Những lễ hội mùa xuân đặc sắc nổi tiếng ở miền Trung
Lễ hội Đống Đa (Bình Định)
Múa trống trận Tây Sơn trong Lễ hội Đống Đa (Bình Định). Ảnh: TL
Vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Âm lịch hàng năm, Lễ hội mùa xuân Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định) được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn. Đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược.
Lễ hội Đống Đa là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước những ngày đầu xuân. Lễ hội được tổ chức trọng thể, hoành tráng. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng... Các hoạt động diễn lại trận đánh lịch sử với những y phục, voi trận như ngày xưa vua Quang Trung ra trận...
Lễ hội thu hút đông đảo khách nước ngoài, nhân dân cả nước và đặc biệt là người dân đất võ tham dự. Tham dự lễ hội, du khách như được sống lại một thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc cùng với tinh thần thượng võ của người dân Bình Định.
Dự lễ hội mùa xuân Đống Đa đối với người dân đất võ đã trở thành niềm tự hào và cũng là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.
Lễ hội Đền vua Mai (Nam Đàn, Nghệ An)
Màn múa Lân tại Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh: Tá Chuyên
Lễ hội Đền Vua Mai là lễ hội văn hoá truyền thống được tổ chức hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng (Âm lịch). Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến vua Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan, được sinh ra và lớn lên lại xã Đông Liệt (nay đã được đổi tên thành xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Đây là một trong những lễ hội mở đầu cho các hoạt động lễ hội trong năm ở tỉnh Nghệ An. Đến với lễ hội, nhân dân và du khách thập phương sẽ được hòa mình trong những hoạt động mang đậm bản sắc vùng "địa linh nhân kiệt" như: Lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế, lễ tạ... và cùng tham gia các trò chơi dân gian như cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, kéo co, hội vật. Ngoài ra, lễ hội là dịp để Nam Đàn giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của quê hương như tương, bột sắn dây, dầu lạc, bơ lạc...
Lễ hội đền Vua Mai xưa không chỉ bó hẹp trong phạm vi tổng Nam Liễu (còn gọi là Xuân Liễu) và các làng phụ cận Diên Lãm, Khả Lãm... mà còn mở rộng ra toàn phủ Anh Sơn, bao gồm (Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên ngày nay).
Thời gian lễ hội diễn ra từ ngày 13-17 tháng Giêng, nhưng chính lễ trong 3 ngày 13, 14, 15, bởi sau các cuộc tế lễ, ngày 16, 17 là đến phần hội với nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống được tổ chức. Lễ hội đền Vua Mai là niềm tự hào của dân làng Hương Lãm nói riêng và nhân dân trong vùng Phủ Anh Sơn xưa kia nói chung.
Lễ hội vật làng Sình (Thừa Thiên Huế)
Lễ hội vật truyền thống mang đậm những nét văn hóa đặc sắc của cố đô Huế. Ảnh: TL
Vào mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, người dân và du khách lại háo hức rủ nhau đi xem hội vật truyền thống làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Hội vật làng Sình tồn tại hơn 400 năm nay. Đây là dịp để người dân thư giãn trước khi chuẩn bị bước vào việc đồng áng trong năm mới.
Tham gia hội vật phần lớn là các thiếu niên, thanh niên địa phương thuộc xã Phú Mậu. Ngoài ra, còn có nhiều đô vật đến từ các làng vật nổi tiếng như Thủ Lễ (huyện Quảng Điền), thành phố Huế, thị xã Hương Trà và các xã khác thuộc huyện Phú Vang.
Sau tiếng trống khai hội, các đô vật biểu diễn những thế vật đẹp, lần lượt là các đô vật lên sới tham gia tranh tài. Tất cả đều hướng tới chiến thắng "lấm lưng, trắng bụng" đẹp mắt.
Hội vật làng Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như: bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, cổ, mắt... Hội vật không đặt nặng thắng thua, nhờ vậy mà sới vật làng Sình diễn ra rất hào hứng, sôi nổi suốt cả ngày.
Lễ hội truyền thống này mang đậm những nét văn hóa đặc sắc của cố đô Huế. Lễ hội mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, sự tự tin, lòng dũng cảm đối với thế hệ thanh niên.
Lễ hội Vía Bà (Bình Định)
Lễ hội Vía bà là lễ hội truyền thống được tổ chức để tưởng nhớ công ơn đức độ của bà Đỗ Thị Tân. Ảnh: TN
Ngày 17 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, tại thôn Liêm Định (xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, Bình Định) khai mạc Lễ hội Vía Bà. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức để tưởng nhớ công ơn đức độ của bà Đỗ Thị Tân (một người hành nghề đỡ đẻ đã giúp nhiều sản phụ địa phương sinh con dễ dàng, được "mẹ tròn, con vuông").
Nghe tiếng đức độ và tấm lòng liệt nghĩa của bà, vua Tự Đức tặng sắc phong "Ân Đức Độ Nhân". Khi bà mất nhân dân lập miếu thờ với tên gọi "Hội Sản Nương Thần Miếu".
Tại lễ hội, ngoài phần tế lễ, dâng hương, còn có phần trình diễn đội rồng, đội lân trực khai phần xướng hát lễ. Phần hội diễn ra sôi nổi với biểu diễn võ thuật của câu lạc bộ võ cổ truyền thị xã An Nhơn; các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, đập ấm, nhảy bao bố, chạy việt dã, thi đấu bóng chuyền và xem hát tuồng.
Lễ hội được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 19 tháng Giêng Âm lịch.
Lễ hội Bà Thu Bồn (Quảng Nam)
Lễ hội Bà Thu Bồn là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính với các vị thần, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ngày 12 tháng 2 Âm lịch hàng năm, Lễ hội Bà Thu Bồn được tổ chức tại làng Thu Bồn (xã Duy Tân, huyện Duy xuyên, tỉnh Quảng Nam). Lễ hội là dịp để người dân Quảng Nam bày tỏ lòng thành kính với các vị thần, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và khát vọng phồn vinh.
Lễ hội Bà Thu Bồn là lễ hội lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam).
Có rất nhiều truyền thuyết về Bà Thu Bồn, trong đó có một truyền thuyết bà là nữ tướng người Chăm xinh đẹp, có tài điều binh khiển tướng, từng chinh chiến nhiều trận mạc. Trong một lần giao chiến, đến lúc thế cùng lực kiệt, Bà gieo mình xuống dòng sông để tuẫn tiết, xác Bà trôi theo dòng nước về dưới miền xuôi. Bà Thu Bồn được vua triều Nguyễn ban sắc phong là "Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần".
Lăng Bà được dân làng xây dựng ở làng Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Hằng năm người dân tổ chức lễ tế giỗ bà trang trọng với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội cầu Ngư (các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ)
Lễ hội Cầu Ngư là một trong những lễ hội văn hóa đặc trưng của các ngư dân làng chài ven biển Nam Trung Bộ. Ảnh: Báo NA
Lễ hội Cầu Ngư còn có tên gọi khác là Lễ hội Cá Ông, được xem là một trong những lễ hội văn hóa đặc trưng của các ngư dân làng chài ven biển Nam Trung Bộ.
Tham gia lễ hội, du khách có thể ngắm nhìn những bộ trang phục truyền thống cùng phong tục thờ cúng Cá Ông theo truyền thuyết dân gian. Lễ hội sẽ được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Lễ hội Cầu ngư (Nghệ An)
Lễ hội Cầu ngư (Nghệ An) được tổ chức từ ngày 1 đến hết tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Với tấm lòng thành kính dâng lên các vị thần linh, ngư dân vùng ven biển Nghệ An lại tưng bừng tổ chức lễ hội Cầu Ngư cầu một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.
Lễ hội Cầu ngư đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân miền biển nơi đây. Năm sau lại được tổ chức linh đình hơn năm trước.
Lễ hội Cầu ngư (Thừa Thiên Huế)
Ngày 12 tháng Giêng Âm lịch, Lễ hội cầu Ngư được tổ chức tại làng Thái Dương Hạ (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Lễ hội nhằm để tưởng nhớ các vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công (người Thanh Hóa) đã có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành.
Lễ hội ba năm tổ chức một lần. Lễ hội rất linh đình có tổ chức các trò mô tả, sinh hoạt của nghề đánh cá, trong đó có "búa lưới" mang ý nghĩa trình nghề, khắc họa đậm nét nghi lễ dân gian của cư dân vùng ven biển.