Mới đây, đoạn video ghi lại khoảnh khắc một bà mẹ dùng túi nilong “gói” toàn thân của cậu con trai đang dính bê bết bùn đất thu hút sự quan tâm của dân tình. Được biết, video này được quay trong một khu dân cư. Khi đang vui chơi cùng bạn thì cậu không may ngã vào đống bùn. Ai xem xong đoạn video cũng phải phì cười.
Khi mẹ cậu phát hiện ra, cô không hề trách mắng hay đánh đập mà nhẹ nhàng tìm phương án để đưa con về nhà. Khi được mẹ “cuộn tròn”, cậu bé không hề cảm thấy xấu hổ hay sợ hãi, ngược lại còn trông có vẻ khá vui vẻ và hào hứng.
Sau khi đoạn video được đăng tải trên mạng, nó đã nhanh chóng gây bão. Netizen bình luận rằng hành động của người mẹ không chỉ thể hiện sự thông minh mà ở đâu đó, mọi người còn có thể thấy cách dạy con cái đáng học hỏi của phụ huynh này. Cô không hề quát mắng con trước đông người vì những trò nghịch dại của mình.
Tuy nhiên, song song với đó, cũng có người cho rằng, dù cách làm này có vẻ thú vị, nhưng cũng có thể khiến trẻ em không nhận thức đúng hành vi của mình, thậm chí còn sinh ra thái độ “nhờn” với bố mẹ.
Một số bình luận của dân tình về đoạn clip trên:
- Hai mẹ con đáng yêu quá thế luôn.
- Đúng là "búp măng non" đây rồi!
- Người mẹ thông minh quá, vừa "vác" được con về nhà, vừa không dây bẩn ra xe.
- Mình lại thích thái độ của người mẹ, không đánh mắng hay gì cả. Mình nghĩ như thế sau này lớn lên, khi đối diện với thất bại, con sẽ chẳng bao giờ sợ hãi vì luôn có gia đình bên cạnh.
- Sự thoải mái của người mẹ mình nghĩ cũng là con dao 2 lưỡi, nó có thể khiến trẻ không nhận thức được hành động của mình.
Cậu bé được mẹ bọc vào túi nilong để không rây bẩn ra xe.
Sau đó bế lên xe để "tháp tùng" về nhà.
Cha mẹ cần làm gì khi con mắc sai lầm?
Trước những phản ứng này, các chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng, giáo dục gia đình là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ, và cách thức giáo dục của cha mẹ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách và việc xây dựng hệ giá trị của trẻ. Khi đối mặt với những sai lầm của con cái, cha mẹ nên áp dụng cách thức phù hợp để hướng dẫn và giáo dục, vừa giúp trẻ nhận ra lỗi lầm của mình, vừa tránh gây tổn thương đến lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ.
Khi con cái mắc phải sai lầm, điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm là giữ bình tĩnh và tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng, thấu đáo. Đầu tiên, cần lắng nghe cách trẻ giải thích về hành động của mình và hiểu rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc đó. Việc lắng nghe không chỉ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tình huống, mà còn thể hiện sự tôn trọng dành cho con trẻ, từ đó giúp trẻ mở lòng và sẵn sàng tiếp nhận sự hướng dẫn.
Sau khi hiểu rõ tình hình, cha mẹ cần giải thích nhẹ nhàng nhưng rõ ràng về hậu quả của hành vi đó, và tại sao đó là một sai lầm. Mục tiêu ở đây không phải là trừng phạt, mà là giúp con cái hiểu được bài học từ việc này, cũng như cách để sửa chữa và không lặp lại trong tương lai. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và thấu hiểu từ phía cha mẹ, cũng như sẵn lòng tha thứ và cung cấp cơ hội để con em có thể tự cải thiện.
Khi con cái mắc phải sai lầm, điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm là giữ bình tĩnh và tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng, thấu đáo.
Ngoài ra, cha mẹ cần phải là tấm gương về cách xử lý lỗi lầm. Việc này giúp trẻ học được rằng mọi người đều có thể mắc sai lầm, nhưng quan trọng hơn là cách chúng ta đối mặt và xử lý chúng.
Trong quá trình này, việc thiết lập các kỳ vọng rõ ràng và công bằng, cũng như hệ thống khen thưởng và phạt phải được thực hiện một cách nhất quán và minh bạch. Các quy tắc này không những giúp trẻ hiểu được giới hạn của mình mà còn tạo ra một môi trường trong đó trẻ có thể học hỏi và phát triển một cách an toàn và tích cực.
Cuối cùng, đặc biệt quan trọng là cha mẹ cần nuôi dưỡng một môi trường yêu thương, hỗ trợ, nơi mà trẻ biết rằng dù có mắc phải sai lầm nào, chúng vẫn sẽ được yêu thương và giúp đỡ để vượt qua. Sự ủng hộ và yêu thương không điều kiện từ gia đình sẽ tạo động lực và lòng tin cho trẻ khi đối mặt với khó khăn và thử thách trên hành trình trưởng thành.
Theo Người Đưa Tin