
Thầy Nguyễn Cao Cường lưu ý một số điều thí sinh cần nhớ trước và trong kỳ thi.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) nhấn mạnh, học sinh cần có nếp sinh hoạt hằng ngày phù hợp với thời gian của kỳ thi, ít nhất trước kỳ thi 1 tuần.
Ví dụ, buổi sáng nên dậy sớm, ăn sáng, ôn tập các môn trong khung thời gian từ 7h30 đến 11h30, ăn trưa, ngủ trưa và chiều tiếp tục ôn tập trong khoảng thời gian từ 13h30-16h30, buổi tối không nên thức quá khuya.
Học sinh không nên tham gia các hoạt động thể thao dễ gây chấn thương, cần ăn uống đảm bảo sức khỏe. Trong những ngày này học sinh không nên học thêm những nội dung mới, khó mà cần ôn tập lại toàn bộ các chuyên đề mà thầy cô đã ôn tập, đọc lại sách giáo khoa những kiến thức cơ bản, lời giải của các bài tập, các đề mà thầy cô đã ôn tập.
Mặt khác, có những vướng mắc gì, học sinh nên hỏi ngay thầy cô giáo của mình để được giải đáp. Trong quá trình ôn có thể đan xen việc làm một vài đề, bấm giờ để cân đối thời lượng cho phù hợp.

Thầy Trần mạnh Tùng. Ảnh: NVCC
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội cho rằng, học sinh ở thời điểm này cần lập kế hoạch ôn tập theo từng ngày, từng tuần.
Việc ôn thi phải có kế hoạch rất cụ thể theo từng tuần và từng ngày để mang lại hiệu quả, nếu đến sát ngày thi học sinh sẽ càng cuống, dẫn đến ôn luyện không hiệu quả, hay bị mất tinh thần và lo lắng.
Khi đã lập kế hoạch rồi, các em cần nghiêm túc thực hiện, thậm chí có thể phải hi sinh một vài sở thích. Một ngày của giai đoạn này có thể có giá trị hơn so với một ngày trước đây, bởi thế, các em cần nâng niu, trân trọng từng giây, từng phút, tránh tình trạng giã đám cuối năm học.
Sắp xếp lịch học theo tháng, các chuyên đề nên xong trong tháng 5 còn tháng 6 học sinh nên tổng ôn, giải đề, xử lí điểm yếu.
Bên cạnh đó, cũng cần lập kế hoạch dành thời gian cho nghỉ ngơi, vận động và giải trí để bộ não phục hồi.
Thầy Tùng lưu ý, học sinh cần tránh việc học khuya quá hoặc một ngày học quá nhiều kiến thức, sẽ khó dung nạp vào đầu. Không chỉ vậy, các em cũng cần tránh học như “hành xác”, hại sức khỏe mà nhanh quên.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng thời gian 4 – 6 giờ sáng thích hợp cho ghi nhớ ngắn hạn. Bởi thế, thay vì thức khuya, dậy muộn các em nên ngủ sớm và dậy sớm. Ngoài ra, cần kết hợp học tập với nghỉ ngơi, thư giãn.
Theo lẽ thường, cứ học 45 phút các em nên dừng lại để nghỉ giải lao, có thể đi lại, vươn vai, hít thở sâu hoặc nghe một bài hát yêu thích.
Một việc quan trọng nữa là phải chú ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đảm bảo chất lượng. Ngủ đủ giấc (khoảng 6 - 7 tiếng một ngày) và có thói quen ngủ trưa (khoảng 30 phút) thì càng tốt.
Bên cạnh đó, học sinh cũng rèn luyện giữ vững tâm lí, tinh thần lạc quan, thoải mái và suy nghĩ tích cực.
