Hương Thanh, Đức Trí, Hải Phượng thể hiện bản "Lý qua cầu" (Cao Văn Lý). Video: Mai Nhật
Sự kết hợp của Hương Thanh với các nghệ sĩ quốc tế đẩy không khí đêm nhạc lên cao trào. Các làn điệu được phối hiện đại, sôi động theo hơi hướng world jazz (jazz pha trộn với world music). Khi hát Mời trầu - bài dân ca quan họ Bắc Ninh, giọng hát Hương Thanh chơi đùa với âm thanh guitar điện của Nguyên Lê - cộng sự lâu năm. Có lúc, ca sĩ lùi lại, nhường chỗ cho các đoạn solo ngẫu hứng của dàn nhạc.
Càng về cuối, các nghệ sĩ càng biểu diễn thăng hoa. Trong Lý ngựa ô (dân ca Nam bộ) - tiết mục kết show, ban nhạc như ngầm thách thức nhau khi tiếng đàn của Đức Trí trở nên dồn dập, hưởng ứng tiếng trống của Patrice Héral. Hay tiếng đàn tranh của Hải Phượng hòa quyện cùng âm thanh đàn tăng rung (vibraphone) của Franck Tortiller. Vì quá "máu lửa", đàn Nguyên Lê bị đứt dây, anh tự sửa ngay trên sân khấu rồi tiếp tục nhập cuộc.
Hương Thanh và Nguyên Lê (tóc trắng) biểu diễn bản "Dạ cổ hoài lang" (Cao Văn Lầu). Video: Mai Nhật
Sau mỗi đoạn độc diễn của một nghệ sĩ, người nghe lại hò reo. Đêm nhạc kết thúc lúc gần 23h song 300 khán giả ở lại, vỗ tay khi Hương Thanh giới thiệu tên các nhạc công. Khán giả Mộc Châu (33 tuổi) cho biết ban đầu đến với đêm nhạc với tâm thế được nghe những làn điệu dân ca êm ái. "Tôi không ngờ các bản dân ca cũng có thể được phối thành jazz, world music và được nghệ sĩ chơi bùng nổ đến thế", khán giả này nói.
Màn kết hợp của Hương Thanh cùng nhạc sĩ Đức Trí, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng là điểm nhấn. Đức Trí - giám đốc âm nhạc của show - cũng bén duyên với cổ nhạc từ nhỏ. Dù thích nhạc cụ phương Tây, theo lời đề nghị của cha, muốn chơi piano anh trước hết phải tập đàn bầu. Dần dà, anh nhuần nhuyễn nhiều loại đàn cổ. Khi Hương Thanh về nước, nhạc sĩ giới thiệu chị với thầy anh - nhạc sĩ Cao Văn Lý, tác giả của các bài Lý qua cầu, Lý trăng soi, để nghệ sĩ học trực tiếp lời gốc của tác phẩm.
Cùng Hải Phượng, Đức Trí, ca sĩ dẫn dắt người nghe bằng các làn điệu ba miền, từ Nam ngược ra Trung, Bắc. Với Lý qua cầu, Hương Thanh tung tẩy theo nhịp đàn tranh khi hát về nỗi niềm người con gái nhung nhớ hình bóng xưa cũ. Với Lý mười thương, chất giọng ca sĩ ngọt ngào, nũng nịu theo giai điệu dân ca Thừa Thiên - Huế. Ở Ngủ điểm bài tạ - bản ca cổ tri ân cải lương, ca sĩ gây thích thú khi thể hiện lối ngân luyến đặc trưng của "con nhà nòi", tung hứng cùng tiếng đàn nguyệt của Đức Trí.
Từ Pháp về nước làm show Hẹn với Sài Gòn, ca sĩ xúc động hồi tưởng năm tháng được tiếp xúc với âm nhạc cổ truyền. Ví bản thân như "người con của đờn ca tài tử", từ nhỏ, Hương Thanh được truyền cảm hứng hát dân ca từ cha - nghệ sĩ cải lương Hữu Phước và chị gái Hương Lan. Tám tuổi, Hương Thanh bước lên sân khấu làm đào hát, từ đó tình yêu cổ nhạc ngấm vào máu thịt. Ngày đó, ca sĩ mê hát đến nỗi xin cha được học nhạc song song với học văn hóa đến năm 16 tuổi.
Ca sĩ Hương Thanh trong đêm nhạc "Hẹn với Sài Gòn". Ảnh: Mai Nhật
Sau này, sang Pháp định cư, Hương Thanh vẫn nuôi "lửa" đam mê bằng những đêm nhạc dành cho cộng đồng người Việt hải ngoại, cùng cha lưu diễn cải lương ở nhiều nước. Ca sĩ hợp tác nhiều nghệ sĩ Pháp để dòng chảy dân ca tiếp tục được khơi nguồn khi xa xứ.
Hương Thanh sinh tại Sài Gòn. Năm 1996, chị kết hợp Nguyên Lê - nghệ sĩ Pháp gốc Việt - trong album nhạc jazz - Tales from Vietnam (Những chuyện kể từ Việt Nam). Album nhận nhiều lời khen của các tạp chí trên thế giới, đoạt nhiều giải thưởng ở châu Âu.
Năm 1999, nghệ sĩ ra album đầu tiên - Moon and Wind - do Nguyên Lê thực hiện. Năm 2007, ca sĩ nhận giải Prix Musiques du Mondedo đài phát thanh France Musique trao vì đóng góp cho âm nhạc truyền thống. Năm 2009, Hương Thanh ra mắt nhiều dự án dân ca Việt Nam như L'Arbre aux Rêves/ Tree of dreams, Tiếng trúc tiếng tơ (De Bambou et de Soie). Năm 2020, nghệ sĩ phát hành album dành cho trẻ em gốc Việt, với các ca khúc Em bé quê (Phạm Duy), Rước đèn tháng Tám (Vân Thanh), Thằng Cuội (Lê Thương).
Mai Nhật