Cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 20km, núi Trầm hay còn gọi là Tử Trầm Sơn, là một quần thể di tích độc đáo bao gồm nhiều ngôi chùa cổ, núi đá vôi, hang động... Chùa Trầm được ví là một trong "tứ đại danh thắng của xứ Đoài" gồm: chùa Trăm Gian, chùa Trầm, chùa Tây Phương và chùa Thầy.
Ngày 12/2 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán), theo ghi nhận của Gia đình và Xã hội, rất đông người dân tranh thủ thời tiết nắng đẹp đã có mặt tại chùa Trầm để du xuân, chơi Tết.
Người dân đi lễ chùa đầu năm, cầu an, cầu may mắn trong năm mới 2024.
Nguyên xưa, Tử Trầm Sơn gồm đỉnh lớn như con phượng hoàng khổng lồ nhô đầu lên, vì vậy còn gọi là Ngũ Nhạc Sơn. Đến thời Lý, Trần thì đổi tên theo truyền thuyết là Tử Trầm Sơn.
Khắp các vách động là hàng loạt bia đá, trong đó nhiều văn bia đã có tuổi đời hàng trăm năm, là di sản quý giá ghi chép chữ Hán Nôm của dân tộc.
Người dân nô nức dâng hương, cầu chúc bình an tại động Long Tiên nằm trong quần thể chùa Trầm.
Động Long Tiên có rất nhiều tượng Phật được tạc khắc công phu nằm rải rác khắp lối đi, ở gian rộng nhất của động là chùa Hang, có ban thờ Phật.
Người dân dâng hương tại ban thờ Phật và tượng của các vị Phật, tiên, hộ pháp.
Chị Bùi Thu Trang (Chương Mỹ, Hà Nội) cùng gia đình và bạn bè thắp hương, cầu nguyện tại động Long Tiên, chị Trang cho biết: "Năm nào tôi cùng gia đình cũng du xuân và dâng hương tại chùa Trầm, chùa có khung cảnh rất đẹp, cổ kính và rất linh thiêng, vì vậy mỗi dịp Tết đến đều thu hút rất đông du khách".
Nằm cạnh bên ngôi chùa cổ kính là dãy núi đá vôi hùng vĩ với những mỏm đá màu trắng đục xen kẽ màu xanh của cây cối.
Người dân sau khi lễ chùa cũng tranh thủ leo núi, thưởng ngoạn.
Quần thể di tích và danh thắng chùa Trầm đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1964.
Xem thêm video được quan tâm:
Người dân chen chân bên hồ Hoàn Kiếm, hân hoan đón chào năm mới 2024.