Trường đại học đầu tiên công bố mức thưởng Tết Nguyên đán 2025
Giảng viên và sinh viên làm việc tại phòng thí nghiệm phân tích hóa sinh, Trường Đại học Công Thương TP.HCM.
Đại diện Trường Đại học Công Thương TP.HCM cho biết trên Sức khỏe và Đời sống, theo quy chế chi tiêu nội bộ áp dụng từ năm học 2024-2025 của trường, mức thưởng cuối năm (thưởng Tết) của trường là 25 triệu đồng/người. Mức thưởng này áp dụng chung cho tất cả viên chức, người lao động, lãnh đạo trường có thời gian làm việc từ một năm trở lên, không phân biệt chức danh, vị trí, bằng cấp.
Với quy định này, tất cả người lao động ở trường, từ lao công cho đến hiệu trưởng nhà trường đều nhận chung một mức thưởng Tết Nguyên đán 2025.
Đối với trường hợp công tác tại trường dưới một năm, những trường hợp có thời gian nghỉ làm việc không hưởng lương sẽ được tính theo số tháng làm việc thực tế. Trường hợp nghỉ hoặc chuyển công tác nếu có thời gian làm việc tại trường trên 6 tháng trở lên mới được hưởng.
Mức thưởng này không áp dụng đối với hợp đồng công nhật, thời vụ.
Mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài đến khi nào?
Toàn tỉnh Quảng Bình có trên 17.000 hộ dân bị ngập do mưa lũ thì huyện Lệ Thuỷ chiếm đến trên 12.000 hộ. Hiện tại huyện này vẫn còn mưa và nước vẫn đang tiếp tục dâng cao. Ảnh: Nguyễn Chiến
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 27-29/10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Đà Nẵng đã xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa từ 200-400mm, cục bộ có nơi trên 700mm.
Riêng đêm qua và sáng sớm nay (29/10), khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h đến 8h sáng nay cục bộ có nơi trên 100mm như: Hoành Sơn (Hà Tĩnh) 108.2mm, Quảng Kim (Quảng Bình) 149.6mm, Cam An (Quảng Trị) 201.2mm, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) 119mm,…
Dự báo ngày và đêm 29-30/10, khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Đà Nẵng tiếp tục có mưa to 70-150mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Trong đó, ngày và đêm nay, những khu vực trên có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Ngày và đêm mai (30/10), mưa lớn ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi với lượng mưa từ 30-60mm, cục bộ có nơi trên 120mm.
Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h).
Ngoài ra, ngày và đêm nay ở khu vực Nam Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.
Theo cơ quan khí tượng, từ ngày 31/10, mưa lớn ở khu vực Trung Bộ giảm dần. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng cũng cho biết, hiện nay, lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) tại Lệ Thuỷ đã đạt đỉnh và đang xuống. Mực nước sáng nay đang cao hơn báo động (BĐ)3 là 1,32m; sông Thạch Hãn tại Quảng Trị đang xuống và ở dưới BĐ2 khoảng 0,3m.
Lũ trên sông Kiến Giang sẽ xuống chậm, đến sáng mai (30/10) xuống mức 3,1m, trên BĐ3 là 0,4m. Cảnh báo, sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Hương (Huế) dao động ở trên mức BĐ1. Tình hình ngập lụt tại huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) kéo dài trong 36-48 giờ tới.
Hơn 3.000 học sinh ở Đồng Nai nghỉ học do nước lũ về
Nước lũ về gây ngập trên diện rộng tại phường Phước Tân, TP Biên Hòa. Ảnh: Lao Động
Ngày 29/10, trao đổi trên Lao Động, ông Lê Kim Hường - Chủ tịch UBND phường Phước Tân, TP Biên Hòa xác nhận, học sinh ở 2 trường tiểu học và trường trung học cơ sở trên địa bàn phường Phước Tân sẽ được nghỉ học hôm nay (29/10) để bảo bảo an toàn.
Trong đó, khoảng 2.600 học sinh cấp trung học cơ sở và khoảng 500 học sinh cấp tiểu học được nghỉ học ở nhà do tình hình nước lũ sông gây ngập.
Nước lũ cũng gây ngập tràn vào nhà hàng trăm hộ dân tại các khu phố: Tân Lập, Tân Cang, Miễu, Vườn Dừa… thuộc phường Phước Tân.
Trước đó, khuya ngày 28/10 đến rạng sáng 29/10, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực tại phường Phước Tân, TP Biên Hòa bị ngập trên diện rộng.
Từ sáng 28/10, UBND phường Phước Tân đã có thông báo với người dân khi có mưa lớn bắt đầu xuất hiện.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Công an phường, dân quân thường trực, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở… đã được điều động hỗ trợ người dân di chuyển lên khu vực cao, chốt chặn tại một số điểm ngập, cầu dân sinh để ngăn người qua lại.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đang đi kiểm tra, thống kê thiệt hại ban đầu do ngập.
Giải cứu người đàn ông bám trụ điện giữa dòng nước lũ cuồn cuộn
Ông Trương Văn Duy trải qua thời khắc kinh hoàng khi bám lơ lửng vào trụ điện giữa dòng nước lũ trước khi được giải cứu. Ảnh: NLĐ
Sáng 29/10, Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết trên Người lao động, anh Lê Văn Thắng - Trưởng Phòng Kinh doanh Điện lực Lệ Thủy, cùng một số người dân đã cứu sống người đàn ông treo lơ lửng trên trụ điện giữa dòng nước lũ chảy xiết.
Nạn nhân may mắn được cứu sống là ông Trương Văn Duy (58 tuổi, ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy).
Trong lúc trên đường đi làm, anh Thắng và những người cùng đi trên thuyền đã phát hiện ông Duy trong tình trạng nguy hiểm, đang cố gắng giữ mình trên trụ điện giữa dòng nước lũ.
Thấy vậy, nhóm người cố gắng di chuyển thuyền tiến vào dòng nước đang chảy xiết, tiếp cận và tiến hành giải cứu ông Duy. Sau gần 30 phút, ông Duy đã được đưa lên thuyền.
Sau khi được cứu, anh Thắng và nhóm cứu hộ đã nhanh chóng đưa ông Duy về trụ sở Điện lực huyện Lệ Thủy để chăm sóc sức khỏe. Được biết, ông Duy đã trải qua nhiều giờ bám trụ trong thời tiết khắc nghiệt, nhưng may mắn không bị thương nghiêm trọng.
Trước đó, tối 28/10, khi nước lũ dâng cao kèm gió mạnh đã khiến chiếc đò của ông Duy bị lật. Trước tình huống nguy cấp, ông Duy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bám vào cột đèn đường từ lúc 17 giờ 30 để giữ mạng sống.
Dân buôn tiết lộ sự thật về loại hồng thạch đang 'nhuộm đỏ' chợ Việt
Theo dân buôn, hồng thạch là hàng Trung Quốc được nhập về bán tại chợ Việt. Ảnh: Vietnamnet
Thông tin trên Vietnamnet, từ đầu tháng 10, hồng thạch trân châu đã "nhuộm đỏ" từ chợ truyền thống đến chợ online. Theo đó, giới buôn bán quảng cáo hồng thạch trân châu quả chỉ nhỏ như quả chanh với màu đỏ chót bắt mắt. Khi chín, phần thịt hồng thơm nức, trong như thạch, ăn ngọt lịm và giòn.
Giá hồng thạch đang "làm mưa làm gió" khắp chợ Việt dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg. Mức giá này khá cao so với các loại hồng có bán trên thị trường hiện nay.
Dù vậy, chị Vũ Huyền – đầu mối bán nông sản online ở Cầu Giấy cho biết: "Hồng thạch rất đắt hàng". Ngay chuyến đầu tiên của vụ này, giá tới 90.000 đồng/kg, song lượng hồng chị bán ra đã vượt qua con số 1 tạ.
Thông thường, loại quả nào giá cao tiêu thụ sẽ kém vì kén khách. Còn với hồng thạch, chị Huyền khá bất ngờ, bởi giá cao vẫn được nhiều người chuộng mua. Thế nên, đều đặn mỗi ngày chị nhập về một chuyến với lượng hàng khoảng hơn 1 tạ để trả đơn cho các khách đã đặt.
Tại cửa hàng trái cây của chị Chu Thị Hương ở Hoàng Mai (Hà Nội), mỗi ngày cũng tiêu thụ khoảng 2,5-3 tạ hồng thạch trân châu.
"Khách mua trực tiếp ở cửa hàng tương đối nhiều. Song, khách ở các chung cư đặt hàng còn nhiều hơn", chị nói. Theo đó, có chung cư chị gom đơn sau đó phải chở khoảng 50kg hồng thạch mới đủ hàng giao trả cho khách.
Khi hỏi về xuất xứ của hồng thạch trân châu, chị Hương cho biết, nhiều người nhầm tưởng đây là hồng cổ đặc sản ở Nam Đàn (Nghệ An), bởi từ hình dáng cho đến màu sắc đều tương đối giống. Tuy nhiên, hồng có bán trên thị trường hiện nay hầu hết là hàng Trung Quốc, hồng cổ Nam Đàn không có nhiều đến vậy.
"Hồng thạch nhập về bán ở chợ Việt có nguồn gốc từ huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Đây cũng là khu vực trồng hồng lâu đời và chất lượng nhất ở Trung Quốc", chị chia sẻ.
Cách đây 2-3 năm, chị Hương cũng đã nhập hồng cổ Nam Đàn về bán. Tuy nhiên, hàng về không đều, chỉ được 2-3 chuyến mỗi tuần. Với hồng thạch trân châu, hàng về đều đặn mỗi ngày. Đặc biệt, muốn nhập số lượng từ mối sỉ bao nhiêu cũng có.
Anh Phùng Văn Hiểu - đầu mối bỏ sỉ trái cây ở chợ đầu mối phía Nam (Hà Nội) thừa nhận, hồng thạch trân châu là hàng Trung Quốc. Hơn một tháng nay, anh nhập loại hồng này về chợ để đổ sỉ cho các cửa hàng và dân buôn bán nhỏ lẻ.
Hồng nhập về là hàng đã chín đỏ nhưng cứng quả. Hàng được đóng theo rành hoặc thùng tuỳ loại. So với các loại hồng Trung Quốc, hồng thạch có giá cao gấp 3-4 lần, tuy nhiên mỗi ngày lượng hàng đổ buôn cho các mối sỉ lên tới 3-3,5 tấn, anh cho hay.
Kê cao quan tài người thân chờ lũ rút
Nhà cụ H, người vừa mất trong lũ tại xã Lộc Thủy ngập sâu (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Ngày 29/10, lãnh đạo xã An Thuỷ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) xác nhận với Sức khỏe và Đời sống, một gia đình trên địa bàn không thể tổ chức tang lễ cho người thân vì lũ lụt.
Cụ thể, bà V.T.H, ở thôn Lộc Thượng, xã An Thủy lâm bệnh hiểm nghèo từ lâu. Chiều 26/10, bà H qua đời, gia đình lên kế hoạch tổ chức lễ tang và an táng vào ngày 28/10.
"Lúc bà mất, nước lớn nên chính quyền, hàng xóm đến hỗ trợ đưa quan tài đến để tẩm liệm. Đến nay, nước vẫn còn cao nên gia đình đang đặt quan tài ở gác mái nhà. Đợi thời điểm nước rút sẽ tiến hành chôn cất", ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết.
Một trường hợp tương tự là ông H.V.P tại thị trấn Kiến Giang. Ông P. không may qua đời vào ngày 28/10, nhưng do mưa lũ phức tạp nên gia đình phải tạm hoãn tổ chức hậu sự.
Lãnh đạo địa phương cho biết, sau khi nắm bắt thông tin, địa phương cử cán bộ đến thăm hỏi, chia buồn, hỗ trợ thân nhân kê cao quan tài, lo hương khói chu đáo cho người quá cố. Khi nước lũ rút, gia đình sẽ tổ chức hậu sự và an táng người quá cố.
GĐXH - Người dân huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa bàn giao cá thể trăn đất quý hiếm cho Vườn Quốc gia Vũ Quang để thả về môi trường tự nhiên, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
GĐXH - Trẻ vị thành niên bắt đầu có những thay đổi về mặt tâm sinh lý, nếu cha mẹ không quan tâm thì sẽ rất dễ để lại nguy cơ, hậu quả cho trẻ.