Trường của Thào Mí Phềnh cách thị trấn Mèo Vạc 25km, còn nhà em cách trường 8km. Nơi em sống, đa số là bà con dân tộc Mông. “Em thấy người đồng bào quê em rất chịu khó lao động, trồng ngô, khoai, bí ngô, nhưng vẫn nghèo lắm. Thức ăn của chúng em ở nhà chủ yếu là ngô”, Phềnh kể.
Thào Mí Phềnh.
Theo Phềnh, dù các thầy cô và chính quyền rất chăm lo, tạo điều kiện cho học sinh đi học nhưng vẫn còn nhiều bạn nghỉ học sớm để đi làm nương. Vì nhà nghèo, bố mẹ Thào Mí Phềnh cũng muốn em nghỉ học lên nương như các bạn.
Nhưng với tinh thần hiếu học, em vẫn nỗ lực đến trường, không muốn bỏ học. Ở bán trú tại trường, cuối tuần nam sinh dân tộc Mông về nhà giúp bố mẹ làm nương, cắt cỏ bò, chăn nuôi, lợn gà. Hàng tuần, cứ 5 giờ sáng thứ 2, Phềnh đi bộ 8 km trở lại trường học.
“Em thích đến trường để được giao tiếp với thầy cô và ước mơ trở thành thầy giáo. Em muốn đi học và phấn đấu học tập tốt để em biết nhiều thứ để tuyên truyền cho các bạn thấy được ý nghĩa quan trọng của việc học. Em mong muốn người lớn sẽ tạo điều kiện cho trẻ em được đi học đầy đủ để phát triển”, Phềnh tâm sự.
Thào Mí Phềnh tự tin trao đổi tại buổi gặp mặt báo chí giới thiệu về phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024.
Đặc biệt, nam sinh dân tộc Mông còn tích cực tham gia Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ở câu lạc bộ em được học về việc không gây bạo lực với bạn khác và cách để tránh những vấn đề tệ nạn với trẻ em.
Thào Mí Phềnh là một những đại biểu chỉ định tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024 với mong muốn đại diện cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hà Giang nói lên tiếng nói của mình.
“Được chọn trở thành đại biểu chính thức của phiên họp, bên cạnh niềm vui, em cũng vô cùng hồi hộp, vì đây là lần đầu tiên được tham gia một chương trình rất ý nghĩa với không chỉ riêng em mà còn cho cả những bạn nơi em sinh sống, của huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang. Em sẽ nguyện cố gắng hết mình để có thể mang tiếng nói của chúng em tới được các bác lãnh đạo”, Mí Phềnh chia sẻ.
Theo Mí Phềnh hào hứng chờ đón phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024.
Từ hôm biết thông tin trở thành đại biểu chính thức của phiên họp, Phềnh tích cực đọc các bài hướng dẫn của thầy cô giáo, trao đổi với các bạn trong trường, trong Câu lạc bộ Thủ lĩnh để nghe ý kiến của các bạn, cũng như tập nói trước các bạn ở trường để rèn luyện kỹ năng.
Phềnh cho biết, em rất tâm đắc với 2 chủ đề của phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Phềnh cho biết, một bộ phận trẻ em miền núi tập hút thuốc lá và uống rượu. Các bạn đi làm thuê để có tiền mua thuốc lá. Ở trường, một số bạn vẫn lén lút trốn thầy cô hút nhưng ở ngoài đường hay ở nhà, các bạn thoải mái hút nhiều hơn. Những ngày lễ tết hay nhà các bạn có đám ma, đám giỗ thì các bạn uống rượu nhiều.
“Em mong người lớn, bố mẹ hãy cho các bạn đi học đầy đủ để nâng cao nhận thức, hiểu biết nhằm tránh xa các chất kích thích và sống lành mạnh”, Thào Mí Phềnh chia sẻ.
T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024.
Phiên họp diễn ra từ ngày 27 - 29/9/2024, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 306 đại biểu là các em đội viên, thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Diễn ra trong 3 ngày, Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024 có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Phiên khai mạc diễn ra vào sáng 28/9, chiều cùng ngày, 306 chia thành 12 tổ thảo luận.
Sáng 29/9, các em sẽ tham gia phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội về 2 chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.