tin-gia-dien-17288354565191092020639-0-0-562-899-crop-17288356064861681149993.jpgTin sáng 14/10: Người dân phải trả thêm bao nhiêu tiền theo giá điện mới? Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2024 chia sẻ chiến thuật giành vòng nguyệt quế

GĐXH - EVN ban hành quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11/10/2024 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Phú Đức - Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2024: “Sự gan lì và chiến thuật thông minh giúp tôi chiến thắng”.

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh tăng cường, chuyển mưa lạnh

upscaleimage220240917-1728875426695419469672-1728888935896-17288889362681153016587.jpeg

Nhiêt độ tại miền Bắc được dự báo giảm sâu từ ngày 19/10 (Ảnh: Kinh tế & Đô thị).

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới hoạt động của không khí lạnh có xu hướng gia tăng về tần suất và cường độ khiến thời tiết miền Bắc dần có sự thay đổi. Trong tháng 10, khu vực này được dự báo đón thêm 2 đợt không khí lạnh mới.

Theo đó, khoảng ngày 15-16/10, không khí lạnh được tăng cường yếu trở lại, kết hợp với hội tụ gió trên cao gây mưa tại khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.

Đến ngày 19-21/10, miền Bắc tiếp tục đón đợt không khí lạnh tăng cường kết hợp với hội tụ gió trên cao gây mưa rào và dông, nhiệt độ giảm đáng kể, chạm tới ngưỡng lạnh.

Cụ thể, tại tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, nhiệt độ cao nhất trong ngày 19 và 20/10 chỉ còn 26 độ C. Tại Hà Nội, nhiệt độ cao nhất ngày ngày 20/10 chỉ còn 25 độ C.

Từ nay đến ngày 16/10, Hà Nội có mưa dông về đêm và sáng; gió Đông Bắc đến Đông mạnh cấp 2-3; nhiệt độ giảm 2-3 độ C so với ngày trước đó. Sau đó, cường độ không khí lạnh suy yếu dần, có mưa vài nơi, chủ yếu về đêm và sáng; nắng về trưa và chiều, nhiệt độ tăng trở lại trước khi đón không khí lạnh tăng cường.

Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh rất mạnh gây hiện tượng rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 12.

Phân định trách nhiệm vụ 1 phụ nữ tử vong sau khi cửa taxi mở

z592878316085509f3bf9d0ebbf2c33e2e450e723c2b32-1728893669943182458765-1728896307331-1728896308768702719316-1728905403192-17289054057811897927547.jpg

Khoảnh khắc người phụ nữ đâm vào cánh cửa xe taxi và văng ra.

Trưa 13-10, Bà H. (48 tuổi) chạy xe máy trên đường Trương Công Định, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) theo hướng từ Bãi Trước về sân bay Vũng Tàu. Khi đến nhà số 244 Trương Công Định thì một tài xế taxi mở cửa.

Xe máy va vào cửa xe taxi rồi bà H. văng sang bên làn đường ngược lại. Đúng lúc này ô tô biển số 72A-453… đi tới cán qua người bà H. Dù ngay lập tức được đưa đi cấp cứu nhưng bà H. không qua khỏi.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ cho rằng sự việc cần xem xét ở nhiều khía cạnh.

Thông tin ban đầu có thể xác định tài xế taxi đã vi phạm quy định về dừng, đỗ xe trên đường bộ.

Cụ thể, theo điểm a, điểm đ khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người điều kiện phương tiện khi dừng xe, đỗ xe phải "Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết" và "Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn".

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì đối với hành vi mở cửa xe chưa đảm bảo điều kiện an toàn dẫn đến hậu quả chết người của tài xế taxi đã cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Mức phạt là phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự, tài xế taxi còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần đối với hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân. "Căn cứ quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015, gia đình nạn nhân được lưu giữ đầy đủ các hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí cứu chữa, mai táng, … của nạn nhân; trường hợp nạn nhân đang có nghĩa vụ cấp dưỡng thì cần cung cấp tài liệu chứng minh vấn đề này" - luật sư Phùng Huyền lưu ý.

Riêng với hành vi của tài xế ô tô điều khiển xe cán qua dẫn đến cái chết của bà H., nếu không có bất kỳ hành vi vi phạm quy định giao thông nào như thiếu chú ý, quan sát, … thì có thể được xem là sự kiện bất ngờ theo Điều 20 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và tài xế ô tô không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Vàng nhẫn đắt nhất từ trước đến nay

1304-gia-vang-1712978683610575844786-12726484866246780217729-57509545067399152331830-1728896610910-17288966141601040799179-1728905541042-1728905541906307608178.jpg

Vàng nhẫn bất ngờ tăng vọt, lập kỷ lục mới.

Theo VTV, đầu giờ chiều 14/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá vàng nhẫn loại 1 - 5 chỉ lên mức 81,8 - 83,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200 nghìn đồng mỗi lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với buổi sáng.

Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng kéo giá mua - bán vàng nhẫn loại 1 - 5 chỉ lên mức 82,9 - 83,8 triệu đồng/lượng, tăng 350 nghìn đồng mỗi lượng ở cả 2 chiều so với đầu giờ sáng.

Đây là mức giá cao chưa từng có của vàng nhẫn, vượt cả đỉnh 83,6 triệu đồng/lượng (bán ra) thiết lập trước đó.

Giá vàng miếng SJC hôm nay cũng vọt lên 85 triệu đồng/lượng (bán ra), đắt thêm 500.000 đồng mỗi lượng. Tại thời điểm 9h00 ngày 14/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 83 - 85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua. Tương tự, mức giá bán ra của vàng miếng SJC tại các ngân hàng sáng nay cũng ở mức 85 triệu đồng/lượng.

Trong nửa đầu năm 2024, giá vàng trong nước đã liên tiếp lập đỉnh và xô đổ các kỷ lục từng ghi nhận. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới có thời điểm lên tới 18 triệu đồng/lượng. Đứng trước những biến động mạnh và chứa đựng nhiều rủi ro này, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải can thiệp, phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra đối với 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch. Kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự nếu có.

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tổng kết, đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng.

Dự báo về diễn biến giá vàng trong tuần này, chuyên gia Vy Tuấn cho rằng, trong ngắn hạn, giá vàng miếng có thể vẫn duy trì các bước tăng giảm trong biên độ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lượng nếu giá vàng quốc tế vẫn giao dịch trong phạm vi 2.600 - 2.680 USD/ounce và vàng miếng khó có cơ hội phá đỉnh giá mới nên sẽ không có sóng lớn.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục bám sát với xu hướng của thị trường vàng thế giới. Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng lên 2.650 USD/ounce vào cuối tuần và tỷ giá USD/VND trở lại xu hướng tăng thì giá vàng nhẫn sẽ khó giảm sâu trong ngắn hạn và sẽ sớm trở lại xu hướng tăng với mức dự kiến là 84 triệu đồng/lượng.

Vụ người đàn ông bị đánh sau khi làm thơ trên Facebook: Nhóm đối tượng khai gì?

z5924927330342abafc9371cbdd378c2c489f9179df77a-17288709654931790695552-1728878304553-17288783085291156854879-1728888587099-17288885933561779989464.jpg

Ông Lư bị nhóm người đánh bất tỉnh.

Sáng 14-10, Công an xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết đã triệu tập 7 người liên quan trong vụ việc gây rối trật tự xã hội xảy ra tại nhà ông Ngô Văn Lư (55 tuổi, ở thôn Thượng Bắc) mà Báo Người Lao Động phản ánh.

Ông Ngô Văn Lư bị nhóm người hành hung dẫn đến nhập viện sau khi ông làm bài thơ đăng trên mạng xã hội Facebook đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận.

Sau quá trình điều tra, Công an xã Ngư Thủy đã triệu tập 7 đối tượng có liên quan. Nhóm người này đều trú tại thôn Liêm Tiến, cách nhà nạn nhân không xa.

Tại cơ quan công an, các đối tượng đã thừa nhận hành vi của mình và nói rằng nguyên nhân chính dẫn đến vụ hành hung là do bài thơ của ông Lư đăng lên Facebook khiến họ "cảm thấy bị xúc phạm". Do tức giận nên cả nhóm đã đi xe ô tô đến nhà yêu cầu ông Lư gỡ bài đăng.

Tại nhà ông Lư, giữa nhóm đối tượng và ông Lư xảy ra cự cãi. Sau đó cả nhóm đã lao vào đánh ông Lư để dạy cho ông này một "một bài học", dẫn đến thương tích.

Hiện vụ việc đã được chuyển cho Công an huyện Lệ Thủy thụ lý, điều tra.

Như Báo Người Lao Động phản ánh, hôm 10-10, lúc ông Lư cùng vợ đang dùng bữa cơm tối thì bất ngờ xuất hiện nhóm 7-8 người lạ mặt đi 2 xe ô tô ập vào nhà anh.

Nhóm người này không nói năng gì và lập tức lao vào hành hung ông Lư. Sau khi đánh nạn nhân bất tỉnh, nhóm người còn kéo chân ông Lư ra trước hiên nhà và tiếp tục đánh đập.

Khi thấy bà con làng xóm chạy đến can ngăn, những người này mới dừng tay, sau đó lên xe ô tô rời khỏi hiện trường. Vì thương tích nặng, ông Ngô Văn Lư được người nhà chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Sau 3 ngày điều trị, hiện ông trong tình trạng lúc tỉnh lúc mê, thương tích đầy người.

Theo anh Ngô Văn Luýt (con trai ông Lư) nhận định, nguyên nhân bố anh bị hành hung có thể xuất phát từ câu chuyện vào ngày 9 và 10-10, Hội Nông dân xã Ngư Thủy tổ chức giải bóng chuyền, do công tác tổ chức không chặt chẽ, dẫn đến việc xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, các đội bóng khiếu nại ban tổ chức và từ bỏ giải đấu.

Chính vì thế, ông Lư đã viết một bài thơ châm biếm kể về giải bóng chuyền này và đăng lên mạng xã hội Facebook. Có thể từ đây, những người trên đã đến nhà hành hung bố của anh.

Người phụ nữ ở Hà Nội mất gần 600 triệu đồng khi làm nhiệm vụ nhận hoa hồng

Vào ngày 2/10/2024, Công an quận Hà Đông tiếp nhận tin trình báo của chị H (SN 1977; trú tại La Khê, Hà Đông) về việc chị có làm cộng tác viên làm nhiệm vụ để hưởng hoa hồng trên mạng. Sau khi được các đối tượng hướng dẫn, chị H đã chuyển gần 600 triệu đồng để làm nhiệm vụ nhưng không rút được tiền. Lúc này chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Theo Công an TP Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng là tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp buôn bán sản phẩm.

"Mồi nhử" đưa ra rất hấp dẫn như mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền.

Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm hoặc có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã bị các đối tượng dụ dỗ tham gia làm cộng tác viên và chiếm đoạt tài sản.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Đây không phải thủ đoạn mới, nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác sập bẫy chiêu trò này.

Người dân cũng nên cảnh giác trước những lời quảng cáo việc nhẹ lương cao, chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể kiếm tiền. Khi làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điện thoại 2G sẽ bị vô hiệu hóa từ hôm nay

Sau lần bị lùi thời gian do ảnh hưởng từ bão số 3, kế hoạch sẽ tắt sóng 2G chính thức được thực hiện vào ngày 15/10.

Mạng 2G được triển khai lần đầu tại Việt Nam vào năm 1993, mang đến bước đột phá lớn cho ngành viễn thông khi cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi, nhắn tin và truy cập dữ liệu di động cơ bản. Tuy nhiên, sau hơn ba thập kỷ, công nghệ này đã trở nên lạc hậu trước sự phát triển mạnh mẽ của các thế hệ mạng mới như 4G, 5G và sắp tới là 6G.

Với tốc độ truyền tải dữ liệu chậm và các lỗ hổng bảo mật ngày càng bị khai thác nhiều, 2G đã không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện tại. Đặc biệt, mạng 2G dễ dàng bị lợi dụng bởi các đối tượng tội phạm công nghệ cao, phát tán tin nhắn rác và thực hiện các chiêu trò lừa đảo qua SMS.

Bên cạnh đó, việc duy trì sóng 2G cũng đang chiếm "chỗ" băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển mạng 5G, 6G. Vì vậy, yêu cầu tắt sóng mạng 2G ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.

Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện tại còn khoảng 700.000 thuê bao 2G Only đang hoạt động, chiếm chưa đến 1% tổng số thuê bao di động tại Việt Nam. Đa số những người dùng này là người cao tuổi, sống ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và không có nhiều nhu cầu sử dụng các dịch vụ di động hiện đại.

Thống kê cho thấy, các nhà mạng lớn như: Viettel, Vinaphone và MobiFone vẫn duy trì hàng trăm nghìn thuê bao 2G. Viettel hiện có khoảng 360.000 thuê bao 2G Only, VinaPhone có 150.000 và MobiFone có khoảng 47.919 thuê bao. Các mạng nhỏ hơn như Vietnamobile, ASIM, VNSKY, và Mobicast cũng vẫn duy trì một lượng nhỏ khách hàng sử dụng công nghệ cũ này.

Vào thời điểm đầu tháng 7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành công văn thông báo về lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 2 năm.

Ban đầu, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng lên kế hoạch sẽ tắt sóng 2G từ ngày 15/9. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT vào ngày 13/9, có nội dung kéo dài thời hạn cung cấp dịch vụ 2G Only thêm một tháng (tức ngày 15/10).

Quá trình chuyển đổi, các nhà mạng nỗ lực truyền thông đến các tập khách hàng bằng các biện pháp trực tiếp và gián tiếp.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022