Vở kịch Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (tác giả Nguyễn Đức Minh, đạo diễn NSND Thúy Mùi) do Nhà hát Thế giới Trẻ sản xuất (NSND Hoàng Yến quản lý, trực thuộc Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM) vừa ra mắt. Khán giả dõi theo từng đoạn đời của nữ sĩ, và vui buồn, cười khóc cùng bà qua tài năng diễn xuất của NSND Hoàng Yến.
1. Vở kịch đã thể hiện cuộc đời Hồ Xuân Hương trải dài từ thời con gái đến khi lấy chồng, cam phận làm vợ lẽ, rồi chia tay, lại tái hôn bước lên địa vị phu nhân, rồi lại lâm vào biến cố, tan tác đau thương.
Một tính cách mạnh mẽ kèm theo một thân phận như thế, cho nên mới sinh ra những vần thơ độc đáo. Mỗi giai đoạn cuộc đời của nữ sĩ đều được vở kịch "minh họa" bằng chính những bài thơ của bà thay cho lời thoại, vì vậy hơn 120 phút xem kịch, khán giả có dịp "ôn lại" mấy chục bài thơ trong ký ức. Và người ta thú vị lẫn cảm động vì vở kịch đã giúp người ta biết hoàn cảnh ra đời của từng bài thơ, biết nỗi niềm, tâm tư, thân phận của nữ sĩ, từ đó thấu cảm nhiều hơn.
Một cảnh trong vở “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương”
Thực sự Hồ Xuân Hương đã vượt qua thời đại mình đang sống, dám bứt phá những lề thói xưa cũ, dám lên tiếng khi chứng kiến những điều trái tai gai mắt trong xã hội, thì bà đâu phải một phụ nữ bình thường. Ngay cả việc dám tự mình đứng ra mở trường dạy học đã là một điều ngang bằng với nam nhi thời đó- thời phong kiến trọng nam khinh nữ, thời mà phụ nữ chỉ được ở nhà nội trợ.
Như trong vở diễn, với Tố Như Nguyễn Du, đó quả thật là mối tương giao thanh nhã, cao quý, dù họ không đến với nhau được nhưng vẫn là tình cảm đầu đời tuyệt đẹp mà Hồ Xuân Hương trân trọng suốt đời. Với Chiêu Hổ, cũng là một bạn thơ tâm đắc, đó là mối quan hệ cân xứng về tài, đầy thú vị khi đối đáp, thử thách - dù tiếc thay lại không xứng về đức, về phẩm hạnh, bởi sau này Chiêu Hổ đi vào con đường hưởng thụ.
Riêng với Tổng Cóc, điểm tựa cho thân phận bơ vơ của Hồ Xuân Hương, cái nghĩa nhiều hơn cái tình, nhưng cuối cùng bà không chịu nổi kiếp chồng chung luôn bị chèn ép, khinh khi. Tổng Cóc thú nhận yêu bà, nhưng không bảo vệ được bà trước dư luận, trước cộng đồng gia đình to lớn mà chế độ phong kiến đã hình thành mối dây ràng buộc quá nặng nề. Hồ Xuân Hương lại bị thảy ra cuộc đời, lại bơ vơ trong cái xã hội vừa rối ren chính trị (giai đoạn suy tàn của chúa Trịnh), vừa rối ren cũ mới, muốn bứt phá, muốn giải thoát mà không được.
Chính lúc này Tri phủ Vĩnh Tường tìm bà, nối lại mối tình đơn phương ngày xưa, và bà tìm được bờ vai cho mình, vừa tri âm về văn chương, vừa trung hiếu thương dân, vừa nặng nghĩa nặng tình. Nhưng chẳng bao lâu, biến cố xảy ra, tri phủ Vĩnh Tường bị triều đình bức hại, Hồ Xuân Hương chạy đôn chạy đáo tìm người giúp chồng thoát nạn, nhưng rồi tai họa vẫn cắt đứt mối lương duyên. Bà để tang chồng bằng những vần thơ đau tận ruột gan: "Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi/Cái nợ ba sinh đã trả rồi/Chôn chặt văn chương ba thước đất/Ném tung hồ thỉ bốn phương trời…".
2. Khán giả dõi theo từng đoạn đời của nữ sĩ, và vui buồn, cười khóc cùng bà qua tài năng diễn xuất của NSND Hoàng Yến. Quả thật dung mạo của Hoàng Yến rất phù hợp với hình ảnh Hồ Xuân Hương trong trí tưởng tượng của khán giả.
Đó là một Hồ Xuân Hương thời con gái lí lắc vừa đủ, nghịch ngợm vừa đủ để có thể đối đáp với những giả trá, hơn thua của cuộc đời. Một Hồ Xuân Hương lúc trung niên vẫn thông minh, nhạy bén, nhưng đã chững chạc, suy tư, đầy nỗi niềm cay đắng khi thấy cái tốt bị hắt hủi, người tốt bị tha hóa. Và một Xuân Hương bề ngoài mạnh mẽ nhưng bên trong đau đớn, đưa bàn tay nhỏ bé của mình ra bảo vệ chồng, khiến người xem rưng rưng nước mắt.
Hoàng Yến có rất nhiều đất để diễn, nhiều cung bậc tâm lý để thử thách tay nghề. Gương mặt ấy đẹp một cách sâu sắc, trí tuệ, vừa đằm thắm cũng vừa kiên nghị, khiến nhân vật Hồ Xuân Hương như hiện ra rất thật.
Rộng hơn, cả ê-kíp của Nhà hát Thế giới Trẻ đều diễn theo cách mà họ đã chọn từ trước tới nay, nghiêm túc, sang trọng, đầy chất văn học. Lê Hoàng Giang vai Nguyễn Du thanh thoát, dịu dàng. NSƯT Xuân Hồng vai tri phủ Vĩnh Tường mộc mạc, thẳng ngay. Tây Phong vai Chiêu Hổ lãng tử, xa hoa. Bình Kình vai Tổng Cóc chân thành nhưng nhu nhược. Phương Minh vai vợ cả của Tổng Cóc ganh tị, chanh chua. NSƯT Huy Thục vai thầy đề ngọng dốt nát…
Họ diễn với cả trái tim, dù những vở kịch thế này thường là bán vé cho học sinh, sinh viên với giá chỉ vài chục ngàn, và họ lãnh cát sê chỉ vài trăm ngàn vừa đủ đổ xăng và son phấn. Nhưng "bà bầu" Hoàng Yến đã chủ trương nuôi dưỡng sân khấu học đường, chuyên dựng kịch sử và văn học sử cho khán giả trẻ, nên cả ê-kíp đã cùng tâm huyết đi theo Hoàng Yến 6-7 năm nay. Họ làm nên những kỳ tích với vở Yêu là thoát tội (nói về Nguyễn Trãi) hơn 200 suất, Thành Thăng Long thuở ấy (nói về Lý Chiêu Hoàng, Trần Thái Tông) hơn 100 suất.
Bây giờ, vở Nữ sĩ Hồ Xuân Hương của họ chắc chắn sẽ thổi thêm làn gió cảm động, yêu mến vào lòng khán giả trẻ.
Trong thời buổi môn văn và môn sử có nguy cơ bị xem nhẹ so với những môn liên quan đến kinh tế, quản trị, làm giàu…thì những vở kịch như thế này vô cùng đáng quý.