Theo Bộ GD&ĐT, chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 nhưng thực tế vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên , tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

tien-phong-thihocsinhgioi-2426-1690092406512-169009240670148662966.jpg

Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2022-2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên nghỉ hưu và bỏ việc.

Chưa kể, cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu dạy học.

Ngoài ra, năm học vừa qua, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên nghỉ hưu theo chế độ và bỏ việc, trong đó số lượng giáo viên bỏ việc lên tới gần 9.300 người.

Phân tích về nguyên nhân, Bộ GD&ĐT cho rằng, ở bậc mầm non còn thiếu giáo viên nhiều hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 em (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên); Cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày. Để đáp ứng nhu cầu thực tế dạy học, theo tính toán của ngành cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên); Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).

Bộ GD&ĐT cũng thông tin, năm học vừa qua, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt gần 66.000 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026.

Ngành cũng tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động, góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên , hỗ trợ các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện triển khai chương trình giáo dục mầm non, phổ thông theo quy định.

Nhờ đó, đội ngũ nhà giáo phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Tính đến hết năm học 2022-2023, theo thống kê, tổng số giáo viên các cấp là 1.234.124 người, tăng gần 72.000 người so với năm học trước. Tuy nhiên, tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung vẫn không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022