Danh sách một số bài “nhạc đỏ” được Cục NTBD cập nhật trên website - Ảnh: V.V.Tuân |
... Đây là việc làm sai lầm về tư duy và phương pháp, lại tốn kém thời gian, công sức, tiền của của đất nước, mà dù có bổ sung bao nhiêu nhân lực cục Nghệ thuật biểu diễn cũng không làm hết được! |
Nhạc sĩ Phó Đức Phương |
Hơn 300 ca khúc “nhạc đỏ” được cập nhật vào danh sách phổ biến rộng rãi đều là những bài hát rất quen thuộc với nhiều thế hệ người nghe.
Chẳng hạn, Tiến quân ca (nhạc sĩ Văn Cao) đã được ghi trong Hiến pháp là quốc ca của nước ta từ năm 1946.
Hay Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (nhạc sĩ Phạm Tuyên) đã được biết bao nhiêu người hát khắp mọi nơi...
Vậy mà nay Cục Nghệ thuật biểu diễn mới cập nhật vào danh sách những bài hát được phổ biến rộng rãi.
Hơn nữa, khi công bố danh sách này, cục không có thông báo giải thích để mọi người tỏ tường sự việc.
Bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng đã quen thuộc với hàng triệu người dân Việt Nam bao năm qua. mới đây có trong danh sách 300 bài được công bố phổ biến rộng rãi từ website Cục Nghệ thuật biểu diễn. |
Sai lầm về tư duy
“Đây là việc làm không cần thiết, chỉ tốn thời gian. Cục Nghệ thuật biểu diễn làm sao có thể cập nhật được hết danh sách các ca khúc cách mạng” - nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh bình luận.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, thẳng thắn nhìn nhận việc cập nhật các bài “nhạc đỏ” của Cục Nghệ thuật biểu diễn là việc làm rất “vô duyên”.
Ông cho rằng về cơ bản, danh sách các bài hát cấm vì đi ngược lại quyền lợi đất nước bao giờ cũng ít hơn danh sách các bài hát được phổ biến rộng rãi.
Nhưng khi đưa ra danh sách cấm, thường người ta cũng chỉ đưa ra các nguyên tắc (như tác phẩm gây hậu quả xấu đến ổn định chính trị, làm ảnh hưởng an ninh quốc gia, gây hại đến khối đại đoàn kết dân tộc...) chứ khó có thể đưa ra danh sách cấm cụ thể được.
“Vậy mà Cục Nghệ thuật biểu diễn lại có “tinh thần, trách nhiệm” thống kê toàn bộ các tác phẩm trước năm 1975 ở cả hai miền Nam - Bắc đã được phổ biến rộng rãi thì liệu có đủ trách nhiệm và nhân lực để làm hay không?
Vì thế, đây là việc làm sai lầm về tư duy và phương pháp, lại tốn kém thời gian, công sức, tiền của của đất nước, mà dù có bổ sung bao nhiêu nhân lực cục cũng không làm hết được” - nhạc sĩ Phó Đức Phương bày tỏ quan điểm.
Phương pháp gây bức xúc
Dù Cục Nghệ thuật biểu diễn đã lên tiếng giải thích rõ đơn vị này không “cấp phép phổ biến” hơn 300 bài “nhạc đỏ”, mà chỉ cập nhật các bài hát vốn đã được phổ biến rộng rãi (nghĩa là với những ca khúc này, các cá nhân, tổ chức biểu diễn nghệ thuật không cần phải xin phép để Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép), NSND Quang Thọ nhận định:
“Tôi thấy chủ trương của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn là đúng đắn, nhưng cách làm chưa được. Cục chưa làm rõ được hai vấn đề là cấp phép và cập nhật phổ biến khác nhau thế nào?”.
Nghệ sĩ Quang Thọ nói dòng nhạc cách mạng có hàng nghìn bài hát, nếu Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cập nhật thì cần rà soát tổng thể để cập nhật tất cả các bài hát đã phổ biến rộng rãi.
“Qua việc này thấy rõ bộ chưa có những chuyên gia giỏi để tư vấn trong lĩnh vực này” - ông nói.
Chiều 22-5, ông Nguyễn Thái Bình - chánh văn phòng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, người phát ngôn của bộ - cho biết:
“Hiện nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật danh sách các ca khúc. Đối với các bài hát còn lại chưa được cập nhật thì vẫn được sử dụng rộng rãi như thời gian qua”.
Ông cũng thừa nhận với PV Tuổi Trẻ: “Đúng là do cách gọi, phương pháp làm của Cục Nghệ thuật biểu diễn chưa được rõ gây nên bức xúc cho người dân. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo cục nghiêm túc rút kinh nghiệm và có cách làm chuyên nghiệp hơn”.
Bài hát không xâm phạm lợi ích quốc gia không cần cấp phép phổ biến
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc sửa đổi việc cấp phép phổ biến bài hát. Cụ thể, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển. Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn. |
Nguồn: tuoitre.vn