Tỉnh Bình Thuận hiện có 35 dân tộc sinh sống trên địa bàn, trong đó dân tộc Chăm có khoảng 40.000 người. Những năm gần đây, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh. Trong đó, việc bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng được quan tâm. Hầu hết các dân tộc thiểu số ở trong tỉnh vẫn còn lưu giữ nghệ thuật dân gian của mình trong sinh hoạt cộng đồng.

Từ giữa tháng 7 này,  các ngày từ thứ 3 đến thứ 5 hàng tuần tại Trung tâm văn hóa, thể thao huyện Bắc Bình, hơn 40 em thanh thiếu niên tham gia lớp học múa truyền thống của người Chăm. Ngoài ra, còn 1 nhóm khác gồm 8 em nam tham gia lớp học thổi kèn Saranai và đánh trống Ghi-năng.

Ông Lâm Tấn Bình, một trong những người tham gia đứng lớp dạy đánh trống Ghi-năng cho biết, lớp học kéo dài trong 2 tháng, các em được học miễn phí đáp ứng nguyện vọng học tập sinh hoạt vui chơi, giải trí trong dịp hè. Qua lớp học ca múa nhạc dân gian giúp các em phát huy năng khiếu ca múa nhạc dân tộc, duy trì và tiếp tục nâng cao kỹ năng biểu diễn sáng tạo trong nghệ thuật. Từ đó phát hiện ra những hạt nhân phong trào hoạt động của đoàn nghệ thuật. Ông Bình cho biết thêm: "Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh làm đề tài nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian của đồng Chăm kể cả việc bảo tồn truyền dạy và chế tác một số nhạc cụ truyền thống của người Chăm, phục vụ cho các hình thức lễ hội. Như vậy,  phải làm như thế nào làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của mình, chính đồng bào của mình phải có trách nhiệm giữ gìn".

nhom_hoc_thoi_ken_saranai.jpg
Nhóm học thổi kèn saranai.

Về loại hình nghệ thuật dân gian Chăm, đã được đẩy mạnh khai thác qua việc hình thành hai đoàn biểu diễn nghệ thuật. Đó là Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm bán chuyên nghiệp huyện Bắc Bình được thành lập từ năm 1990 và Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp dân tộc Chăm thuộc Nhà hát Biển Xanh được hình thành từ năm 2006.

Hàng năm, Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp dân tộc Chăm biểu diễn 100 buổi phục vụ người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Ngoài ra, nhà hát còn xây dựng chương trình, mở rộng giao lưu với các tỉnh, thành, tham gia cuộc thi, liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc; sáng tác tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Có nhiều tiết mục sưu tầm, khai thác từ chất liệu dân tộc Chăm, Châu Ro, Raglai được nâng cao, dàn dựng công phu, đạt thành tích cao trong các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế, như các bài múa “Nữ thần Siva”, “Vũ điệu gà rừng”, “Những cô gái Raglay”, “Dâng rượu”...

Nghệ sĩ Nhân dân Mai Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Biển Xanh tỉnh Bình Thuận cho biết, sự phát triển của Nhà hát luôn gắn với văn hóa nghệ thuật của các dân tộc: "Muốn giữ gìn được chúng ta phải có những định hướng chuẩn xác về vấn đề nghệ thuật ví dụ như những điệu múa góc, những bài dân ca gốc… Cái nguyên gốc chúng ta bảo tồn, còn cái phát triển thì làm sao định hướng người dân xem được, nghe được qua loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ, khí nhạc để đáp ứng được theo sự phát triển của đất nước. Trong sự phát triển của đơn vị cần những diễn viên là người Chăm cùng với Nhà hát để nâng cao được vừa chất lượng nghệ thuật chuyên môn cũng như giá trị bảo tồn".

cac_em_nam_hoc_danh_trong_ghi_nang.jpg
Các em nam học đánh trống ghi năng.

Còn tại các xã vùng cao như Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ thuộc huyện Hàm Thuận Bắc; Phan Điền, Phan Sơn, Phan Lâm và Phan Tiến thuộc huyện Bắc Bình vấn đề truyền dạy cách đánh cồng, chiêng cho con em người Raglai, K'ho cũng được quan tâm. Ông Ka Văn Nhơn, Phó Chủ tịch xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết: "Xã Đông Tiến vẫn còn duy trì đội cồng chiêng, ngày cúng kính ông bà tổ tiên thì vẫn sử dụng cồng chiêng để phục vụ cho phong tục tập quán đó. Trong thời gian tới, xã cũng mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm thứ nhất đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thêm một sống trang thiết bị như trang phục người K’ho để phục vụ cho dịp tổ chức ngày hội văn hóa thể thao, chúng tiếp tục khôi phục lại những cái bị mai một, mất đi".

Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc, vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh sẽ triển khai tổng kiểm kê và lập danh mục loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho công chức văn hóa và các chủ thể văn hóa trong công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tại địa phương. Giới thiệu nguồn gốc, giá trị và vai trò của một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số trong các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ cho học sinh nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp nói chung và giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số nói riêng đối với thế hệ trẻ. 

Những nét đẹp của loại hình văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú là niềm tự hào. Với những nỗ lực chung tay của các cấp chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số, hy vọng rằng những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ được gìn giữ và phát huy./.

 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022