Hơn 20 năm trước, chị Hồ Thị Năng Tuất là một công dân Lào, di cư đến vùng biên Việt Nam và sinh sống tại bản Cây Cà, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Gia đình chị Tuất cùng các công dân Lào di cư khác luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Họ cũng có mối quan hệ thân thuộc với bà con đồng bào dân tộc ít người của người Việt Nam đang định cư, sinh sống dọc tuyến biên giới Việt - Lào của tỉnh Quảng Bình.
Chị Hồ Thị Năng Tuất – một trong những công dân Lào sang định cư lâu năm tại xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vui mừng được lực lượng công an xã về tận nhà để thu thập thông tin dân cư và làm căn cước công dân gắn chip.
Tuy vấn đề người dân di cư tự do và kết hôn không giá thú ở khu vực biên giới hai nước gây khó khăn trong công tác quản lý dân cư. Nhưng với mong muốn những công dân của nước bạn Lào đã sinh sống từ lâu trên đất Việt có cuộc sống ổn định, có điều kiện phát triển đời sống, các đơn vị chức năng cũng đã nỗ lực hỗ trợ.
Nhận định, việc nhập quốc tịch cho công dân Lào sinh sống thời gian dài trên lãnh thổ Việt Nam ở khu vực biên giới là cần thiết. Năm 2019, chị Tuất và gần 20 công dân Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú được nhập quốc tịch Việt Nam.
Xe cấp căn cước công dân lưu động đến tận bản làng vùng sâu, vùng xa khu vực biên giới để hoàn tất các thủ tục cấp căn cước công dân cho bà con.
Tiếp đó, lực lượng chức năng liên quan cùng chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ hoàn thiện các loại giấy tờ tùy thân cho các gia đình này. Chị Tuất cho biết, sau khi được nhập quốc tịch từ năm 2019, các loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận hộ tịch, hộ khẩu; Giấy đăng ký kết hôn; Giấy khai sinh cho các con đã được chính quyền cùng lực lượng chức năng hỗ trợ để hoàn tất.
"Gia đình có đủ các giấy tờ rồi, con cái có giấy khai sinh và được cho đi học tử tế. Con đầu hiện tại đang học lớp 12 tại nội trú tỉnh Quảng Bình", chị Tuất vui vẻ cho biết.
Cùng với đó, việc thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân gắn chip cho bà con nhằm bảo đảm quyền công dân, giúp họ ổn định cuộc sống và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới cũng được chú trọng.
Vượt nhiều khó khăn, lực lượng chức năng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Trung tá Trần Tiến Nam, Trưởng Công an xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, bà con dân tộc và công dân Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú ở vùng biên giới Việt – Lào thường phân bố ở các bản vùng sâu, vùng xa, mật độ dân cư rất thưa thớt, đường sá hiểm trở. Vì vậy lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận để vận động người dân đến trụ sở ủy ban làm thủ tục cấp các loại giấy tờ cá nhân và căn cước công dân. Bên cạnh đó, có một số bà con người Lào sử dụng không thành thạo tiếng phổ thông, hiểu biết còn chưa cao.
Để triển khai có hiệu quả công tác thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân gắn chíp, Công an xã đã phối hợp với Bộ đội biên phòng, cấp ủy chính quyền kiên trì vận động. Qua quá trình vận động, người dân đã hiểu và tự giác đến xã để tự giác khai báo về nhân khẩu, hộ khẩu.
"Lực lượng Công an xã cùng lực lượng chức năng đã "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để ai ai cũng được thu thập dữ liệu về dân cư và làm căn cước công dân gắn chip. Việc làm này giúp những người dân vùng biên, trong đó có công dân Lào được cấp quốc tịch Việt Nam, thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính sau này ", Trung tá Nam cho biết.
Với phương châm "thần tốc, sáng tạo; phát huy cao độ các nguồn lực", trong thời gian tới lực lượng của Công an tỉnh Quảg Bình sẽ tiếp tục nỗ lực, khắc phục những khó khăn, quyết tâm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp và quản lý căn cước công dân gắn chip cho người dân. Đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, các làng, bản dọc biên giới đúng tiến độ.