Vở cải lương Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (kịch bản gốc: Phạm Văn Quý, chuyển thể cải lương: Võ Tử Uyên, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) của Công ty TNHH Sự kiện giải trí We - Hoàng Hải Production là một bản anh hùng ca, vừa hào hùng vừa ngậm ngùi xúc động về đức hy sinh của bậc tiền nhân.

Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong những vị công thần phò tá vua Gia Long lên ngôi, được trao chức tổng trấn thành Gia Định. Với tài năng quân sự và quản lý kinh tế, ông đã góp phần khai phá vùng đất mới, dẹp yên giặc cướp, an định muôn dân.

Nhưng khi Gia Long mất, Lê Văn Duyệt bị Minh Mạng triệu về kinh đô Phú Xuân nhằm vô hiệu hóa. Mâu thuẫn bắt nguồn từ sự ủng hộ của ông với hoàng tôn Đán trong cuộc chiến giành ngôi thiên tử, khiến Minh Mạng sau khi lên làm vua vẫn luôn e dè "con hổ thành Gia Định" này.

Gương sáng tại lòng dân

Vở diễn không tái hiện toàn bộ cuộc đời ông, mà tập trung vào giai đoạn này. Tuy an nhàn tại kinh đô, nhưng Lê Văn Duyệt luôn tâm niệm hướng về nhân dân thành Gia Định. Nên khi nhận được tin về giặc, ông lại một lần nữa xung phong lĩnh ấn cầm quân. Cuộc chiến ngoại xâm vừa dứt, ông lại phải lao vào cuộc chiến nội xâm chống lại tham quan Huỳnh Công Lý, cha của Huệ Phi, vốn được nhà vua hết lòng sủng ái.

Hoàng Hải (vai Lê Văn Duyệt) và NSƯT Thy Trang (vai Đỗ Thị Phận)

Lê Văn Duyệt có thể nói là vai diễn nặng ký đối với một nghệ sĩ trẻ như Hoàng Hải, nhưng anh đã bất ngờ chinh phục người xem bởi nội lực đáng nể. Trong suốt nhiều lớp diễn dài, làn hơi khỏe và cách nhấn giọng hào hùng của anh khắc họa nên một vị dũng tướng hiên ngang, khí phách. Từng câu, từng lời của Tả quân là sự khẳng định hùng hồn cho triết lý "Quan nhất thời, dân vạn đại". Lật thuyền cũng là dân, nâng thuyền cũng do dân. Khán giả cuốn theo sự mạnh mẽ của nhân vật, nhưng không hề khô cứng, giáo điều, là nhờ khả năng ca diễn biến hóa, đặc biệt vũ đạo sinh động, phong phú.

Hoàng Hải cũng biết cách làm nhân vật của mình "mềm mại" hơn trong những lớp diễn đầy tâm trạng với người vợ tào khang Đỗ Thị Phận, với con nuôi Lê Văn Khôi, hoặc lúc chứng kiến người dân khổ đau, đói rách. Gương mặt thanh thoát, chính trực, cùng giọng ca ngọt ngào trữ tình của anh khiến người xem cảm nhận một mặt khác ở ngài Tả quân: can trường, dũng mãnh, nhưng khôn ngoan và đầy nhân ái.

Lê Văn Duyệt làm sao không hiểu hậu quả của việc xử chém Huỳnh Công Lý, làm sao không biết lựa chọn khôn ngoan để làm vừa lòng thánh thượng? Nhưng ông càng hiểu rõ hơn mình phải làm gì để cứu vãn chút lòng tin nơi dân chúng, dù có phải đánh đổi bằng tính mạng.

trong-hieu-1729465668684708485823.jpg

Từ trái qua: Trọng Hiếu (Trương Tấn Bửu), Bảo Trí (Huỳnh Công Lý), Hoàng Hải (Lê Văn Duyệt), Sơn Minh (Lê Văn Khôi)

Chỉ qua một vụ án, vở diễn đã làm sáng tỏ nhân cách của một con người được nhân dân tôn là Đức Ông. Sau khi Lê Văn Duyệt mất, Minh Mạng mới truy cứu trách nhiệm và quy cho ông 9 án tử. Mộ phần bị xiềng xích, tên tuổi bị bêu danh, "với triều đình là trọng tội, nhưng với dân, ông là thần". Đền thờ Tả quân vẫn ngày đêm hương khói, tên tuổi ông vẫn sống mãi và được ngợi ca cho đến ngày nay.

Trong cảnh Lê Văn Duyệt bắt giữ Huỳnh Công Lý, có một chi tiết nhỏ là bàn tay của nghệ sĩ Hoàng Hải đã mô phỏng động tác hổ vồ mồi rất dũng mãnh. Điều đó cho thấy sự cương quyết đấu tranh với cái ác nơi vị trung thần, một khi đã quyết thì hành động như sấm rền, gió cuốn...

Nhân vật đa chiều

Vai Minh Mạng lại là thử thách khác cho diễn viên, khi đây không phải là nhân vật một chiều, mà có những mâu thuẫn phức tạp trong tính cách. Đất nước dưới thời Minh Mạng có vị thế lớn mạnh trong khu vực cho thấy ông rất có năng lực lãnh đạo. Một mặt, ông hiểu được tài năng và đạo đức của Lê Văn Duyệt, nên biết chọn đúng người mà giao trọng trách. Mặt khác, ông lại e ngại một con hổ không thể khống chế hoàn toàn, lại có thực quyền ở xứ Gia Định.

Nói nhân vật Huệ Phi thông minh khi biết khai thác vào cái tôi của nhà vua nhằm trả thù cho cha, chi bằng nói chính Minh Mạng đã cho phép nàng thay mình nói lên tiếng lòng. Sự lo lắng về quyền lực, lòng tự tôn bị thách thức, tâm lý ganh đua so sánh và cả sĩ diện của bậc quân vương liên tục bị Huệ Phi bóc tách một cách trần trụi. Để rồi tất cả những dồn nén đó dâng trào, bùng nổ ra thành tiếng cười cay đắng, nhưng không kém phần tự tin của Minh Mạng khi khẳng định "Ta vẫn là vua". Ông có thể là một minh quân, nhưng có lẽ cái giá phải trả là đánh đổi phần nào lòng nhân hậu. Đó là điểm duy nhất khiến nhà vua, dù chiến thắng, vẫn phải cam lòng cúi đầu xấu hổ trước bậc trung thần.

thy-phuong-17294656687021076956011.jpg

Thy Phương (vai Huệ Phi) và NSƯT Võ Minh Lâm (vai Minh Mạng)

Tất cả những nỗi niềm ấy đều được truyền tải hết sức rung động qua giọng ca biến hóa, đầy cảm xúc của NSƯT Võ Minh Lâm. Anh biết diễn trong ca, thoại trong câu hát, thành công khắc họa được nhân vật với đủ khía cạnh, vừa đáng nể, cũng vừa đáng sợ. Từng ánh mắt long lên tàn nhẫn, từng nụ cười thâm sâu ẩn ý, hoặc những cái nghiến răng kiềm chế đều được anh thể hiện tinh tế.

Qua vở diễn, người xem được nhìn thấy chân dung của một vị vua biết cân nhắc theo lý trí, biết nhẫn nhịn vì đại cục, nhưng cũng ẩn tàng cái dữ dội với uy quyền sát phạt. Có khi nhà vua cũng lãng mạn, nhu tình bên người mình yêu thương, cũng dằn vặt giữa hai bờ lựa chọn tình riêng và phép nước. Sâu thẳm bên trong nhân vật Minh Mạng trong vở diễn vẫn là một con người với đủ tham sân si, lại còn là người ở nơi ngôi cao chín bệ, thì cái tôi ấy, những băn khoăn lo nghĩ ấy, lại càng rối ren đến nhường nào?

Dàn nghệ sĩ chắc tay

Lát cắt cuộc đời vị trung thần Lê Văn Duyệt được kể bằng tiết tấu nhanh mạnh, đậm đà bản sắc truyền thống, nhưng không kém phần hiện đại. Các bài bản cải lương do soạn giả Võ Tử Uyên sử dụng đều rất khéo léo, hợp lý, giúp kịch bản nặng tính chính luận trở nên mượt mà, dễ xem. Bàn tay đạo diễn của NSƯT Hoa Hạ lại càng đáng nể. Với kinh nghiệm dựng nhiều vở hoành tráng, bà đã có những xử lý rất thông minh, đầy chất thẩm mỹ, cùng ẩn dụ sâu sắc.

thy-trang-17294656687711956380220.jpg

Thy Trang (Đỗ Thị Phận/Ỷ Lan) - Hoàng Hải (Lê Văn Duyệt/Lý Đạo Thành) trong lớp diễn hát bội

Có thể lấy lớp diễn Minh Mạng nắm chặt lấy Huệ Phi trong cơn cuồng nộ làm ví dụ. Những tác động thô bạo, ngả nghiêng, khắc họa cái chất tàn nhẫn, đồng thời cũng cho thấy những đấu tranh dữ dội bên trong nội tâm nhà vua. Hoặc khi Huệ Phi xoáy sâu vào tâm lý Minh Mạng, đối thoại giữa hai người diễn ra liên tục, tiếng chồng lên tiếng, lẫn lộn mà lại tách bạch nghe rõ từng lời, cứ như tiếng lòng của bậc quân vương đứng giữa hai bờ lựa chọn, độc đáo và thú vị.

Hoặc trong cảnh Lê Văn Duyệt bắt giữ Huỳnh Công Lý, có một chi tiết nhỏ là bàn tay của nghệ sĩ Hoàng Hải đã mô phỏng động tác hổ vồ mồi rất dũng mãnh. Điều đó cho thấy sự cương quyết đấu tranh với cái ác nơi vị trung thần, một khi đã quyết thì hành động như sấm rền, gió cuốn. Tạo hình của các diễn viên trong lớp diễn chém đầu Huỳnh Công Lý cũng rất đẹp, có tính thẩm mỹ cao, giúp nghệ thuật hóa đời thực một cách ấn tượng.

Bên cạnh đó, NSƯT Thy Trang, Thy Phương, NSƯT Bảo Trí, Trọng Hiếu, NSƯT Vân Hà, Sơn Minh, Trúc Phương, Thanh Hải, Hữu Tài, Vũ Hùng, Thành Thuận… đều chắc tay, chỉn chu trong ca diễn. Đây thực sự là một ê-kíp mạnh, cùng phối hợp làm nên một tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc và đầy tâm huyết. Cải lương lịch sử nên dàn dựng như thế này.

Lê Văn Duyệt - hình tượng kinh điển của sân khấu

Từ 1975 đến nay, hình tượng Lê Văn Duyệt đã có cả chục bản dựng trên sân khấu, từ hát bội, hát chèo cho đến kịch nói, cải lương… Riêng kịch bản Người mang 9 án tử của Phạm Văn Quý đã có 4-5 bản dựng khác nhau, mà gần đây nhất là vở kịch Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử của đạo diễn Hoàng Duẩn.

Lung linh chuyện đời Đức ông Lê Văn Duyệt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022