Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT nêu tại hội thảo công tác đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tổ chức chiều 11/3.

Theo đó, môn thi duy nhất có hình thức thi tự luận là Ngữ văn, thời gian thi là 120 phút. Các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Thí sinh thi hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng hai môn tự chọn.

Với các môn thi trắc nghiệm, điểm mới là đề thi sẽ có ba phần. Trong đó, phần I gồm các câu hỏi ở dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn cho bốn phương án chọn một đáp án đúng. Mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm.

Phần II gồm các câu hỏi ở dạng trắc nghiệm dạng đúng/sai. Mỗi câu hỏi có bốn ý, tại mỗi ý, thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai. Lựa chọn chính xác một ý trong một câu được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác hai ý trong một câu được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác ba ý trong một câu được 0,5 điểm; và lựa chọn chính xác cả bốn ý được một điểm.

Phần III gồm các câu hỏi ở dạng trắc nghiệm trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình. Đối với môn Toán, mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm; đối với các môn còn lại, mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm.

ong-nguyen-ngoc-ha-17101600458161856354842.png

Ông Nguyễn Ngọc HàÔng Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng. Ảnh: Trần Hiệp

Theo ông Hà, với đề thi trắc nghiệm với nhiều dạng thức thi như trên, xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 xuống còn 1,975 điểm đối với môn Toán và còn 2,35 điểm với các môn trắc nghiệm còn lại.

Ví dụ, với dạng trắc nghiệm trả lời ngắn, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0. Do vậy, theo ông Hà, sẽ hạn chế tình trạng học sinh chọn ngẫu nhiên, ăn may có điểm, đồng thời đảm bảo học sinh phải rèn luyện tư duy lập luận trong quá trình ôn thi ở những môn thi trắc nghiệm.

Còn với dạng câu hỏi đúng/sai, ông Hà cho biết dạng này kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi, kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phân hóa cao.

Về định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết sẽ có “tính mở”. Theo đó, thư viện câu hỏi sẽ được lựa chọn từ đề khảo sát của các Sở GD&ĐT, các trường THPT, đề kiểm tra học kỳ... Các đơn vị sẽ gửi câu hỏi hay kèm kết quả chấm thi để cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT phân tích, từ đó xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Về phương thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tổ chức chung một đợt thi trên phạm vi cả nước, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Về xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình học và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022