bm10-1737530927799184967925-49-0-1649-2560-crop-1737531101583512531954.jpgÔm mộng 'giàu sang' từ dự án bò Mông ở Bắc Kạn (kỳ 1): Thức tỉnh muộn màng vì lời hứa 'năm xưa'

GĐXH - Dự án đầu tư xây dựng trung tâm bảo tồn gen và phát triển giống bò Mông tại xã Quảng Chu (Chợ Mới, Bắc Kạn), mặc dù đã bị "khai tử" nhưng hệ lụy mang đến cho người dân vẫn còn hiện hữu.

Vay tiền để đâu tư sau đó lâm cảnh nợ nần

Dự án đầu tư xây dựng trung tâm bảo tồn gen và phát triển giống bò Mông triển khai tại xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới) từ năm 2017. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ, nhiều hạng mục không thực hiện đã gây ra vô vàn hệ lụy. Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn đã ra thông báo chấm dứt dự án vào tháng 11/2024.

Ở bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến việc nhiều hợp tác xã (HTX) sau khi thành lập và trồng cỏ voi, xây dựng chuồng nhưng không nhận được bò từ phía Công ty CP Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam (nhà đầu tư). Qua đó, nhiều HTX và thành viên lao đao, giải thể...

Trong quá trình tìm hiểu thực trạng dự án trên, qua tiếp xúc với người dân, PV tận mắt thấy những hệ lụy vẫn còn kéo dài, nhiều người lâm cảnh nợ nần, phải tha hương đi làm trả nợ.

bm11-17375356102901866020834.jpg

Hình ảnh bên trong dự án đầu tư xây dựng trung tâm bảo tồn gen và phát triển giống bò Mông triển khai tại xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới).

Trao đổi với PV, ông Nông Văn Quân, Chủ nhiệm HTX số 1 ở thôn Bản Đén 1, xã Quảng Chu cho biết, ông và người dân phải đi vay mượn tiền để thực hiện việc thành lập HTX với giấc mộng "thoát nghèo". Vậy nhưng cuối cùng, nghèo không thể thoát mà còn nợ nần thêm.

"Ngoài vốn tự có, tôi phải vay của Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn 100 triệu đồng để mua vật liệu làm chuồng trại, trồng cỏ, mua phân bón, thuê thêm nhân công... Sau khi dự án không triển khai, tôi phải vay mượn khắp nơi để trả nợ.

Người của Dự án bảo tồn gen và phát triển bò Mông bảo chúng tôi thành lập HTX vệ tinh và cam kết cho 50 con bò về nuôi. Sau khi những con bê được sinh ra, phía công ty sẽ mua để mở rộng dự án. Bê mẹ sẽ để HTX tiếp tục nuôi. Nghe thấy hợp lý nên tôi tham gia. Sau đó, phía công ty yêu cầu HTX nộp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để chứng minh đã có đủ đất trồng cỏ. HTX đã nộp 7 sổ đỏ phô tô có công chứng cho phía công ty, đáp ứng đầy đủ yêu cầu để được nhận bò về nuôi. Tuy nhiên, chúng tôi đã hoàn thiện hết các thủ tục nhưng vẫn chưa được nhận bò, đến nay lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều thành viên phải đi làm thuê kiếm tiền trả nợ" - Chủ nhiệm HTX số 1 kể lại.

Dẫn PV đi xem những điểm trồng cỏ voi, khu chuồng mà HTX đã xây dựng, ông Quân giới thiệu chúng tôi đến gia đình bà Ma Thị Kít (60 tuổi) ở thôn Bản Đén 1, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) - một trong những thành viên có hoàn cảnh khó khăn, đã vay mượn để tham gia dự án.

bm13-1737535610620405993949.jpg

Bà Kít đang nhổ những gốc cỏ voi còn tồn tại ở vườn.

Theo như bà Kít chia sẻ, hiện tại, chồng bà đang đi làm thuê tận Bình Phước, con cũng mỗi đứa tha hương một nơi để kiếm tiền trả nợ.

Đang loay hoay đào những gốc cỏ voi ở vườn nhà, bà Kít chia sẻ: "Trước khi tham gia HTX nuôi bò Mông, kinh tế gia đình tôi cũng không đến nỗi nào. Toàn bộ gia sản đã dồn cho việc nuôi bò nhưng không thành công, chúng tôi lâm vào cảnh như này. Chồng tôi phải vào miền Nam làm thuê để có tiền trả nợ".

Bà Kít kể lại, khi thấy dự án quảng bá rầm rộ, bài bản, chính quyền địa phương cùng người dân đều tin rằng, dự án nuôi bò Mông sẽ là đòn bẩy giúp bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Quảng Chu thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Để thực hiện dự án, công ty đã kêu gọi người dân thành lập hàng loạt HTX vệ tinh liên kết chăn nuôi bò. Gia đình bà Kít là một trong những người đầu tiên tham gia. Bà Kít thuộc HTX số 1 (ông Quân làm chủ nhiệm), có 7 thành viên, đều là người dân tộc Tày trong thôn Bản Đén 1. Theo cam kết, mỗi HTX phải tự bỏ tiền làm chuồng, trồng cỏ voi. Nếu đáp ứng đủ điều kiện ấy, phía công ty sẽ cấp cho 50 con bò giống. Bò đẻ con đầu tiên sẽ thuộc về công ty, từ con thứ 2 sẽ ăn chia theo tỉ lệ…

bm14-1737535610628811771750.jpg

Ngôi nhà bà Kít hiện đang ở.

Cũng như đa số hộ dân ở trong bản ở thời điểm đó, gia đình bà Kít thuộc diện hộ nghèo, tài sản lớn nhất chỉ có vườn cây ăn quả, nương ngô và một ít diện tích rừng sản xuất. Để đáp ứng được yêu cầu công ty đưa ra, nhà bà Kít đã phá hết ngô để trồng cỏ voi.

Thấy diện tích vẫn chưa đủ, gia đình bà phá luôn cả vườn nhãn, vải,.. để trồng cỏ. Khu vườn nhãn, vãi vốn là nguồn thu chính của gia đình bà Kít. Về chuồng trại, vợ chồng bà đã vay 94 triệu đồng từ ngân hàng và huy động thêm từ họ hàng.

Tha hương để kiếm tiền trả nợ

Tưởng rằng, đây là dự án lớn, gia đình bà và các thành viên trong HTX ngày đêm trồng cỏ voi. Nhiều hộ dân chưa có điều kiện tham gia cũng không ngần ngại giúp công, giúp của. Chẳng mấy chốc, thôn Bản Đén đã có hàng chục ha cỏ voi. Cùng với đó, nền chuồng trại cũng được xây dựng khang trang, bài bản theo hướng dẫn kỹ thuật từ phía công ty.

Bà Kít ngậm ngùi chia sẻ: "Khi cỏ đã lên lút đầu người, bò vẫn chưa thấy đâu. Chúng tôi đi hỏi, phía công ty tìm đủ lý do thoái thác. Nhìn đồng cỏ voi xanh tốt, ai cũng sốt ruột trong khi nhà chẳng còn nguồn thu nào nữa khi toàn bộ vườn cây đã bị chặt hết; nương ngô, ruộng lúa đã chuyển sang trồng cỏ hết rồi. Kỳ vọng vào dự án thoát nghèo nhưng thoát nghèo đâu chẳng thấy, chỉ thấy kinh tế gia đình tôi khốn khổ thêm.

bm4-1737530926789218339358.jpgbm15-173753561064179243143.jpg

Theo bà Kít chia sẻ với PV, gia đình bà đã phải phá hủy số cỏ voi và trồng cây keo để phát triển lại kinh tế.

Nhà tôi phải thuê người đào bỏ cỏ voi nhưng vì diện tích trồng lớn. Tuy nhiên, tôi không có nhiều tiền nên vẫn phải nhờ các gia đình khác hỗ trợ. Đến nay, cơ bản diện tích trồng cỏ của gia đình tôi đã phá hết. Một phần đất đã trồng keo, trồng ngô. Diện tích chuồng bò thì vẫn chưa biết xử lý kiểu gì vì toàn bê tông. Tôi chỉ tiếc vườn cây ăn quả trước đây, mỗi năm cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng, vậy mà giờ chỉ còn lại mỗi gốc".

Nhìn và chỉ tay sang ngôi nhà sàn cũ, đã nghiêng một bên, bà Kít cho biết ngôi nhà gia đình bà đang sinh sống đã có tuổi đời 40 năm. Nếu không tham gia dự án bò Mông, có lẽ giờ gia đình bà đã làm được nhà mới. Giờ đây, không những chưa thể làm nhà mà trong suốt những năm qua, cả gia đình bà phải làm việc quần quật để trả nợ.

Dù cho chồng bà là ông Ma Văn Đạt tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn phải vào tận Bình Phước làm thuê kiếm tiền trả nợ. Năm ngoái (2023), để có tiền trả nợ gốc, bà Kít đành bán hết đàn bò 8 con, từ đó cả gia đình trông chờ vào đồng lương đi làm thuê của chồng bà. Bà Kít mong muốn trả được hết nợ, chồng bà không phải xa gia đình. Hiện nay, bà sống một mình trong căn nhà sàn cũ kĩ.

Rời nhà bà Kít, ông Quân tiếp tục dẫn PV đi quanh thôn Bản Đén 1. Ông cho biết ngoài chuồng bò của bà Kít, còn có một số gia đình khác cũng xây dựng chuồng trại và bỏ hoang từ đó đến nay.

Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài viết tới.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Mai Tết đắt đỏ, đổ bộ thị trường Hà Nội

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022