Nền nhạc trữ tình Việt Nam tồn tại nhiều giọng hát hay, với năng lực đặc biệt. Trong đó, có rất nhiều giọng nữ cao sở hữu kỹ thuật điêu luyện, âm vực rộng, nội lực lớn như Thái Thanh, Thanh Tuyền, Siu Black, Thu Minh...

Nhưng nếu chỉ tính riêng về âm sắc, màu giọng tự nhiên (timbre) thì có hai giọng nữ cao nổi bật về vẻ đẹp thuần khiết, trong sáng, ngọt ngào nhất, đó là Ngọc Lan và Hồ Quỳnh Hương.

Ngọc Lan – viên ngọc quý mãi phát sáng trong bầu trời âm nhạc

Ngọc Lan sở hữu type giọng bẩm sinh là light lirico soprano. Đây là type giọng phổ biến và dễ thấy nhất tại Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung. Đa số giọng nữ tại Việt Nam là light lirico soprano.

photo-2-16900989806241203173717.jpg

Ngọc Lan

Giọng light lirico soprano thông thường thường hơi chói, gắt do tính kim, nhưng giọng Ngọc Lan lại pha mộc nên có độ xốp, mềm mại, uyển chuyển và ấm áp, nghe vô cùng dễ chịu, thư thái. Ngọc Lan thực sự là một giọng hát đẹp và nữ tính điển hình.

Âm sắc giọng Ngọc Lan gần như có một không hai trong dòng chảy âm nhạc. Ngọc Lan không trưng trổ kỹ thuật, không cố tạo ra một lối hát màu mè, khó nhằn nhưng gần như không ai bắt chước được giọng hát này vì nó quá đặc biệt, quá tự nhiên.

Giọng hát Ngọc Lan rất sáng nhưng lại không chói, như ánh nắng ban mai chiếu nhẹ vào không gian, thổi bừng lên sức sống vạn vật, nhưng vẫn thanh mát, dễ chịu.

Mỗi khi hát, Ngọc Lan như người kể chuyện mở ra một khu vườn thanh âm lộng lẫy với màu pha lê lấp lánh, sự mềm mại, ngọt ngào của cỏ cây, mật ong, suối chảy…, khiến người nghe dù gấp gáp đến mấy cũng phải dừng chân “nghỉ ngơi” lại nơi tiếng hát này để thư giãn tâm hồn, trải cảm xúc bay cùng điệu nhạc. Ngọc Lan cứ rong chơi như một thiếu nữ trong khu vườn âm nhạc bằng sự nhẹ nhàng, bản nguyên của cô.

Về độ ngọt trong giọng hát, hiếm có ca sĩ nào hát điệu đà như Ngọc Lan, ngọt như rót mật vào tai, mềm đến tận xương tủy. Nhờ lối hát này mà Ngọc Lan đã đốn gục biết bao trái tim si tình, biến nó trở thành vũ khí tối mật cho các giọng nữ, mà sau này đã được Như Quỳnh, Minh Tuyết, Y Phương kế thừa thành công.

Ca sĩ nữ ai cũng có thể hát điệu, nhưng không phải ai cũng điệu một cách hấp dẫn và văn minh như Ngọc Lan. Điệu mà làm quá mức, hoặc không biết kiếm soát giọng hát của mình, không biết cân bằng liều lượng của cái điệu ấy, không biết để nó vào chỗ nào thì dễ dàng bị lố, phản cảm, nói một cách dân giã là "điệu chảy nước".

Nhưng Ngọc Lan thì không thế, cái điệu được kiểm soát kĩ trong giọng hát đẹp tự nhiên, ngọt ngào và cảm xúc. Ngọc Lan biết phát huy tối đa chất trữ tình đặc trưng trong cữ âm của mình. Nhưng khác với mọi light lirico soprano trước đây, cô không cố gắng luyến láy, đưa đẩy giọng để ra được cái trữ tình ấy, mà giữ nó xuất hiện một cách tự nhiên nhất.

Những note head voice được Ngọc Lan sử dụng trên quãng trung rất tinh tế, ém sâu vào giọng hát để tạo ra sự mượt mà, êm đềm.

Việc sử dụng mixed voice với lượng head voice gia tăng hơn chest voice trên những quãng trung trữ tình khiến cho bản nhạc trở nên mềm mại và du dương hơn một cách tự nhiên. Cách hát này đã ảnh hưởng tới nhiều ca sĩ như Thu Minh, Như Quỳnh, Minh Tuyết..., tạo nên một trường phái riêng mang tên Ngọc Lan.

Ngọc Lan không dùng mixed voice để phô diễn mà thường dùng để lên C5 kèm theo ngân rung nhưng với âm lượng rất nhỏ và giấu kín vào câu hát nên để không ai có thể nhận ra. Những ngân rung của Ngọc Lan không khoa trương, hoa mỹ nhưng thực sự đẹp.

Hồ Quỳnh Hương – vẻ đẹp của kỹ thuật và cảm xúc

Hồ Quỳnh Hương là một trường hợp đặc biệt của nền nhạc nhẹ vì cô xuất thân là ca sĩ được đào tạo về thanh nhạc cổ điển, sử dụng head voice. Thông thường, các ca sĩ được đào tạo về thanh nhạc cổ điển khi chuyển sang hát nhạc nhẹ sẽ khá khô cứng và phát âm không mềm mại do ảnh hưởng từ lối hát cộng minh cổ điển.

Riêng Hồ Quỳnh Hương lại hoàn toàn lột xác để hát nhạc nhẹ một cách tự nhiên, chân thành nhất, không hề bị nhiễm lối hát cộng minh dựng tiếng kiểu cổ điển. Cô cũng không cố tình phô diễn kỹ thuật hoa mỹ trên head voice để thể hiện bản thân như một số ca sĩ cổ điển khác khi chuyển sang nhạc nhẹ.

Hồ Quỳnh Hương hát rất nhẹ nhàng, tự sự và giãi bày cảm xúc tinh tế, khiến người nghe như được rót mật vào tai.

photo-1-16900989793521857961580.jpeg

Hồ Quỳnh Hương

Giống Ngọc Lan, Hồ Quỳnh Hương cũng là một light lirico soprano (loại giọng nữ phổ biến nhất tại Việt Nam). Âm sắc giọng của cô là sự pha trộn giữa giọng thủy và giọng kim. Tính kim giúp Hồ Quỳnh Hương lên cao sáng rực rỡ, vang và bay xa. Trong khi đó, tính thủy lại khiến giọng cô trở nên xốp và rất ấm khi hát ở quãng trung.

Nhờ thế mạnh đó, Hồ Quỳnh Hương có thể hát ballad rất mềm mại, ấm áp, như đang thủ thỉ, tâm tình, tiếng hát nhẹ tựa hơi thở. Nếu so sánh với Thùy Chi (cùng là light lirico soprano chuyên hát ballad), sẽ thấy rõ rằng, dù Thùy Chi có hát nhỏ nhẹ tới đâu cũng vẫn mang âm sắc hơi chói, chua, không thể ấm và sang trọng như Hồ Quỳnh Hương được.

Không những thế, tính kim thủy hòa trộn còn giúp Hồ Quỳnh Hương dù hát nhẹ nhàng, thủ thỉ tới đâu vẫn có một độ vang nhất định tỏa ra, nghe rất thoải mái, dễ chịu. Nhưng khi lên cao lại vang rền, chói sáng và có tính xuyên thấu như một giọng kim sắc bén.

Cô biết tận dụng điểm mạnh của mình trên những đoạn chuyển giọng ngắn rất mượt, đi từ belt cao trên âm lượng to (forte) đổ nhỏ dần về dần âm lượng nửa giọng (mezza voce) không một chút gợn. Thậm chí, cô có thể di chuyển nhẹ nhàng xuống pianissimo – alnient – pianissimo khi đang belt F5. Hoặc, cô còn belt E5 nhỏ dần trên pianissimo một cách dễ dàng mà placement không hề thay đổi.

Khả năng dựng tiếng tốt và lối hát nhẹ nhàng điêu luyện cho phép Hồ Quỳnh Hương dựng được những âm rất khó như /ơ/, /i/, thậm chí cả âm mở /a/ trên những đoạn belting rất cao.

Không những thế, cô còn vuốt nhỏ được âm lượng ngay trên những đoạn belting đó, khiến nó vô cùng lộng lẫy. Nói cách khác, dù hát nhỏ nhưng rất vang vọng. Khoảng vang được cô dựng lên hoàn toàn và giữ ổn định một vị trí.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022