1-50-copy-15250185235111847330415.jpg

Đoàn liên ngành của Bộ Công an, Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra đột xuất các chung cư ở Hà Nội về vấn đề PCCC. Ảnh: Cục cảnh PCCC, cứu nạn, cứu hộ

Lối thoát nạn, báo cháy, hút khói… đụng đâu thiếu đó

Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn Hà Nội vừa đề nghị Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Công ty Cổ phần VIWACO không cung cấp điện, nước cho chung cư cao cấp Golden Field ở khu đô thị Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vì vi phạm phòng cháy chữa cháy.

Nguyên do của đề nghị trên từ phía Sở Cảnh sát PCCC là bởi đoàn công tác của Sở khi kiểm tra chung cư này thì phát hiện công trình mới được thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy với quy mô 30 tầng nổi và 3 tầng hầm, chưa được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu, nhưng chủ đầu tư đã đưa một số hộ dân vào sinh sống.

Cụ thể, khu vực dịch vụ thương mại từ tầng 1 đến tầng 7 chưa thi công hoàn thiện các giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy nên chưa đủ điều kiện để tiến hành kiểm tra. Các căn hộ thông tầng (từ tầng 24 đến tầng 30) chưa thi công lối ra thoát nạn từ mỗi tầng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt, buồng thang bộ được điều áp trục (8, G-H) đang có vách kính mở được.

Đáng chú ý, qua kiểm tra xác suất một số vị trí đường ống kỹ thuật của phòng điện đi xuyên qua sàn ngăn cháy giữa các tầng chưa được chèn bịt ngăn cháy. Cửa vào khoang đệm buồng thang bộ từ tầng hầm lên tầng 1 và phòng máy hạ thế tại tầng hầm chưa trang bị tay co tự đóng trên cửa ngăn cháy….

Từ thực tế trên, đoàn kiểm tra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không vào sinh sống, kinh doanh, làm việc tại công trình. Đồng thời đề nghị Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Công ty Cổ phần VIWACO không cung cấp điện, nước cho chung cư Golden Field. Sở Cảnh sát PCCC yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy cho đến khi được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

UBND huyện Đan Phượng vừa có văn bản gửi Công ty CP Đầu tư Hải Phát và các đơn vị liên quan, yêu cầu doanh nghiệp này khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót trong hệ thống PCCC tại tầng hầm chung cư Tân Tây Đô (xã Tân Lập, Đan Phượng) từ ngày 27/4.

Theo lực lượng chức năng huyện Đan Phương thì tại dự án này có hàng loạt vấn đề tồn tại, vi phạm của chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Hải Phát. Hiện tại, công tác quản lý vận hành và bàn giao tòa nhà cho BQT vẫn chưa được khắc phục.

Ghi nhận cho thấy, tại khu vực thương mại từ tầng 1 đến tầng 3 chưa hoàn thiện, chưa được lắp đặt hệ thống PCCC; một lối thoát nạn từ tầng hầm theo thang bộ lên khu vực thương mại bị xây bịt kín không sử dụng được; cửa cuốn tại đường dốc hầm chưa được kết nối liên động với hệ thống báo cháy; hệ thống hút khói tầng hầm không hoạt động.

Không những vậy, nhiều hệ thống ngăn cháy lan; cụm bơm chữa cháy; phương tiện chiếu sán sự cố và chỉ dẫn thoát nạn; hệ thống hút khói hành lang… không hoạt động hoặc chưa được thi công đầy đủ, đúng quy định nên có nguy cơ cháy lan, khói lan gây nguy hiểm cho các khu vực lân cận.

Xử lý không xuể

2-47-copy-1525018523513966987111.jpg

Nhiều sai phạm về PCCC liên tục bị phát hiện trong thời gian qua.

Không chỉ những dự án liệt kê ở trên, thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã kiểm tra và phối hợp với Sở Xây dựng, Thanh tra Thành phố thông tin con số đáng báo động. Theo liên ngành, qua tiến hành kiểm tra 5.565 lượt cơ sở, cơ quan chức năng đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 244 lượt cơ sở, tạm đình chỉ 78 lượt, đình chỉ 61 lượt hạng mục nhà, công trình.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP cho biết, Hà Nội có tổng cộng 1.109 nhà cao tầng và siêu cao tầng với 1.407 toà nhà đang hoạt động (trong đó có 74 toà siêu cao tầng - cao trên 100m, trên 30 tầng).

Ngoài ra, thành phố có 222 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1; 58 chợ hạng 2; 98 chợ hạng 3 và 58 chợ chưa phân hạng; 184 siêu thị và 34 trung tâm thương mại thuộc diện quản lý về PCCC.

Đánh giá thực trạng tồn tại về PCCC của nhà chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng, cơ sở tập trung đông người có nguy cơ cháy, nổ cao, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, có 683 cơ sở bảo đảm duy trì các điều kiện PCCC. 426 cơ sở (gồm 188 chung cư thương mại, 118 chung cư tái định cư và 120 công trình nhà cao tầng thuộc các loại hình còn lại) còn tồn tại, vi phạm quy định về PCCC.

Về tình trạng an toàn PCCC ở các dự án chung cư tái định cư cũng bất ổn không kém. Trong đợt giám sát vừa diễn ra, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội chỉ rõ lo ngại về tình hình an toàn cháy nổ của các chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố. Chung cư tái định cư đã đưa vào sử dụng thời gian dài, các hệ thống PCCC đã cũ kỹ, lạc hậu, thậm chí có nơi, hệ thống PCCC không hoạt động.

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, còn 152 tòa tái định cư chưa đủ điều kiện PCCC. Đặc biệt, công tác quản lý, vận hành duy tu bảo trì chung cư tái định cư còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế, thậm chí để xảy ra những vi phạm và các sai phạm.

“Tồn tại lớn nhất là cơ chế quản lý thu và hỗ trợ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa chung cư chậm được ban hành theo quy định của pháp luật. Đây là nguyên nhân chính gây khó khăn trong công tác quản lý. Trách nhiệm này thuộc Sở Xây dựng và các sở ngành của thành phố. Công tác PCCC thành phố đã yêu cầu khắc phục nhưng việc triển khai cho đến nay chưa báo cáo cụ thể. Các trang thiết bị PCCC ở các tòa chung cư tái định cư rất cũ, lạc hậu, thậm chí là không sử dụng được”, ông Quân nêu.

Mùa hè đang đến gần, nguy cơ cháy nổ càng cao, hàng chục nghìn cư dân sống tại các tòa nhà chung cư thêm lo lắng; sống trong ngôi nhà của mình bỏ tiền ra mua mà vẫn không an cư.

Hà Phương

Báo và cập nhật liên tục, mới nhất

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022