Ngày 4/4, ông Lô Văn Thao, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông (Nghệ An) cho biết, địa phương đang phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nghệ An tiến hành các thủ tục đề nghị công nhận Bia Ma Nhai là bảo vật Quốc gia.

Dù đã qua gần 700 năm, bài văn khắc trên núi đá như vẫn còn tươi nét bút.
UBND huyện, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An phối hợp với các chuyên gia từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng Viện Trần Nhân Tông để thực hiện công tác rập thác bản văn Bia Ma Nhai.
Đây là một bước quan trọng trong quá trình lập hồ sơ, cung cấp tư liệu chính xác và đầy đủ về di tích này. Việc rập thác bản văn bia giúp ghi lại một cách chi tiết và trung thực những hoa văn, chữ viết trên bia, từ đó phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.

Các chuyên gia rập thác bản văn bia Ma Nhai (huyện Con Cuông, Nghệ An).
Theo tài liệu, văn bia Ma Nhai tại núi Thành Nam, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, gắn liền với chiến công của quân và dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống giặc Ai Lao. Dù đã qua gần 7 thế kỷ, bài văn khắc trên núi đá năm nào vẫn giữ nguyên nét bút tươi sáng.
Văn bia ghi lại sự kiện Thái thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh, tự làm tướng, đích thân chỉ huy quân đội, với hiệu lệnh nghiêm minh, uy thanh vang dội. Do đó, "Ai Lao nghe tiếng chạy mất hút" vào năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu thứ 7 (1335) dưới triều vua Trần Hiến Tông. Sau chiến thắng này, Thượng hoàng đã lệnh cho Phát vận sứ Nguyễn Trung Ngạn soạn văn khắc vào vách núi để kỷ niệm chiến thắng.
Nét độc đáo, quý hiếm của 3 cổ vật được đề nghị công nhận bảo vật quốc giaĐỌC NGAY
Toàn bộ văn bia ngắn gọn chỉ 14 dòng với 155 chữ, khắc sâu trên vách núi đá vôi, ngoảnh mặt trông ra sông Lam và đường bộ qua lại như thách thức với thời gian, là minh chứng cho hào khí Đông A của vương triều Trần cũng như tinh thần bảo vệ bờ cõi và nhân dân Đại Việt. Đồng thời, cũng là lời nhắc nhở, răn đe cho những tù trưởng hay thủ lĩnh có mưu đồ chống phá lại sự ổn định và thống nhất lúc bấy giờ.
Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt đó, vào ngày 2/8/2011, bia Ma Nhai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích Lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 2369/QĐ-BVHTTDL.

Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá xanh ở chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) được đánh giá là cổ vật đặc biệt quý hiếm mà cổ nhân để lại cho hậu thế, đã bị vỡ hỏng một số chi tiết và có dấu hiệu biến dạng sau vụ hỏa hoạn ngày 23/10.