Theo Kế hoạch này, trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành BHXH đặt mục tiêu: Bảo đảm 100% người dân sinh sống ở vùng biển đảo có thẻ BHYT; được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu cấp cứu, KCB và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; đảo đảm nguồn kinh phí KCB BHYT kịp thời cho khu vực biển đảo và khả năng cân đối quỹ KCB BHYT. Các giải pháp được BHXH Việt Nam để đạt được mục tiêu này gồm:

Trước tiên, BHXH Việt Nam xây dựng và hoàn thiện chính sách BHYT. BHXH Việt Nam sẽ tham mưu đề xuất và phối hợp với các bộ,ngành trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến khu vực biển đảo, bảo đảm thuận lợi trong công tác thu và cấp thẻ BHYT đối với người dân đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thủ tục KCB đơn giản, thuận tiện; đảm bảo quyền lợi KCB BHYT và khả năng cân đối quỹ BHYT.

BHYT-120615.jpgĐếm năm 2020, 100% người dân vùng biển, đảo có thẻ BHYT. Ảnh IE.

BHXH các tỉnh, TP phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tham mưu với UBND các tỉnh, TP về việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 theo quy định tại Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 5/8/2016 ban hành tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020.

Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với UBND các tỉnh, TP về việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục xã đảo theo quy định tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 ban hành tiêu chí, điều kiện, thủ tục công nhận.

Thứ hai, tăng tỉ lệ bao phủ BHYT tại xã đảo, huyện đảo: Đối với nhóm đối tượng là NLĐ trong các doanh nghiệp, thực hiện thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ở các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm; rà soát đối với các đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia BHYT chưa đầy đủ để thực hiện thu và cấp thẻ BHYT.

Đối với nhóm đối tượng do quỹ BHXH đóng, thực hiện rà soát để đảm bảo 100% đối tượng có thẻ BHYT. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, hướng dẫn cha mẹ, người giám hộ về quyền được cấp thẻ BHYT cùng với Giấy khai sinh và đăng ký thường trú; quyền lợi về đăng ký nơi KCB ban đầu và KCB của trẻ em dưới 6 tuổi.

Đối với các nhóm đối tượng khác được ngân sách nhà nước đóng, ngoài nhóm người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, phối hợp với đơn vị quản lý đối tượng trong việc rà soát, lập danh sách cấp thẻ BHYT để tránh cấp trùng hoặc bỏ sót đối tượng; đảm bảo 100% đối tượng được cấp thẻ BHYT.

Đối với nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình: Hướng dẫn chuyển đổi đối tượng thuộc các nhóm này sang nhóm người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo đúng quy định của Luật BHYT; đảm bảo 100% đối tượng được cấp thẻ BHYT.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT: Cơ quan BHXH sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật về BHYT mang tính đặc thù cho đối tượng sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; trong đó lưu ý tổ chức cho NLĐ tại các doanh nghiệp tham gia cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về BHYT trên truyền hình, trên báo đài và tại các địa phương, cơ sở.

Công tác truyền thông, tuyên truyền cần được tiến hành với tất cả các nhóm đối tượng, bao gồm cả các cấp chính quyền, đoàn thể, trường học, các chi bộ, đảng viên… và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng được tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia BHYT.

Thứ tư, đảm bảo quyền lợi KCB BHYT: Hướng dẫn người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo nhưng thuộc nhóm đối tượng khác (NLĐ, nhóm do quỹ BHXH đóng…) được đổi thẻ BHYT sang mã mức hưởng có ký hiệu số 2, ban hành kèm theo Quyết định số 1351/QĐ-BHXH ngày 16/11/2015 của BHXH Việt Nam ban hành mã số ghi trên thẻ BHYT.

Hướng dẫn người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được đăng ký KCB ban đầu tại một cơ sở KCB thuận lợi nhất trên đất liền nếu trên các xã đảo, huyện đảo không có cơ sở KCB tuyến xã, huyện, tỉnh và trung ương theo đúng quy định.

Hướng dẫn người dân được thông tuyến KCB BHYT tại Bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương theo đúng quy định của Luật BHYT;

Hướng dẫn người dân được hưởng chi phí vận chuyển từ tuyến huyện đảo lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Thứ năm, cân đối và bảo toàn Quỹ BHYT: Tăng cường công tác giám định BHYT cả về số lượng và chất lượng; đổi mới phương pháp giám định theo hướng giám định tập trung và mở rộng thực hiện giám định hồ sơ thanh toán chi phí KCB BHYT theo tỉ lệ; tăng cường ứng dụng hệ thống CNTT trong giám định BHYT.

Thứ sáu, một số nhóm giải pháp khác: Nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHYT; ứng dụng CNTT đối với lĩnh vực BHYT.

BHXH Việt Nam sẽ tổ chức thành lập Ban Chỉ đạo tại BHXH Việt Nam; thành lập Ban Chỉ đạo tại BHXH 28 tỉnh, TP ven biển trực thuộc Trung ương. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Vụ, Ban, đơn vị trực thuộc để triển khai các giải pháp đã đê ra.

PL

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022