Thông tin từ gia đình và đồng nghiệp cho biết: PGS-TS Nguyễn Lân Cường đã qua đời ở tuổi 85 vào sáng nay 6/5 tại Bệnh viện Đại học Y Dược ( Đại học Quốc gia Hà Nội) sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh.

Trước đó, từ đầu năm 2025, việc PGS-TS Nguyễn Lân Cường mắc bệnh ung thư dạ dày đã được nhiều đồng nghiệp trong giới khảo cổ nhắc tới với sự xót xa. Như lời kể, ông phát hiện mắc bệnh vào khoảng cuối 2024, khi bị đau nặng trong đợt làm việc tại khu vực khảo cổ học Vườn Chuối (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Bệnh nặng và ở giai đoạn cuối, nên PGS Cường gần như phải nằm viện từ đó tới nay.

PTS.TS Nguyễn Lân Cường. Ảnh: Tư liệu

Sinh năm 1941, là con thứ tư của cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, PGS Nguyễn Lân Cường là gương mặt khá nổi bật trong lĩnh vực khảo cổ, thuộc chuyên ngành Cổ nhân học. Ông từng giữ cương vị Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam và có nhiều cống hiến trong các đề tài quốc gia về nghiên cứu, phục chế, tu bổ nhục thân (tượng có di cốt của các thiền sư) tại một số di tích như: Chùa Đậu, Chùa Tiêu Sơn, Chùa Phật Tích... Đặc biệt, đối với các di sản khảo cổ trên địa bàn Hà Nội, PGS. Nguyễn Lân Cường là gương mặt có uy tín, từng nhiều lần lên tiếng trong việc bảo tồn di chỉ Vườn Chuối, di tích Đàn Xã Tắc hoặc dấu tích Hoàng thành Thăng Long tại nút giao Hoàng Hoa Thám - Văn Cao.

Đáng nói, bên cạnh lĩnh vực khảo cổ, PGS Nguyễn Lân Cường cũng là một cái tên nổi bật trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc. Ông từng chỉ huy dàn hợp xướng Hanoi Harmony và có gần 100 tác phẩm âm nhạc, trong đó có cả hợp xướng, ca khúc, nổi bật như: Vị tướng của lòng dân, Về đi em, Bài ca về những người lính đảo... Như từng chia sẻ, việc sáng tác ca khúc, hoặc chỉ huy hợp xướng trên sân khấu chính là những khắc mà chuyên gia khảo cổ này thấy thư giãn và được là chính mình.

c3-1746517301099510695128.jpg

Cuốn sách "Nhật ký trên khóa Sol" gắn với những sáng tác âm nhạc của PGS. Nguyễn Lân Cường, được xuất bản năm 2021

Thậm chí, ngoài nghiên cứu khảo cổ và sáng tác nhạc, PGS-TS Nguyễn Lân Cường còn có tài hội họa. Ông vẽ tranh sơn dầu từ năm 1962. Một trong những tác phẩm đáng tự hào của ông là sách Bộ xương nói với bạn điều gì? gồm 320 hình minh họa bộ xương người do chính mình vẽ.

Riêng với báo Thể thao và Văn hóa, trong nhiều năm qua, PGS. TS Nguyễn Lân Cường luôn có sự gắn bó đặc biệt trên cả 2 lĩnh vực khảo cổ và âm nhạc. Ông đã từng trực tiếp có những bài viết gửi tới TT&VH về kết quả khảo cổ tại Vườn Chuối, khai quật các khu mộ cổ tại Quốc Oai (Hà Nội), Vĩnh Bảo (Hải Phòng), và luôn hào hứng chia sẻ những sáng tác âm nhạc mới nhất của mình về bóng đá hoặc phòng chống dịch Covid-19 trong các cuộc phỏng vấn.

Theo lời các đồng nghiệp, trong thời gian tại bệnh viện, dù sút cân và mệt mỏi vì trị bệnh nhưng PGS-TS Nguyễn Lân Cường vẫn lạc quan và dí dỏm cho tới những ngày cuối cùng của cuộc đời...

PGS-TS, nhạc sĩ Lân Cường: Ca khúc về bóng đá 10 năm 'giấu' trong ngăn kéo 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022