nh%C3%A2n-l%E1%BB%B1c-y-t%E1%BA%BF.jpgSinh viên ngành điều dưỡng đang đi thực tế ở một bệnh viện. Ảnh IE

Nhận định về thực trạng nhân lực ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: 5 năm qua, số lượng các loại hình nhân lực y tế tăng đáng kể qua các năm, số bác sỹ trên vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên khoảng 8,0 năm 2015, số dược sỹ đại học trên vạn dân tăng từ 1,76 năm 2010 lên khoảng 2,2 năm 2015.

Tuy nhiên, hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế đang đứng trước không ít những khó khăn thách thức. Bên cạnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân đang đòi hỏi ngày càng cao, các bệnh không lây nhiễm gia tăng ở mức cao cũng như các điều kiện về hội nhập quốc tế đòi hỏi công tác quản lý đào tạo nguồn nhân lực y tế cần phải có những giải pháp hợp lý cả trước mắt và lâu dài để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Do vậy, chất lượng nhân lực y tế nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cũng theo Bộ trưởng Tiến, thời gian đào tạo của chúng ta chưa hội nhập được với quốc tế. Thêm vào đó, chúng ta vẫn lẫn lộn giữa hệ hàn lâm với hệ thực hành. Các bác sĩ ở bệnh viện lâm sàng thì lại đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Chuẩn của các bác sĩ trưởng khoa đòi hỏi phải đào tạo hệ hàn lâm; trong khi đó yêu cầu ở bệnh viện thì đòi hỏi phải đào tạo về thực hành nhiều hơn. Hiện nay, ở Việt Nam, học y trong thời gian 6 năm và sau đó thực hành 18 tháng, được cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần (suốt cuộc đời) mà không  qua  thi cử. Điều này khác với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra chuẩn của giảng viên y khoa Việt Nam vẫn chưa có.

Trong bối cảnh dân số gia tăng và già hóa dân số cũng như mô hình bệnh tật đã thay đổi theo xu hướng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng đòi hỏi Việt Nam cần tập trung tăng nhanh số bác sỹ, dược sỹ và điều dưỡng… để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Do vậy, ngoài việc đảm bảo chất lượng cũng phải tăng cường số lượng các bác sĩ để địa phương nào cũng có bác sĩ giỏi, không xảy ra tình trạng thiếu bác sỹ và cần chỉ định thống nhất các bệnh viện tham gia công tác đào tạo.

Để cải thiện tình hình, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng các văn bản quy định liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như đảm bảo quyền lợi về ngạch, bậc lương cho nhân lực ngành y tế với quan điểm tôn trọng lịch sử về phần bằng cấp nhưng năng lực đi theo bằng cấp cần được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.

Việc đổi mới công tác đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam là một quá trình lâu dài, cần sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý như Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cũng như sự đồng thuận, tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo nhân lực y tế.

Phương Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022