Ngày 20/2, UBND TP Nha Trang cho biết, thành phố phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh thành lập tổ liên ngành tuyên truyền, nhắc nhở, đẩy đuổi và xử lý đối với các trường hợp chó thả rông. Tuy nhiên, việc xử lý chó thả rông có nhiều khó khăn, trong đó thiếu nhân lực và nhân lực cũng không đủ chuyên môn.
Các địa phương chưa bố trí được khu vực tạm thời nuôi, nhốt cho vi phạm, hoặc quá thời gian lưu giữ nhưng chủ vật nuôi không tới đóng phạt, điều này gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm.
Thành phố chỉ đạo địa phương nghiên cứu thành lập các đội bắt chó và tăng cường công tác tuyên truyền, buộc các chủ nuôi chó phải có cam kết không để chó thả rông, chích ngừa đầy đủ cho chó, có rọ mõm bảo hiểm khi đưa chó ra đường và đảm bảo giữ vệ sinh môi trường..., hộ nào sai phạm sẽ lập biên bản xử lý theo quy định.
Người dân miêu tả lại cảnh du khách bị chó cắn ở Nha Trang.
Đối với trường hợp du khách nước ngoài bị chó cắn, lãnh đạo TP Nha Trang thông tin đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, kiểm tra tham mưu xử lý và yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý tình trạng nuôi chó thả rông nhằm đảm bảo hình ảnh thành phố du lịch thân thiện, văn minh và không để xảy ra trường hợp cắn người tương tự.
Theo bác sĩ khoa ngoại chấn thương chỉnh hình bỏng Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, Staker Zachary bị thương mặt trước cẳng tay phải nhân dài 8cm, mặt sau cánh tay phải 10cm, đứt cơ nhị đầu tay phải. Ở tay trái có vết thương bàn tay 2cm, vết thương cẳng tay 1cm. Bác sĩ bệnh viện đã phẫu thuật, cắt lọc vết thương, khâu cơ, khâu vết thương..., tới nay bệnh đã ổn định nhưng vẫn cần phải theo dõi vì chó cắn có nguy cơ nhiễm trùng rất cao.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo khi bị súc vật cắn có nguy cơ nhiễm trùng từ tuyến nước bọt của súc vật. Sau khi theo dõi xong, bệnh nhân phải tiếp tục tiêm ngừa vắc xin ngừa dại.