Tại buổi hướng dẫn, TS. Dương Đức Hùng nhấn mạnh: “Trong những trường hợp đó (người dân bị vật nguy hiểm cắt đứt mạch, vết thương chảy nhiều máu – PV) cần thì phải tiến hành sơ cứu cầm máu nhanh nhất có thể. Cơ thể chúng ta có khoảng 4,5 lít máu, mỗi lần tim co bóp ra 50-60ml máu, chỉ trong một vài phút nếu không cầm máu kịp sẽ dẫn đến mất máu cấp. Vì vậy nếu chúng ta làm tốt sơ cứu ban đầu thì nhiều nạn nhân có thể cứu được”.
TS. Hùng cụ thể: Khi vết thương vào mạch máu lớn, như trường hợp cháu bé bị vết thương vào mạch cảnh vùng cổ, ngay lập tức máu sẽ xối xả và rơi ngay vào tình trạng sốc mất máu. Nếu như thể tích máu bị mất ngay một lúc cấp trên 50% thể tích máu thì sẽ rơi vào sốc mất máu không hồi phục. Như vậy, dù kể cả trong trường hợp tai nạn xảy ra gần BV thì cũng rất khó để đến BV mà bác sĩ có thể cứu chữa được nếu như sự sơ cứu ban đầu không làm tốt”.
TS. Hùng hướng dẫn kỹ thuật băng ép cho nạn nhânTheo TS. Hùng, ở vùng cổ có một động mạch khá lớn là động mạch cảnh, nằm ngay dưới da cho nên chỉ một vết cắt qua da đã có thể gây tổn thương mạch cảnh (dân gian hay gọi là “cắt tiết”), máu sẽ phun ra.
“Việc đầu tiên, nếu nạn nhân là người lớn cần ngay lập tức cố gắng dùng tay đối diện ép chặt vào vết thương, mục đích để máu ngừng chảy. Người bên ngoài khi đến cạnh nạn nhân việc đầu tiên không phải là khẩn trương bế sốc nạn nhân lên mà với những dụng cụ tại chỗ mà chúng ta kiếm được như khăn giấy, miếng vải, khăn mặt… ép vào vết thương cần cầm máu ngay lập tức. Trong sơ cứu thì kỹ thuật băng ép là kỹ thuật cơ bản để cầm máu. Tuy nhiên ở cổ có đặc thù là nếu băng ép không đúng cách lại làm chẹt đường thở khiến nạn nhân không thở được. Do đó cần đặt một vật như thanh gỗ nhỏ chẳng hạn vào phía đối trọng sau đó băng ép và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, như vậy có thể cứu được bệnh nhân”- TS. Hùng hướng dẫn.
Theo TS. Hùng, khi tiến hành sơ cứu phải tuân theo nguyên tắc cơ bản sơ cứu vết thương mạch máu đó là băng ép có trọng điểm vết thương.
Trước tiên, người sơ cứu có thể dùng những vật dụng hiện có như gạc, khăn tay hay miếng vải rồi cuộn lại đặt lên vết thương và băng ép lên vết thương, có thể dùng cánh tay hay bàn tay bên đối diện hoặc thanh gỗ đặt phía bên cổ đối diện để làm thanh tựa cố định băng ép mà không làm ngạt nạn nhân. Cách đơn giản hơn rất nhiều giúp người sơ cứu dễ làm và dễ nhớ là cách băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân. Sau đó nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.
Trước đó, vào lúc 14h30 ngày 23/9 tại khu vực trước nhà số 64 phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cháu Trần Minh Hoàng (sinh năm 2007, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đi xe đạp trên đường đã va chạm vào tấm tôn trên một xe xích lô đang đỗ bên đường, bị tôn cứa vào cổ gây tử vong.
Tiếp đó, khoảng 16g chiều 25-9, một phụ nữ 66 tuổi quê ở Hòa Bình đã tử vong sau khoảng 1 giờ được cấp cứu tại Bệnh viện 103 do bị tấm tôn cứa vào mặt trước cổ dẫn đến tử vong.
Phương Linh