Trên TPO, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, Dự thảo Luật Nhà giáo đã rút đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo.
Theo ông Đức, Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến khác nên đã có sự điều chỉnh nội dung trong dự thảo phù hợp hơn với thực tế.
Chính sách hỗ trợ nhà giáo trong Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất bao gồm: Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ hoặc phổ cập giáo dục hoặc biệt phái hoặc dạy tăng cường hoặc dạy liên trường hoặc phải di chuyển để dạy ở các điểm trường tại các thôn, bản…
Dự thảo Luật Nhà giáo đã rút đề xuất miễn học phí cho con giáo viên. Ảnh minh họa: TL
Trước đó, Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác và hằng năm mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỉ đồng. Đề xuất này vấp nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng, có nhiều đối tượng khác cũng cần được hỗ trợ miễn học phí trong khi giáo viên không phải quá khó khăn.
Cũng trong dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất, ban soạn thảo đề xuất nhiều quy định các chính sách hỗ trợ nhà giáo như: Tiền lương cơ bản theo bảng lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định. Nhà giáo trường công lập khi tuyển dụng, xếp lương lần đầu được tăng 1 bậc trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp...
Tiền lương và các chính sách lương nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập đảm bảo không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh, trừ khi có thỏa thuận khác...
Sau đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, nhiều người băn khoăn các ngành nghề khác thì sao và cần có sự công bằng.