh được biết đến qua loạt vở thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa cùng các kịch Dạ cổ hoài lang, Cậu đồng, Ngôi nhà không có đàn ông, Hợp đồng mãnh thú, Tấm Cám. Nghệ sĩ còn góp mặt trong các phim điện ảnh với vai nhỏ, như Mùi ngò gai, Chàng trai năm ấy, Tấm Cám chuyện chưa kể, làm giám khảo Vietnam Got's Talent 2012.
Saigon Choir biểu diễn dưới sự chỉ huy của nghệ sĩ Huỳnh Quang Thái. Ảnh: Tân Tiểu
Ngoài hai nhạc phẩm Việt, Saigon Choir trình diễn đa dạng thể loại gồm những tác phẩm nổi tiếng quốc tế như: O Sapientia, Khorumi, Pal So Seong, Ubi Caritas, Cikala Le Pong Pong. Trong đó, Fajar dan Senja (Dawn and Dusk) của Ken Steven nhận tràng pháo tay vang dội.
Nghệ sĩ Tạ Minh Tâm nhận xét Saigon Choir luôn nỗ lực tạo ra những bản hợp xướng mới lạ, ý nghĩa. Theo anh, việc tập hợp được hàng chục hợp xướng viên hòa quyện trên sân khấu không phải điều dễ dàng. Anh thấy hạnh phúc khi Dàn hợp xướng Sài Gòn góp phần làm đa dạng thêm văn hóa nghe, nhìn trong đời sống âm nhạc hiện nay.
Thank You là đêm nhạc thứ tám của Saigon Choir trên chặng đường chinh phục nghệ thuật hợp xướng kể từ khi thành lập vào năm 2016. Đội hình lúc đầu gồm 30 thành viên, hiện số người tham gia lên đến 100. Hơn một nửa lực lượng là sinh viên theo học chuyên ngành thanh nhạc tại Nhạc viện TP HCM cũng như một số trường âm nhạc khác. Trong bảy năm hoạt động, Saigon Choir tổ chức nhiều concert định kỳ mỗi năm một lần.
Đầu tháng 4, tại Hội thi Hợp xướng Quốc tế lần thứ bảy diễn ra ở Hội An (Quảng Nam), đoàn đoạt ba giải vàng, một giải đặc biệt. Saigon Choir cũng từng đoạt giải vàng Hội thi Hợp xướng quốc tế tại Hội An năm 2017 và bằng chứng nhận Excellent (tương đương giải vàng) tại World Choir Games 2021. Dàn hợp xướng được mời biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật hàn lâm quy mô như Opera Carmen, các chương trình hòa nhạc gồm: Niềm tin, Bài ca không quên, Tôi tin, Âm nhạc không biên giới...
Một tiết mục trình diễn của Saigon Choir trong live concert "Thank You". Video: YouTube Saigon Choir
Hoàng Dung