4 trường hợp người tham gia giao thông phải dừng xe để CSGT kiểm tra dù không vi phạm
Tại Điều 66 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát khi có một trong các căn cứ sau đây:
Trường hợp 1: Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về trật an, an toàn giao thông đường bộ hoặc vi phạm pháp luật khác;
Trường hợp 2: Thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát mới phát hiện được;
Trường hợp 3: Phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh;
Trường hợp 4: Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.
Không vi phạm giao thông, CSGT vẫn có quyền dừng xe. Ảnh minh họa: TL
Nguyên tắc cảnh sát giao thông khi dừng kiểm tra giấy tờ phương tiện
CSGT kiểm tra phải đảm bảo các nguyên tắc dưới đây:
- Khi dừng xe cần đảm bảo an toàn đúng theo quy định pháp luật và không gây cản trở giao thông công cộng.
- Cần đặt cọc tiêu và dây căng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
- Cần phải đảm bảo đủ diện tích để lắp đặt các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ.
- Bố trí cảnh sát giao thông để hướng dẫn, điều hòa giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.
- Trong trường hợp dừng xe trên đường cao tốc thì phải có biển báo đi chậm.
Những loại giấy tờ xe người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải mang
Căn cứ Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) quy định về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Theo đó ngoài việc phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp trừ người lái xe gắn máy thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ còn phải mang theo các giấy tờ sau:
- Chứng nhận đăng ký xe (cà vẹt xe) hoặc bản sao chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của ngân hàng nếu xe đang được thế chấp tại ngân hàng;
- Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;
- Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới;
- Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe.
Đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ thì sẽ phải mang theo các giấy tờ bao gồm:
- Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc Giấy biên nhận còn hiệu lực của ngân hàng nếu xe đang được thế chấp tại ngân hàng;
- Bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;
- Giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;
- Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng;
- Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.
Như vậy, những loai giấy tờ phải mang theo khi tham gia giao thông từ 2025 bao gồm: Cà vẹt xe, bằng lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường và chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.
Riêng đối với người chạy xe máy chuyên dùng thì ngoài 4 loại giấy tờ đã nêu trước đó thì còn phải mang theo bằng/chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông.
Trường hợp các giấy tờ nêu trên đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thì có thể xuất trình thông qua tài khoản định danh điện tử.
Phòng CSGT Công an Hà Nội đã triển khai lắp bảng chi tiết mức phạt của Nghị định 168 tại các cột đèn giao thông ở các ngã tư trọng điểm.