Các bác sĩ, mắt thâm quầng, tập trung cho những công việc cuối cùng trước khi bàn giao ca. Đột ngột, tiếng gọi khẩn cấp vang lên từ phòng cấp cứu: "Nam, 56 tuổi, đau ngực cấp, nghi nhồi máu cơ tim". Bác sĩ Đỗ Trọng Nam, trưởng kíp trực, lập tức điều động đội ngũ sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Những thủ tục hành chính được gác lại. Từng nhịp tim trên máy monitor trở thành áp lực nhắc nhở họ phải giữ sự tỉnh táo tuyệt đối, bởi ở đây, mỗi giây đều có thể quyết định ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
Bệnh viện Bạch Mai là nơi tập trung những ca bệnh nặng nhất toàn miền Bắc, đặc biệt tại Trung tâm Hồi sức Cấp cứu. Nơi này có hơn 160 y bác sĩ và điều dưỡng, chia nhau trực hai ca mỗi ngày. Trung bình, họ tiếp nhận hơn 300 ca cấp cứu một ngày, trong đó khoảng 70% là bệnh nhân nguy kịch. Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca cấp cứu tại Việt Nam tăng nhanh sau mỗi năm, buộc các bác sĩ tuyến cuối phải làm việc 12-16 tiếng/ngày, vượt ngưỡng khuyến cáo của nhiều cơ quan y tế thế giới.
Tình trạng này không riêng Bạch Mai. Nhiều bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội đối diện cảnh thiếu hụt nhân lực, ca trực kéo dài, khối lượng công việc chồng chất. Một bác sĩ vừa làm chuyên môn, vừa chăm sóc, tư vấn, đồng thời phải giữ tỉnh táo tối đa để không bỏ lỡ bất kỳ tín hiệu sống nào. Kể cả khi bóng tối phủ lên phòng trực, họ vẫn là những người "gác cổng" cuối cùng trước ranh giới mong manh của sự sống.
Bên cạnh đó, họ còn phải chịu đựng gánh nặng tinh thần khi thường xuyên đối mặt với cái chết, đau đớn và mất mát. Việc thông báo tin xấu cho gia đình bệnh nhân, đối mặt với những quyết định y khoa khó khăn, hay cảm giác bất lực khi không thể cứu được người bệnh dần dần tích tụ thành áp lực nặng nề, còn gọi là hội chứng burnout. Theo tổng hợp từ 182 nghiên cứu quốc tế, tỷ lệ burnout ở bác sĩ hồi sức cấp cứu dao động từ 25% đến 60%. Tại Pháp, một khảo sát trên các ICU cho thấy gần 46% nhân viên y tế mắc hội chứng này; trong đại dịch, tỷ lệ burnout tại khu vực chăm sóc tích cực vọt lên 68%.
Biểu hiện của kiệt sức bao gồm cảm giác mệt mỏi triền miên, giảm hiệu suất làm việc, cảm giác vô cảm với bệnh nhân và đồng nghiệp, thậm chí dần dần mất đi niềm đam mê với nghề nghiệp.

Bác sĩ Lân và kíp trực liên tục theo dõi tình trạng người bệnh. Ảnh: Giang Huy
Tình trạng kiệt sức không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất, mà còn tác động trực tiếp đến chất lượng chăm sóc bệnh nhân. Các nghiên cứu ghi nhận rằng đội ngũ y tế bị kiệt sức có nguy cơ cao hơn trong việc mắc lỗi y khoa, giảm khả năng ra quyết định chính xác, kém hiệu quả trong giao tiếp với bệnh nhân và đồng nghiệp.
Dù vậy, tinh thần trách nhiệm buộc họ phải vượt lên mọi khó khăn, bác sĩ Nam nhấn mạnh. "Cấp cứu không có công thức chung, mấu chốt chỉ có một: càng nhanh càng tốt, bởi đôi khi một giây chậm trễ cũng đồng nghĩa mất đi cơ hội sống", anh chia sẻ. Đặc biệt, thời điểm giao ca sáng sớm là lúc tinh thần và thể lực của bác sĩ cạn kiệt, bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên dồn dập, nhiều trường hợp quá nặng đòi hỏi sự tỉnh táo và bản lĩnh hơn bao giờ hết của bác sĩ.
Nam vẫn nhớ như in ca cấp cứu một bệnh nhân trẻ tuổi bị tai nạn, vết thương xuyên tim khiến nhịp tim suy yếu. Đội ngũ lập tức huy động, phối hợp xét nghiệm, đặt ống nội khí quản, chuẩn bị cho ca mổ khẩn cấp. Ngoài thực hiện các thủ thuật y khoa, bác sĩ còn phải trò chuyện, động viên gia đình, giải thích tường tận mọi diễn biến. Công việc kết thúc không có nghĩa là sự căng thẳng dừng lại, vì các kíp phải đồng thời chăm sóc bệnh nhân điều trị và sẵn sàng đón nhận các ca nguy kịch mới.
Tình trạng kiệt sức của y bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu đã được ghi nhận, song các giải pháp hiệu quả vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Nhiều bệnh viện vẫn chưa có chương trình hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp cho đội ngũ y bác sĩ, trong khi các vấn đề về cơ cấu nhân sự, phân bổ ca trực và môi trường làm việc vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Đây là thách thức không chỉ đối với từng cá nhân y bác sĩ mà còn là vấn đề hệ thống đòi hỏi sự can thiệp từ các cấp quản lý y tế, chính sách công và xã hội nói chung.

Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Thành
Trong lúc đó, để vượt qua tình trạng kiệt sức trong mỗi ca trực đêm, bác sĩ Nguyễn Duy Toản, Bệnh viện Đa khoa Đức giang tiết lộ bí quyết "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, nghỉ đâu cũng là sẵn sàng". Khi bệnh nhân ổn định, các bác sĩ sẽ tranh thủ chợp mắt vài phút, người thì dựa tường, người chọn ly trà, cốc cà phê hoặc xối nước lạnh lên mặt để xua đi cơn buồn ngủ.
"Chỉ cần một ca trực trôi qua 'an toàn', không xảy ra tai biến, các ca mới đáp ứng điều trị, thế là đủ cho một ngày hạnh phúc", bác sĩ Toản nói. "Thành tựu nhỏ nhoi ấy là động lực lớn nhất để xua đi mệt mỏi".
Còn với bác sĩ Nam, lao vào guồng công việc là cách duy nhất để quên đi mỏi mệt, dù đôi lúc cơ thể rã rời, tâm trí trĩu nặng nỗi ám ảnh về những ca không cứu được. Đã có lúc anh trải qua những cơn sang chấn tâm lý, phải nhờ đến liệu pháp tinh thần và sự sẻ chia đồng nghiệp để vượt qua. Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, Nam trở nên cứng cỏi, bản lĩnh hơn. Mỗi ca trực kết thúc, các bác sĩ lại ngồi lại, phân tích từng trường hợp thực tế, tìm ra bài học để hoàn thiện mình.
"Bác sĩ cấp cứu phải chạy đua với thời gian từng phút, kể cả trong lúc nghỉ ngơi đầu vẫn hướng về người bệnh", Nam tâm sự. Khi hoàn thành ca trực, anh trở về phòng làm việc để tiếp tục nghiên cứu bệnh án song vẫn luôn sẵn sàng cứu hộ khi có ca bệnh cần.
Thùy An