Các lễ hội mùa xuân của các dân tộc vùng cao phía Bắc
Mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có lễ hội mùa xuân riêng, được xem như di sản văn hóa đặc biệt. Với đồng bào khu vực vùng cao phía Bắc, lễ hội mùa xuân tập trung chủ yếu vào tháng Giêng, tháng Hai. Lễ hội mùa xuân mang nhiều ý nghĩa bởi đây là thời gian bà con nghỉ ngơi, vui chơi đồng thời là thời khắc quan trọng để cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Từ nhiều năm qua, các lễ hội truyền thống đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của đồng bào. Những lễ hội mùa xuân được tổ chức nhằm đáp ứng được phần nào khát vọng trở về cội nguồn. Thể hiện nét sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ, sáng tạo văn hoá của nhân dân. Trong đó, cộng đồng người Tày, Nùng có Lễ hội Lồng tồng; Cộng đồng người Thái, Mường có Lễ hội Cầu an; người Mông có Hội Gầu Tào; đồng bào dân tộc Dao và Pà Thẻn có Lễ hội Nhảy lửa…
Lễ hội xuống đồng ngày xuân của dân tộc Tày, Dao ở Lào Cai
Lễ hội Lồng tồng là một trong những lễ hội nổi tiếng của đồng bào dân tộc Tày. Ảnh: TL
Lễ hội xuống đồng ngày xuân hay còn gọi là Lễ hội lồng tồng, Oóc tồng của dân tộc Tày, Dao thường diễn ra vào ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm. Đến Sapa (Lào Cai) vào dịp đầu xuân năm mới, du khách sẽ được tham dự lễ hội đặc sắc, mang đậm nét truyền thống và văn hóa của dân tộc Tày, Dao. Đó chính là lễ hội xuống đồng. Đây được xem là lễ hội truyền thống thu hút nhiều khách thập phương và du khách nước ngoài nhất của Sapa.
Lễ hội mùa xuân này gồm có nhiều phần như rước nước, rước đất, lễ cúng, cày đồng... nhưng nổi bật và sôi động có lẽ là những tiết mục văn nghệ và các trò chơi của đồng bào dân tộc Tày, Dao. Những tiếng trong vang dội, điệu múa xòe dập dìu trong tiếng kèn, những trò chơi dân gian luôn thu hút khách xem hội.
Phần lễ là nghi thức tâm linh bao gồm tục rước đất, rước nước, lễ cúng, cày đồng… Đoàn rước gồm thầy cúng, đội khèn, đội trống, hai đôi nam thanh nữ tú khiêng kiệu rước.
Kiệu rước được trang trí với nhiều màu sắc âm dương ngũ hành. Thầy cúng là người đi đầu đoàn rước, người dân bản được cử làm sứ giả để giao tiếp với thần linh sẽ cầm một cây nêu biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở. Đi sau kiệu là đoàn rước nước, nước được đựng trong 2 chiếc ống bương to. Tiếp đến là kiệu rước đất, đất thiêng thường được lấy từ trên ngọn núi gọi là đất mẹ.
Phần hội là bao gồm nhiều tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc cùng những trò chơi truyền thống của người Tày, người Dao. Đây là phần đặc sắc khiến nhiều người mong chờ nhất, với những màn múa xòe độc đáo, tiếng kèn trống vang lên và những trò chơi vui. Việc tổ chức lễ hội xuống đồng của người dân nơi đây không chỉ mang tính chất giải trí mà còn có một ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng. Người dân nơi đây tin rằng lễ hội mùa xuân này sẽ giúp họ có một mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông Lào Cai
Lễ hội Gầu Tào truyền thống của người Mông. Ảnh: TL
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông. Lễ hội mùa xuân này được cộng đồng dân tộc Mông thuộc các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị trấn Phong Hải, tỉnh Lào Cai gìn giữ từ xưa đến nay.
Theo truyền thuyết dân gian, trước đây những cặp vợ chồng người Mông không có con, ít con hoặc sinh con một bề hay có người ốm đau hoặc làm ăn không tốt… họ sẽ lên đồi Gầu Tào khấn xin thần linh ban cho con cái, cầu xin sức khỏe hay làm ăn thuận lợi.
Gia đình sẽ tổ chức lễ Gầu Tào trong 3 năm hoặc 5 năm. Mời anh em, họ hàng, bà con người Mông đến chia vui và tạ ơn các vị thần đã giúp đỡ. Sau một thời gian về nhà mà người vợ mang thai, sinh được người con như ý muốn thì gia đình sẽ tổ chức Lễ hội Gầu Tào như đã hứa với các vị thần.
Lễ hội tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, nhưng việc chuẩn bị được tiến hành từ cuối tháng Chạp, với hai nghi lễ là chặt tre và dựng nêu. Ngày chính hội được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, tuỳ theo tuổi của gia chủ hợp với ngày nào.
Nhiều vùng chọn tổ chức vào ngày thìn (rồng) của đầu năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chủ lễ và người giúp việc treo đồ lễ lên cây nêu, đặt tiền mã dưới gốc và quỳ xuống khấn, vái cây nêu. Sau nghi lễ cúng bên cây nêu, chủ lễ tuyên bố mở đám hội.
Lễ hội Gầu Tào kéo dài trong ba ngày. Chiều ngày thứ ba, chủ lễ tuyên bố lễ hạ cây nêu, rồi cầm ô dẫn đoàn người đi ngược chiều kim đồng hồ xung quanh cây, hát bài "khâu dìn sê" (hạ cây nêu).
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội mùa xuân lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông. Tuy nhiên, lễ hội Gầu Tào của người Mông nói chung, ở Lào Cai nói riên, đang dần mai một. Nguyên do vì các nghệ nhân đều đã cao tuổi mà họ chỉ truyền dạy cho con trai trưởng nên đã hạn chế việc trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Mặt khác, thế hệ trẻ ngày càng không mặn mà với việc tham gia các nghi lễ cũng như các hoạt động trình diễn truyền thống trong lễ hội.
Để khẳng định giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học cũng như sự cần thiết bảo vệ và phát huy di sản này, Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia loại hình Lễ hội truyền thống.
Lễ hội tung còn của các dân tộc Mường, Thái
Người dân vui chơi trong lễ hội tung còn. Ảnh: TL
Lễ hội tung còn là lễ hội mùa Xuân thường được các dân tộc Thái, Mường, Tày… tổ chức vào dịp đầu năm mới. Với người Thái, tổ chức Lễ hội tung còn là để mong muốn âm dương hòa hợp, con cái trong nhà đông đúc. Người Tày tổ chức Lễ hội tung còn để cầu mùa màng tốt tươi, gia đình no ấm. Với người Mường, Lễ hội tung còn là để nam thanh nữ tú gặp nhau, se duyên cho các trai gái trong thôn bản.
Để tổ chức Lễ hội tung còn, đồng bào dân tộc thường chọn một bãi đất bằng phẳng, dựng lên một cây cao từ 9 - 15m làm cột, trên đỉnh uốn vòng tròn đường kính khoảng 50cm, dán giấy một bên màu đỏ, một bên màu vàng tượng trưng cho âm dương.
Quả còn được các cô gái chuẩn bị từ trước lễ hội. Quả còn được thêu với nhiều màu sắc sặc sỡ với nhiều màu xanh đỏ. Nhìn quả còn trong lễ hội nhiều người có thể đoán biết được sự khéo léo, óc thẩm mỹ của các cô gái.
Giữa sân cỏ rộng, một cây nêu (thường dùng cột tre) được dựng lên. Trên cây nêu gần đỉnh có treo một vòng tròn cũng làm bằng tre, có đường kính từ 45 đến 50 cm, có thể được dán giấy hoặc không dán. Chơi tung còn phải có hai đội, một đội nam và một đội nữ, hoặc hỗn hợp nam, nữ mặc sắc phục truyền thống của dân tộc mình, lấy cây nêu làm ngăn cách, nhìn hướng vào nhau. Số lượng người chơi ở mỗi đội không hạn chế. Đội nào thắng cuộc là đội ném được nhiều lần quả còn lọt qua vòng tròn tre.
Lễ hội tung còn không phân biệt tuổi tác, rất nhiều người từ già đến trẻ đều háo hức tham gia nhưng thu hút nhiều nhất vẫn là các nam thanh nữ tú ở trong thôn bản. Trò chơi ném còn vừa có tính văn hóa vừa có tính thể thao, đồng thời rèn luyện sự tinh tế, khéo léo cho người chơi. Người chơi vừa được giao lưu, tỏ tình, kết duyên, vừa gắn bó, đoàn kết cộng đồng.
Lễ hội Hoa Ban của dân tộc Thái
Múa sạp dân tộc Thái được tổ chức trong Lễ hội Hoa Ban. Ảnh: Thanh Hà
Lễ hội Hoa Ban (hay còn gọi là lễ hội Xên Mường) là lễ hội cầu mưa, cầu phúc cho bản, mường của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội thường được tổ chức vào mùng 5 tháng 2 Âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn.
Lễ hội Hoa Ban thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm nguyện thỉnh bái "Then" – vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái "nàng Ban" – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thuỷ chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui.
Truyền thuyết của người Thái kể rằng: Nàng Ban là một cô gái xinh đẹp nhưng bị bệnh đậu mùa. Nàng không lấy chồng mà lên hang Thẳm Lé (nay thuộc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn) sinh sống. Cuối cùng nàng đã kiệt sức ở đó, nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp vùng Tây Bắc. Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng núi rừng. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa Ban.
Lễ vật trong nghi lễ là thịt lợn. Người Thái quan niệm lợn là con vật thông minh, có thể làm trung gian giao tiếp với các thần linh để thỉnh cầu những ước nguyện của cả dân bản. Đồ lễ gồm có: đầu, đuôi, bốn chân, xương thịt, lục phủ, ngũ tạng, mỗi thứ một gói. Và trong lễ vật để dâng tế thì rượu là đồ lễ không thể thiếu trong nghi lễ.
Lễ hội mùa xuân này thường được tổ chức ở hang Thẳm Lé gắn với làn điệu khắp chơi hang. Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ để cúng thần linh, phần hội để tạo nên những tiếng cười thoải mái nhằm giáo dục con người vươn tới cái tốt đẹp. Toàn bộ phần nghi lễ được thực hiện ở ngoài cửa hang. Sau đó thầy mo vái "Then" xin mở cửa hang thì phần hội lúc đó mới được diễn ra cả bên trong và bên ngoài cửa hang.
Sau lễ cúng thì bà con dân bản được vào hang dự tiếp phần hội. Nội dung của phần hội chủ yếu là khắp giao duyên theo điệu Han Nê. Sau đó là các trò chơi hái hoa, múa xoè và ném còn.
Hội hái hoa Ban diễn ra rất sôi nổi với những trò diễn độc đáo đầy ắp tiếng cười hòa lẫn trong âm vang nhộn nhịp của tiếng khắp, tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng. Các chàng trai vừa khắp vừa giúp các cô gái hái những bông hoa trắng muốt đem về nhà.
Hoa Ban còn được sử dụng để chế biến trong văn hóa ẩm thực của người Thái. Hoa ban với gạo nếp nấu thành xôi sẽ cho hương vị đậm đà, ngào ngạt hương thơm, tạo nên nét đặc sắc trong lễ hội Hoa Ban.
Tại Lễ hội Hoa Ban, nhiều mối tình chớm nở và biết bao đôi trai gái nên vợ - chồng. Vì thế, đêm cuối cũng là đêm để lại nhiều kỷ niệm nhất.
Lễ hội nhảy lửa người Dao đỏ Hoàng Su Phì
Lễ hội nhảy lửa độc đáo của người Dao đỏ. Ảnh: TL
Vào khoảng thời gian cuối năm đến ngày rằm tháng Giêng Âm lịch, lễ hội nhảy lửa thường được dân tộc Dao và dân tộc Pà Thẻn tổ chức.
Theo quan niệm của người Dao đỏ, ngọn lửa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt và văn hóa, tâm linh. Lửa được coi là vị thần giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật, mang lại sự ấm áp và cuộc sống no đủ, thịnh vượng. Vào những dịp đầu năm mới, các bản người Dao đỏ lại rộn ràng tổ chức lễ hội nhảy lửa.
Theo quan niệm, khi lễ nhảy lửa diễn ra, thần lửa sẽ sưởi ấm và mang lại cho dân làng một năm mới bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Người tham gia lễ hội nhảy lửa là đàn ông trong bản làng. Các nghi thức lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn tương tự dân tộc Dao. Lễ hội mùa xuân này thường được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Trên sân đốt một đống củi to, khi đống củi rực cháy, than hồng, thầy cúng bắt đầu làm lễ. Các chàng trai tham gia nhảy lửa sẽ nhảy lò cò trước bàn thờ rồi lao vào giữa đống than lửa đỏ rực nhảy bằng đôi chân trần của mình mà không sợ bỏng rát.
Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3 - 4 phút, sau đó tiếp tục nhảy lò cò về làm lễ tại bàn thờ. Một người có thể tham gia nhảy lửa nhiều lần, chàng trai nhảy lửa khéo léo, nhanh nhẹn luôn nhận được sự thán phục và ngưỡng mộ của những người tham gia lễ hội.
Lễ hội cầu an Bản Mường
Lễ hội Cầu an Bản Mường mang ý nghĩa rất quan trọng với người dân tộc Thái tại vùng núi Tây Bắc. Ảnh: TL
Lễ hội Cầu an Bản Mường được xem là một trong những lễ hội truyền thống. Mang ý nghĩa rất quan trọng với người dân tộc Thái tại vùng núi Tây Bắc. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng Giêng. Đầu tháng Hai Âm lịch hàng năm.
Lễ hội Cầu an Bản Mường liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa tâm linh của cả Bản Mường. Đồng thời còn liên quan đến mùa màng, sức khỏe và công việc làm ăn trong năm. Do đó, lễ hội được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ. Thu hút được sự tham gia của người dân.
Trong lễ hội mùa xuân này mọi người không chỉ bộc lộ khát vọng cầu an cho cuộc sống. Mối quan hệ khăng khít giữa thần và người. Mà còn biểu hiện khát vọng sinh sôi qua sự mong muốn là cầu khẩn mùa màng bội thu. Gia súc sinh sôi. Lễ hội cũng mang tính chất tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu, đem sự no ấm đến cho mọi người.
Lễ hội mùa xuân được tổ chức tại một đất bãi rộng, nơi có nguồn nước trong lành. Nhiều khi người dân chọn nguồn nước thiêng của bản hoặc ở bìa rừng nơi có nhiều cây cối xanh tươi ở các miếu thờ thổ công, thổ địa của bản, của gia đình, ở vườn và ở đầu ruộng. Thường thì ngay từ dịp Tết Nguyên đán, mọi thứ dùng cho lễ hội đã chuẩn bị xong. Lễ hội thường kéo dài trong 3 ngày (có nơi hai ngày một đêm, có nơi một ngày một đêm) với nhiều nghi thức tâm linh và hoạt động đời sống hàng ngày.
Lễ hội Cầu an Bản Mường là một nét đẹp văn hóa của người dân tộc Thái thể hiện niềm tin, sức mạnh của con người. Cầu phúc cho một cuộc đời hạnh phúc, an bình…