Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Trang Thế Hy (29/10/1924 - 8/12/2015), NXB Trẻ phát hành Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy bìa cứng, gồm 14 truyện ngắn, dày 284 trang. Trong này có vài truyện mới được NXB Trẻ sưu tầm trên tuần báo Nhân loại, được ông viết với bút danh Văn Phụng Mỹ.

Các truyện ngắn trong tuyển tập gồm: Anh Thơm râu rồng, Nợ nước mắt, Về nhà trước cơn mưa, Mưa ấm, Nắng đẹp miền quê ngoại, Áo lụa giồng, Bức tranh không bán, Mấy dòng thư cũ, Sách và chim, Con cá không biệt tăm, Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn, Vết thương thứ mười ba, Vừng trăng bên kia sông, Trăng đêm tân hôn.

Nhà văn Trang Thế Hy

Viết văn từ năm 30 tuổi đến cuối đời, nhưng sự nghiệp của Trang Thế Hy khá khiêm tốn, nếu tính về số lượng, chỉ khoảng 50 truyện ngắn, gần 20 bài thơ, 5 tiểu thuyết và truyện vừa, 1 trường ca ngắn… Thế nhưng về chất lượng thì rất khác, Trang Thế Hy có một vị thế khá rõ nét trong lòng văn giới và độc giả, được xếp vào nhóm các nhà văn tiêu biểu nhất của Nam bộ thế kỷ 20.

Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và Mỹ tại Nam bộ, nên khi viết dùng nhiều bút danh, ví dụ Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Vũ Ái Văn, Song Diệp, Minh Phẩm… Bí danh, cũng như tên thân mật của ông là Tư Sâm. Một số bút ký, truyện ngắn bị thất lạc… cũng do hoàn cảnh xuất bản thời chiến.

sach-1732144545302588464236.jpg

"Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy" gồm 14 truyện ngắn, dày 284 trang

Ông từng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM trong 2 nhiệm kỳ, là Chủ tịch danh dự Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre.

Năm 1992, Trang Thế Hy nghỉ hưu và lui về ẩn cư tại Bến Tre. Thông qua tác phẩm Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn, ta có thể thấy được thái độ tự trọng khi cầm bút của ông: "… Nếu như con nổi tiếng con phải nghe lời chú Tư dặn nghe con, là khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo, nhớ chưa?"

Trong một bài phỏng vấn, Trang Thế Hy nói về nghề viết: "Mỗi thế hệ cũng như từng nhà văn, giỏi lắm cũng chỉ làm tốt vài chức phận xã hội bằng một số tác phẩm nào đó mà thôi. Nhưng phàm đã là nhà văn thì đều phải chung vai gánh vác một sứ mệnh chung là góp sức làm giàu ngôn ngữ của dân tộc, giàu từ, giàu ngữ, giàu sức chất chứa, đong đựng trong từng tác phẩm của mình bằng một phương tiện duy nhất là ngôn ngữ. Trong sự sa sút vị trí xã hội của văn chương hôm nay, trước hết hãy xem lại đội ngũ những người làm văn".

Nhân 100 năm ngày sinh và gần 10 năm ngày mất, nếu nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của Trang Thế Hy, có thể lấy tựa một truyện ngắn của ông để gọi, đó là một "vừng trăng bên kia sông", lúc nào cũng vằng vặc soi sáng.

Nhà văn Trang Thế Hy qua đời 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022