Tân Nhàn sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng Hà Nam. Tuổi thơ của chị là những nốt trầm ít nụ cười, nhiều nước mắt. Ngày đó, nhà Tân Nhàn ở sát vách núi, rất nghèo và hiu quạnh. Thời bao cấp đã qua, thành phố có điện rồi thì nơi Nhàn ở vẫn leo lét đèn dầu và xếp hàng đi mua gạo thịt.
Cô bé Tân Nhàn vẫn ngày ngày băng rừng đi học, vừa đi vừa hái hoa rồi hát, đúng như lời câu hát mà Trần Mạnh Hùng đã viết: “Đôi chân băng rừng qua bao chặng đường về/ Rung rinh đám hoa dại cỏ cây bên đường rộn ràng tiếng hát”.
Ngày ấy, mẹ của Tân Nhàn làm nhà máy gạch cách xa nhà. Vì nhà neo người nên cứ mỗi lần mẹ đi làm chị lại bị nhốt trong nhà, tự ăn, tự học… Mẹ làm lụng chăm chỉ nhưng nhà Tân Nhàn vẫn nghèo nhất thôn. Những ngày giá rét, trong khi chúng bạn có quần áo lành lặn mà mặc thì Tân Nhàn lại phải mặc quần thủng. Có lần, Tân Nhàn được chọn đi dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ ở Hà Nội nhưng không có một bộ quần áo nào gọi là tươm tất để mặc nên phải đi mượn của hàng xóm.
Tuổi thơ lớn lên trong nghèo đói và thiếu thốn nên chưa bao giờ chị ấn tượng nhiều với mùa Đông. Và cũng vì quá nhiều nỗi buồn tuổi thơ nên càng lớn lên, càng có điều kiện để phấn đấu, chị càng không cho phép mình dừng lại.
Đó là lý do giải thích vì sao, trong số các ca sỹ thuộc dòng nhạc mang âm hưởng dân gian, Tân Nhàn vẫn luôn được đánh giá là ca sỹ nhiều năng lượng đến khó hiểu.
Kể từ khi trở thành Quán quân dòng nhạc dân gian Sao Mai 2015, Tân Nhàn liên tiếp tung ra rất nhiều sản phẩm âm nhạc và sản phẩm nào cũng để lại những dấu ấn rất riêng. Từ “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Sông đợi”, “Mưa xuân”, “Trăng khuyết”, “Đường tàu mùa xuân” “Giọt thời gian”, “Lạy Phật con về”, “Đào Liễu”… Mới đây, dù đang trong giai đoạn hoàn thành các chuyên đề cho luận án tiến sỹ thanh nhạc nhưng Tân Nhàn vẫn cố gắng gấp rút hoàn thành album “Thương” để kịp làm món quà ý nghĩa chào năm mới gửi tới khán giả.
“Tôi chưa bao giờ mặc cảm với tuổi thơ của mình bởi nhờ có những ngày tháng đó mà bây giờ tôi dễ cảm, dễ rung động, dễ nhập tâm… vào bài hát hơn. Và cũng nhờ những ngày tháng đó mà tình yêu – tình thương quê hương, đất nước, con người trong tôi cũng ngày càng thiết tha hơn. Tôi thấy mình sống chậm và tĩnh hơn rất nhiều so với những năm về trước. Và càng sống chậm tôi lại thấy mình dễ yêu thương hơn, yêu thương nhiều hơn...”.
Tân Nhàn cho biết, chị “thai nghén” album này trong hai năm. Chính chị là người đã kỹ lưỡng chọn lọc, biên tập từng bài hát để đưa vào album. Lấy tựa đề album là “Thương”, Tân Nhàn muốn mọi người cùng nhìn cuộc sống bằng cái nhìn bao dung và nhẹ nhàng từ những điều bình dị nhất. Đó có thể là những cảm xúc mộc mạc của một người con Việt đối với thứ ngôn ngữ mẹ đẻ được gìn giữ qua bao đời, là chút hờn dỗi đáng yêu của cô gái với người yêu, là hình ảnh cô gái Nghệ rất đỗi mãnh liệt nhưng không kém phần dịu dàng, là những phút “ngẫu hứng giao duyên” của những liền anh liền chị quan họ Bắc Ninh, là tình cảm của một chàng trai neo trong sự mơ màng và huyền thoại của ánh trăng trên dòng sông Nhật Lệ hoặc bức tranh quê sống động với những trầm tích văn hóa của vùng đất Phố Hiến - Hưng Yên… Và nếu tinh ý người nghe sẽ nhận ra sợi dây âm nhạc xuyên suốt mang tính kết nối trong album chính là sự tổng hòa của các chất liệu âm nhạc dân gian của các vùng miền.
Ở “Thương” người ta nhận ra một Tân Nhàn rất đỗi quen thuộc nhưng cũng đầy sự mới mẻ. Sự mới mẻ đó chính là sự điêu luyện về mặt kỹ thuật thanh nhạc của một giảng viên thanh nhạc vừa tốt nghiệp xuất sắc Cao học Thanh nhạc (Tân Nhàn đang trong giai đoạn hoàn thành các chuyên đề luận án Tiến sỹ) và độ chín muồi về mặt cảm xúc của một người nghệ sỹ sau những thành công trên sân khấu.
Vốn sở hữu giọng soprano (nữ cao) đẹp, có màu sắc… nên trong “Thương”, Tân Nhàn đã kết hợp một cách đầy khéo léo giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với lối hát dân gian trong từng tác phẩm. “Thương” đạt đến yêu cầu cao của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật. Với cách thể hiện này, giọng ca gốc Hà Nam đã dẫn dắt người nghe qua các cung bậc cảm xúc một cách tự nhiên nhất.
Một điểm nhấn cực kỳ thú vị là trong album này, phần hòa âm – phối khí do nhạc sỹ Trọng Phương và Quang Huy thực hiện. Trọng Phương chính là em trai của ca sỹ Trọng Tấn. Trước đó, Trọng Phương đã hợp tác với Tân Nhàn trong hai album “Đường tàu mùa xuân” và “Chiều nắng”.
Tân Nhàn biết đến Trọng Phương khi cậu đang là sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Sau một vài lần đưa các sản phẩm âm nhạc của mình cho Trọng Phương thử sức Tân Nhàn nhận thấy cách phối nhạc của cậu rất dịu dàng nhưng cũng rất văn minh và tinh tế. Vì lẽ đó mà trong nhiều sản phẩm âm nhạc gần đây, Tân Nhàn tin tưởng giao cho Trọng Phương thực hiện từ đầu đến cuối. Từ album “Chiều nắng” (thực hiện 70% âm nhạc trong album) đến “Thương” lần này Trọng Phương đã chứng minh được tài năng thật sự của mình.
Hà Tùng Long