Theo đó, sau khi cơ quan Quản lý thực phẩm và dược Hoa Kỳ (FDA) liệt kê 19 hoá chất bị cấm trong thành phần rửa tay diệt khuẩn, phổ biến nhất là triclosan, triclocarban, từ tháng 9 tới, bất kỳ sản phẩm rửa tay nào chứa 1 trong các chất nói trên sẽ bị cấm lưu thông.
Trước lệnh cấm này, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu tại Việt Nam rà soát lại thành phần các sản phẩm rửa tay diệt khuẩn để báo cáo về Cục.
Đối với các sản phẩm diệt khuẩn dùng trong y tế và các chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước hiện vẫn chưa có “phán quyết” do FDA đang yêu cầu các nhà sản xuất nộp dữ liệu báo cáo chứng minh tính an toàn.
Các sản phẩm xà phòng phải báo cáo là xà phòng kháng khuẩn sử dụng để rửa tay với nước và phải xả sạch bằng nước sau khi sử dụng (xà phòng lỏng và xà phòng bánh).
FDA nhận định: Việc sử dụng xà phòng diệt khuẩn không tốt hơn so với xà phòng thông thường. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra các thành phần kháng khuẩn còn có thể gây nguy hại cho sức khoẻ như làm kháng thuốc hoặc ảnh hưởng đến nội tiết tố khi sử dụng lâu dài.
FDA khuyến cáo: Để ngăn chặn mầm bệnh, người tiêu dùng chỉ cần rửa tay bằng xà phòng thông thường. Trường hợp không có xà phòng, buộc phải dùng chế phẩm sát khuẩn khô như biện pháp thay thế thì nên chọn các sản phẩm chứa ít nhất 60% cồn.
Được biết, việc ban hành danh mục các chất không được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng, bao gồm cả xà phòng rửa tay với nước thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. Các chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước và chế phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế
Trước khi lưu hành tại Việt Nam, các chế phẩm này phải thực hiện việc đăng ký lưu hành để thẩm định tính an toàn và hiệu lực của chế phẩm theo quy định của Chính phủ.
Trong quá trình lưu hành, nếu phát hiện chế phẩm không còn đảm bảo an toàn và hiệu lực hoặc có khuyến cáo từ các tổ chức quốc tế về hoạt chất không đảm bảo an toàn, Bộ Y tế sẽ xem xét rút số đăng ký lưu hành và chấm dứt việc lưu hành chế phẩm trên.
Phương Linh