Nghệ sĩ nói về kế hoạch tổ chức lễ hội thường niên - Monsoon Music Festival - sau ba năm gián đoạn vì dịch, đồng thời cho biết quan điểm về cơ hội hội nhập quốc tế của nghệ sĩ Việt.

- Đạo diễn chương trình vào tháng 10 sau ba năm đứt quãng, anh kỳ vọng điều gì?

- Tôi đặt mục tiêu Monsoon là chương trình xã hội hóa, không phải sản phẩm kinh doanh, cũng không phải sự kiện của một nhãn hàng. Đó là không gian nghệ sĩ trẻ tiếp cận công chúng, giới thiệu sản phẩm mới. Tôi mời 100 nghệ sĩ trong, ngoài nước, trong đó có những gương mặt từ Thái Lan, Philippines, Campuchia. Đa số khán giả Việt Nam có thói quen chỉ bỏ tiền xem những ca sĩ tên tuổi, thưởng thức những buổi biểu diễn có hàng chục giọng hát, mỗi người lên trình bày hai bài, không liên quan đến nhau. Như vậy cơ hội cho người trẻ phát triển nằm ở đâu? Tôi nghĩ đó không phải là một đời sống âm nhạc đa dạng.

Tôi dĩ nhiên vẫn gặp khó khăn về tài chính. Qua năm lần tổ chức, tiền bán vé thu về nhiều nhất là 3 tỷ, tức là bằng khoảng một phần tư chi phí tổ chức. Nhiều người hỏi tôi vậy anh làm sự kiện này để làm gì? Rất khó lý giải, nhưng tôi và êkíp nhận được nhiều niềm vui, không đơn thuần chỉ là tiền bạc.

nhac-si-Quoc-Trung-1-1339-1684739028.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kN2FqsXVVi6IbKpBIpnLHQ

Nhạc sĩ Quốc Trung ở tuổi 57. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Tiêu chí lựa chọn nghệ sĩ của anh là gì?

- Tôi nghĩ không nên lấy tiêu chuẩn nổi tiếng để đánh giá nghệ sĩ, bởi tài năng đôi khi không đi cùng sức ảnh hưởng. Chẳng hạn, các nghệ sĩ jazz, nhạc cổ điển, họ không thu hút đại chúng nhưng tài năng của họ là điều không thể phủ nhận. Với Monsoon, tôi hướng đến những dự án có tiếng nói, thông điệp, không phụ thuộc các ngôi sao giải trí. Âm nhạc của họ có thể lạ lùng, kỳ dị hoặc khó nghe nhưng được chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, có cơ sở chinh phục khán giả.

Tôi từng đi một lễ hội âm nhạc ở Anh, kéo dài bốn ngày, giới thiệu 500 ban nhạc, đa phần là lính mới, tìm cơ hội giới thiệu sản phẩm tới các nhà tổ chức, hãng đĩa. Nhiều nghệ sĩ biểu diễn rất kỳ dị, thậm chí khó nghe, nhưng khán giả luôn dành cho họ sự tôn trọng, không bỏ dở giữa chừng, thậm chí vẫn vỗ tay. Chẳng hạn, trong một lễ hội âm nhạc điện tử thể nghiệm, tôi chứng kiến một nghệ sĩ phát thứ âm nhạc như máy khoan bê tông suốt 30 phút. Con người có thể làm được những điều không thể tưởng tượng, vượt ra ngoài suy nghĩ nghệ sĩ khi lên sân khấu sẽ chỉ làm bạn với nhạc cụ, micro. Ở các nước phát triển, họ tạo không gian cho âm nhạc thể nghiệm, tạo cho khán giả thói quen thưởng thức đa dạng. Họ không phản ứng, vùi dập những sáng tạo, còn thích hay không là câu chuyện khác.

hang-nghin-nguoi-doi-mua-xem-le-hoi-am-nhac-quoc-te-gio-mua--1572660674.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RZ9ffaJb52_nRa6j_nqOSA
Hàng nghìn người đội mưa xem lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa 2019

Hàng nghìn người đội mưa tham gia Lễ hội âm nhạc Gió mùa - Monsoon 2019. Video: Huy Mạnh.

- Mời nhiều nghệ sĩ nước ngoài đến tham gia Monsoon Music Festival, anh nghĩ sao về việc đưa nghệ sĩ Việt ra thị trường quốc tế?

- Việc tiến vào một thị trường âm nhạc mới, đặc biệt là các nền nghệ thuật hàng đầu như Mỹ, Anh, không đơn giản. Trước đây, nhiều người, trong đó có cả tôi và ca sĩ Thanh Lam, từng nuôi tham vọng này nhưng không thành. Ngoài khoảng cách về trình độ, tài năng, chúng ta còn gặp nhiều rào cản khách quan về tính chuyên nghiệp, quy trình sản xuất, vận hành. Hơn nữa, nghệ sĩ của chúng ta hiếm người hát và sáng tác bằng tiếng Anh, sản phẩm cũng chưa thực sự độc đáo, tầm ảnh hưởng không sâu, vậy lý do nào để họ tìm đến nhạc Việt.

Kpop đã nổi lên ở nhiều khu vực từ lâu nhưng gần đây mới thâm nhập được thị trường Mỹ. Kết quả đó không nằm ở một nghệ sĩ mà là nỗ lực của cả một hệ thống. Chính phủ có chính sách khuyến khích âm nhạc, các tập đoàn lớn hậu thuẫn về kinh tế, trong khi các nhà tổ chức tích cực tìm kiếm, tạo ra nhu cầu đích thực từ khán giả nước ngoài. Đây là quá trình phát triển ở tầm vĩ mô, không đơn thuần là thành quả của một cá nhân.

Hiện tại, chưa một nghệ sĩ Việt nào có thể đứng ra và tự tin nói rằng tôi được khán giả quốc tế quan tâm. Tôi từng rủ rê nhiều bạn trẻ, trong đó có Ngọt, đến các festival ở nước ngoài: "Đi cùng chú, tự bỏ tiền vé máy bay, chú cho ăn ngủ nhờ, xem ở nước ngoài họ làm việc thế nào". Nhưng đa số họ vẫn còn dè dặt, ngại thử thách.

- Anh nghĩ sao về việc một số ca khúc nhạc Việt như See Tình của Hoàng Thùy Linh, Hai phút hơn của Pháo "gây bão" mạng xã hội các nước như Trung, Hàn Quốc?

- Ở thời đại thế giới phẳng, với sự phát triển của các trang như YouTube, TikTok, nhiều người dùng tìm kiếm những chất liệu mới từ các quốc gia khác. Tôi nghĩ những hiện tượng này có thể là tiền đề để quảng bá nhạc Việt nhưng chưa thực sự ảnh hưởng sâu sắc. Chúng ta không thể chỉ dựa vào vài ca khúc hot trên mạng xã hội mà tự hào nhạc Việt hay nghệ sĩ Việt Nam thu hút thị trường quốc tế. Nếu đánh giá không cẩn trọng, khán giả và nghệ sĩ sẽ rơi vào ảo tưởng, trong khi thực tế còn rất xa xôi.

Những ứng dụng như TikTok thuộc các tập đoàn đa quốc gia lớn. Họ có kỹ thuật để khoanh vùng đối tượng theo thói quen, sở thích, vùng miền, từ đó gia tăng lượt xem. Với khán giả, tôi nghĩ TikTok tạo ra thói quen nghe nhạc không tốt, chỉ thích xem những video ngắn, không quá dài, lướt qua những thứ không cần suy nghĩ quá nhiều. Với nghệ sĩ trẻ, nếu chỉ sản xuất sản phẩm để phổ biến trên nền tảng đó, giá trị nghệ thuật không đọng lại nhiều. Bởi những phong trào đó không phục vụ nghệ thuật, nghệ sĩ, mà chỉ nhằm đem lại lợi nhuận cho chính ứng dụng đó.

Nhạc sĩ Quốc Trung 56 tuổi, là con trai NSND Trung Kiên và nghệ sĩ Thanh Nga. Nhạc sĩ tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tu nghiệp tại châu Âu. Năm 1991, anh trở về Việt Nam, thành lập ban nhạc Phương Đông. Anh là người giúp Thanh Lam xây dựng hình ảnh diva qua Mây trắng bay về, một trong những album chất liệu world music xuất sắc của nhạc nhẹ đương đại. Quốc Trung cũng từng hợp tác nhiều tên tuổi như Hồng Nhung, Hà Trần, Tùng Dương, Uyên Linh, Hà Linh. Ngoài ra, anh là giám đốc âm nhạc, đạo diễn nhiều chương trình như Rock Storm, Vietnam Idol, Bài hát Việt.

Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022