Dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng dưới thấp với tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2018.
Các hạng mục của công trình đang ở những bước hoàn thiện cuối cùng chuẩn bị đi vào hoạt động.
Trong đó, đoạn tuyến trên cao có chiều dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3 km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.
Công nhân san lấp đất đá, gạch vụn tại công trình đường vành đai 2.
Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP Hà Nội nối liền 3 quận trung tâm gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.
Các tuyến đường đều đã được lắp biển báo giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng...
Dự án đường Vành đai 2 khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô.
Những chi tiết nhỏ nhất cũng đang được gấp rút hoàn thiện.
Ông Hoàng Quốc Cường – Trưởng tư vấn giám sát công trình cho biết, Dự án đang bước vào những giai đoạn cuối cùng, các công nhân đang hoàn thiện hệ thống lan can, biển báo và sơn vạch kẻ đường,... Sau khi công tác thi công hoàn thiện, đơn vị thẩm định sẽ kiểm tra và thử tải toàn tuyến. Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành trong tháng 12 tới.
Sau khi dọn dẹp sạch sẽ, các công nhân trồng cây tại giải phân cách giữa, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Theo ông Hoàng Quốc Cường, dự án có khối lượng công việc rất lớn và đặc thù thi công trên khu vực có mật độ giao thông cao. Quá trình thi công trong 4 năm qua cũng gặp nhiều khó khăn như dịch COVID-19, giá vật liệu leo thang. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của đơn vị, đến nay dự án đã chuẩn bị cán đích an toàn, chất lượng và đúng tiến độ.
Dự kiến sau khi dự án được thông xe, cảnh tượng ùn tắc từ Ngã Tư Sở đến lối lên cầu Vĩnh Tuy sẽ giảm thiểu.
Đường vành đai 2 được xem là cao tốc đô thị của Hà Nội với lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - cầu Đông Trù - Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - Nguyễn Văn Linh - Đàm Quang Trung và trở lại cầu Vĩnh Tuy. Dự án có nhiều đoạn tuyến đi trên cao, cho phép phương tiện tránh được những khu vực ùn tắc, lưu thông với vận tốc cao ngay trong lòng đô thị trung tâm.