Các kênh bị dính “gậy” khá đa dạng - từ kênh YouTube của người-bình-thường (cover piano/guitar những bài hát yêu thích, làm những video giảng dạy, hướng dẫn chơi piano/guitar/ukulele các ca khúc theo yêu cầu...) đến người nổi tiếng (như nghệ sĩ Huỳnh Lập) và cả kênh của những “ông lớn” trong ngành truyền thông - giải trí.
Đến nay, mới có nghệ sĩ Huỳnh Lập thông báo MV parody Duyên mình lỡ vừa xuất hiện trở lại trên YouTube sau một thời gian “biến mất”, vì công ty anh đã hoàn tất thủ tục bản quyền cũng như pháp lý với Hồng Ân Entertainment (đơn vị được một số tác giả ủy quyền giám sát, truy thu bản quyền trên internet) và nhạc sĩ Tú Dưa (tác giả ca khúc). Còn lại, trong số các kênh bị đánh sập hoặc bị “sờ gáy”, có đơn vị quản lý đang trong quá trình thương thảo để giải quyết, có cá nhân - như chị Trương Đoàn Bội Ngọc (chủ kênh hướng dẫn kỹ năng - dạy đàn piano) đã gửi kháng cáo đến YouTube và chờ kết quả.

Đánh sập kênh có quá nặng ?

Có không ít vụ việc vi phạm bản quyền đã được giải quyết, sau khi chủ sở hữu hoặc chính tác giả yêu cầu người vi phạm gỡ sản phẩm khỏi YouTube hoặc truy thu tiền tác quyền (như trường hợp ca khúc nhạc Hoa lời Việt Độ ta không độ nàng, Bước qua đời nhau của nhạc sĩ Khắc Việt, MV Khẽ chạm tim anh một chút thôi của Noo Phước Thịnh...). Trường hợp khác, MV Gánh mẹ của Lý Hải Production cũng bị YouTube gỡ bỏ khi tác phẩm Gánh mẹ (phần lời thơ) đang vướng tranh chấp bản quyền và tác giả thơ đang khiếu nại đòi 4 tỉ đồng tiền tác quyền.
ganh-me-bi-go-khoi-youtube_ptnr.jpg
Chuyện cá nhân/đơn vị vi phạm bản quyền nội dung gì sẽ bị YouTube gỡ bỏ nội dung đó (nếu có báo cáo chứng minh bị vi phạm) không còn lạ. Luật sư Phan Vũ Tuấn (Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM), nhìn nhận từ khi YouTube xuất hiện và hoạt động tại Việt Nam, bên cạnh tuân thủ pháp luật Việt Nam, YouTube còn có nguyên tắc hoạt động riêng mà người dùng phải tuân theo nếu muốn tham gia sân chơi này, dĩ nhiên nguyên tắc đó không trái với quy định của pháp luật quốc tế.
Song, theo “tâm tư” của chị Trương Đoàn Bội Ngọc: “Mình đã làm YouTube 9 năm, cũng đã vài lần nhận những thông báo về cảnh báo bản quyền từ một số video có cả trong và ngoài nước, nhưng cách làm của họ lại khác: gỡ video, tắt tiếng, nếu video có bật quảng cáo thì tắt quảng cáo, hoặc chuyển doanh thu từ quảng cáo video tới chủ sở hữu mà không làm ảnh hưởng tới việc chấm dứt kênh YouTube mà mình xây dựng”. Theo chị, khi 3 video của chị liên tiếp bị đánh gậy (hình thức cảnh báo của YouTube đối với các video vi phạm bản quyền) kéo theo việc bị xóa bỏ toàn bộ kênh, chị còn chưa có thời gian kiểm tra xem video vi phạm như thế nào, hay giải quyết thỏa thuận ra sao thì mọi thứ đã không còn nữa; trong khi kênh YouTube của chị còn hàng trăm video có nội dung khác mà chị dày công thực hiện.

Dung hòa lợi ích nhiều bên

Theo nhạc sĩ Hoài An: “Hầu hết các tác giả sẽ không khó khăn gì khi các bài hát của mình được cover dưới nhiều hình thức, miễn cần có sự rõ ràng nếu có yếu tố kinh doanh”. Cụ thể, như trường hợp chị Bội Ngọc, sau khi chị liên hệ xin phép, nhạc sĩ Thái Thịnh, Phan Mạnh Quỳnh… đã đồng ý cho chị chia sẻ hướng dẫn đệm piano bài hát của các nhạc sĩ ấy.
“Mục đích của việc thực thi bản quyền là tạo ra sự cân bằng giữa lợi ích xã hội và lợi ích của chủ sở hữu. Nên khi đặt lợi ích của chủ sở hữu lên quá cao, thì lợi ích của xã hội bị ảnh hưởng”, luật sư Phan Vũ Tuấn nói. Anh cho rằng hiện nay một số đơn vị chủ sở hữu đang vượt quá quyền của mình. “YouTube cung cấp một công cụ có thể đánh sập cả kênh, làm mất đi quyền được khai thác của người dùng. Trong khi trên kênh đó không chỉ có 1 bài hát vi phạm/bị cho là vi phạm. Nếu người ta sai thì nhắc nhở trước. Chủ sở hữu có quyền yêu cầu YouTube gỡ bài hát đó, kiện ra tòa đòi bồi thường nhưng khi anh đánh gậy làm cho YouTube đánh sập cả kênh thì ảnh hưởng đến lợi ích nhiều người khác”, anh Tuấn nói.
Luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết thêm pháp luật có nói nhưng có lẽ quá ít người biết về việc lạm dụng quyền. Theo luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm và luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2019: “Tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra”.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022