Xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông được xác định là biện pháp rất hữu hiệu trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. 

Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi một quá trình lâu dài, cần có sự kết hợp nhiều điều kiện. Trong đó, việc xác định nội hàm của văn hóa giao thông, cũng như nhận thức rõ thực trạng là cơ sở cần thiết, để tiến tới xây dựng một nền văn hóa giao thông phát triển toàn diện và bền vững.

Trao đổi với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), ThS Nguyễn Thanh Tuấn (giảng viên Học viện Hành chính và Quản trị công) khẳng định: "Văn hóa giao thông là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước. Văn hóa giao thông là một hệ thống tổng hòa các quy chuẩn về mặt đạo đức, ý thức tự giác có vai trò chi phối và điều tiết toàn bộ quá trình tham gia giao thông của cá nhân và cộng đồng".

Cần xây dựng văn hóa giao thông tốt hơn

* Xin ông cho biết văn hóa giao thông nên được nhìn nhận với những thành tố cơ bản nào?

- Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì: Văn hóa giao thông chính là hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tôn trọng, nhường nhịn người khác, tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông gặp hoạn nạn, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em, người cao tuổi để hướng tới một xã hội giao thông an toàn, thân thiện.

Trên cơ sở quan điểm này, chúng ta có thể thống nhất với nhau rằng: văn hóa giao thông là hệ thống các chuẩn mực trong hoạt động ứng xử của con người khi tham gia giao thông hoặc các hoạt động có liên quan đến giao thông; các quy chuẩn về cơ sở vật chất phục vụ giao thông theo quy định của pháp luật, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và tính nhân văn được cộng đồng thừa nhận.

ThS Nguyễn Thanh Tuấn

* Trên cơ sở nhận thức này, ông đánh giá như thế nào về thực trạng xây dựng văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay?

- Ở nước ta, hoạt động xây dựng văn hóa giao thông đã được triển khai trong một thời gian khá lâu. Chúng ta nhận thức được rằng, đây là một hoạt động có vai trò rất quan trọng. Cho nên, chúng ta đã và đang tập trung rất nhiều các nguồn lực để thực hiện hoạt động này.

Hiện nay, chúng ta cũng đã đạt được những kết quả nhất định trong hoạt động xây dựng văn hóa giao thông như việc trang bị cho người tham gia giao thông kiến thức để họ có ý thức trong quá trình tham gia giao thông. Tuy nhiên, mức độ ý thức chấp hành quy định về trật tự, an toàn giao thông của chúng ta hiện nay đang còn tương đối hạn chế.

* Những hạn chế đó cụ thể ra sao, thưa ông?

- Trong một nghiên cứu được chúng tôi thực hiện (khảo sát đối với 500 mẫu ngẫu nhiên: trong đó bao gồm 30 người điều khiển phương tiện giao thông công cộng (tài xế xe bus, xe khách, taxi), 300 người tham gia giao thông ở nhiều độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau, và 170 sinh viên), kết quả khảo sát ý thức tự giác chấp hành luật giao thông hiện nay đang chủ yếu ở mức khá (chiếm 57%), còn mức tốt chỉ đạt 3,7%.

Cũng trong nghiên cứu này, kết quả khảo sát ý thức ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông chủ yếu chỉ đạt mức trung bình (chiếm 52%), còn mức khá đạt tỷ lệ 27,7%; mức tốt đạt 2,3%.

Một tiêu chí khác trong nghiên cứu của chúng tôi, đó là ý thức tôn trọng người tham gia giao thông, giúp đỡ, nhường nhịn trẻ em, người già, người tàn tật cũng có những kết quả tương tự. Theo đó, ý thức tôn trọng người tham gia giao thông có tỷ lệ ở mức trung bình tương đối cao với 59,6%; ở mức khá đạt 38,5%; mức tốt đạt 2%. Còn ý thức giúp đỡ, nhường nhịn trẻ em, người già, người tàn tật khi tham gia giao thông có tỷ lệ chủ yếu ở mức khá với 67,1%, còn mức trung bình đạt 29,7%; mức tốt có 3,2%.

Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi cho rằng, ý thức tham gia giao thông của chúng ta hiện nay mới chỉ đang ở mức khá. Thực tế này đặt ra yêu cầu chúng ta cần phải xây dựng văn hóa giao thông trở nên tốt hơn, để ngày càng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

"Văn hóa giao thông là một biểu hiện trực tiếp, là một phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam" - ThS Nguyễn Thanh Tuấn.

Hướng tới xây dựng hình ảnh quốc gia

* Rõ ràng, hoạt động xây dựng văn hóa giao thông đang đứng trước yêu cầu phải làm tốt hơn. Vậy, theo ông chúng ta cần làm gì để thực hiện yêu cầu này?

- Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến 3 giải pháp quan trọng cần phải áp dụng để có thể nâng cao được ý thức tham gia giao thông cũng như góp phần xây dựng văn hóa giao thông ngày một tốt hơn. Đó là: tăng cường trang bị kiến thức pháp luật về giao thông; nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật, bảo vệ công trình, tôn trọng, sẵn sàng giúp đỡ người tham gia giao thông; tạo điều kiện thuận lợi để người tham gia giao thông thể hiện văn hóa giao thông.

Trong đó, giải pháp tăng cường trang bị kiến thức pháp luật về giao thông là cơ sở cơ bản để người tham gia giao thông thực hiện hành vi văn hóa khi tham gia giao thông. Bởi, khi người tham gia giao thông có sự hiểu biết, có nền tảng kiến thức pháp luật đồng nghĩa với hành vi chấp hành luật giao thông cũng sẽ được nâng cao và tốt hơn.

4748125964706379094301588925218868219057830n-1737675850729645078352.jpg

Du khách trải nghiệm du lịch quanh Hồ Gươm bằng xích lô năm 2022. Ảnh: TTXVN

Còn đối với giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông thể hiện văn hóa giao thông lại đặt ra nhiều vấn đề.

Thực tế, tự giác chấp hành luật giao thông, tôn trọng người tham gia giao thông, giúp đỡ, nhường nhịn trẻ em, người già, người tàn tật khi tham gia giao thông là biểu hiện, là điều kiện đầu tiên của văn hóa giao thông. Điều này dễ thực hiện trong mọi hoàn cảnh, điều kiện giao thông cụ thể. Tuy nhiên, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông lại không dễ dàng thực hiện như vậy. Đây là biểu hiện quan trọng, thể hiện bản chất văn hóa giao thông nhưng nó không dễ dàng thực hiện, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng của người thực hiện.

Theo đó, hoạt động ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông (có thể kể tới các hành vi như: phá hoại công trình giao thông; sử dụng lòng đường, vỉa hè trái phép; để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trượt trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường…) sẽ gặp phải sự phản đối, thậm chí tấn công, hành hung của chính đối tượng phá hoại. Chính vì thế, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách và luật bảo vệ người ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chỉ khi được bảo vệ, được đánh giá và công nhận những đóng góp của mình, nhân dân mới tích cực ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Và bên cạnh đó, chúng tôi cũng cho rằng, chúng ta cần phải tích cực hơn trong việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ tốt hơn cho hoạt động giao thông.

* Trong một nghiên cứu của mình, ông có đưa ra quan điểm: xây dựng văn hóa giao thông không chỉ giúp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông mà còn có vai trò xây dựng nền văn hóa Việt Nam, xây dựng bộ mặt của đất nước. Từ góc độ này, theo ông, hiện trạng giao thông phản ánh bộ mặt của một đô thị, rộng hơn là bộ mặt của một đất nước như thế nào?

- Điều này có thể nhận thấy rất rõ ràng! Khi đến một thành phố, một quốc gia, thứ đầu tiên chúng ta nhìn thấy đó chính là tính chất quy củ trong hoạt động tham gia giao thông có hay không?

Ở Việt Nam cũng vậy, chúng ta đón nhiều bạn bè quốc tế đến tham quan, hoạt động đầu tiên của họ khi đến đất nước của chúng ta đó là phải tham gia vào hoạt động giao thông, trong đó việc tham gia giao thông đường bộ là phổ biến hơn cả.

Trước thực tế này, nếu chúng ta xây dựng được một văn hóa giao thông tốt, tạo ra sự quy củ, trật tự nhất định trong hoạt động giao thông sẽ tạo ấn tượng tốt về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Ngược lại, hoạt động giao thông của chúng ta có các hành vi gây mất mỹ quan, gây nên tình trạng hỗn loạn, gây mất an toàn và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của những người tham gia giao thông sẽ làm xấu hình ảnh và giảm uy tín của đất nước đối với khách du lịch và bạn bè quốc tế.

Nói rộng ra, văn hóa giao thông là một biểu hiện trực tiếp, là một phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam. Từ nhận thức này, từng bước xây dựng, hoàn thiện văn hóa giao thông với các biểu hiện quy củ, nề nếp, trật tự, cùng sự an toàn, văn minh sẽ biến giao thông trở thành một phần xinh đẹp của bộ mặt đất nước, góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết, nhân đạo, nhân văn của dân tộc, tạo ấn tượng tốt đẹp cho khách du lịch và bạn bè quốc tế.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Xây dựng văn hóa giao thông phát triển toàn diện và bền vững (kỳ 1): Bước khởi đầu cho văn hóa giao thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022