Trở về trong giấc mơ là cuốn sách được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn từ sổ tay nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến (1945 - 1968). Trong đó, nổi bật là những trang viết ghi lại những ngày tháng trong quân ngũ, cùng với một tình yêu thời chiến xa cách nhưng nồng thắm, trong sáng, thủy chung.

Tập nhật ký này lần đầu được xuất bản năm 2005, tái bản năm 2010. Và vừa qua, Trở về trong giấc mơ (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) xuất hiện trở lại với một phiên bản hoàn toàn mới sau gần 20 năm ra mắt. Cụ thể, cuốn sách được làm mới bằng cách kết hợp sách giấy và sách điện tử, với nhiều trang có in các mã QR. Trong đó, các mã QR là nội dung đầy đủ 109 bức thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến gửi cho người yêu là Vũ Thị Lưu Liên.

Những ghi chép chân thực

Đọc Trở về trong giấc mơ, ta thấy Trần Minh Tiến đã ghi chép rất nhiều về khoảng thời gian anh mới nhập ngũ và nhất là giai đoạn huấn luyện. Những trang nhật ký trong sách bắt đầu từ ngày 21/11/1966 và khép lại ngày 11/3/1968. Đó là khoảng thời gian đơn vị của anh làm nhiệm vụ huấn luyện tại Vĩnh Yên - Tam Đảo. Trước khi hành quân vào Nam, anh đã gửi cuốn nhật ký này về cho người yêu cất giữ.

Chân dung liệt sĩ Trần Minh Tiến

Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, thời gian ghi nhật ký gói gọn trong khoảng hơn 1 năm, và những nhân chứng, sự kiện trong đó đã diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Đây là những ghi chép hết sức chân thực và vô cùng quý báu. Bởi, "qua những trang viết của chàng lính trẻ Trần Minh Tiến, bạn đọc sẽ hiểu được những đơn vị bộ đội chủ lực miền Bắc đã tập luyện gian nan, vất vả như thế nào để chuẩn bị cho cuộc hành quân, vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu".

Đó là những ngày nắng cháy da thịt, những đêm mưa tầm tã, rét tái tê, Trần Minh Tiến cùng các đồng đội đeo nặng, hành quân liên tục hàng trăm cây số. Tới nơi tập kết, họ lập tức đào hầm, dựng lán trại, học tập chính trị, thậm chí lao vào những trận chiến giả định với nhiều tình huống đặc biệt.

nhatky-1721899292087489818413.jpg

Nhật ký “Trở về trong giấc mơ” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) của liệt sĩ Trần Minh Tiến được tái bản lần thứ 2

Điển hành, trang nhật ký ngày 16/12/1966, Trần Minh Tiến viết: "Hôm nay kết thúc 24 ngày hành quân chiến đấu. Ngồi nghĩ lại những chặng đường đã nghiêm chỉnh vượt qua, mà đứa nào cũng rùng mình, rợn tóc gáy. Ta đã lớn về mọi mặt trong cuộc hành quân này. Ngồi nghĩ lại từ chuyện đôi giầy thấp cổ lúc đi còn mới, bây giờ xơ xác tan tành. Đôi giầy vải mà như đôi giầy bện cỏ của hiệp sĩ giang hồ. Còn đôi chân của ta thì thế nào? Bao lần thay da vì phồng rộp, đã leo bao ngọn núi, lội bao suối cũng không đếm được. Nó còn phải chịu đựng tấm thân ta cùng trên 30kg vác trên vai đi gần 300km đường rừng núi hiểm trở. Rồi đôi tay ta cũng thành chai cứng"…

Từ những ghi chép về chuyện tập luyện hành quân, Trần Minh Tiến đã cho thấy những phẩm chất đáng quý của những chàng lính trẻ. Anh cùng đồng đội của mình không bao giờ né tránh khó khăn, gian khổ và hy sinh.

Chẳng hạn, vào tháng 3/1968, đơn vị anh nhận lệnh lên đường chiến đấu. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ lâu, nhưng ai cũng hiểu việc lên đường giữa lúc chiến trường miền Nam đang vô cùng ác liệt là không hẹn ngày trở về. Có nghĩa, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào với những người lính như Trần Minh Tiến. Biết thế, nhưng họ vẫn đi với tất cả niềm tự hào.

sachcu-1721899292113361501590.jpg

Nhật ký “Trở về trong giấc mơ” (NXB Hội Nhà văn) xuất bản lần đầu vào năm 2005

"Ai đó hãy nhìn xem, lớp chiến sĩ trẻ, lớp người táo bạo ở quân đội đang "vào sinh, ra tử" để đem xương máu, sức lực phục vụ cuộc sống. Họ là ai, họ là những người học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã vẽ cho mình mộng ước sau này. Rồi cuộc sống trôi đi, vào quân ngũ, họ đã biến được đôi tay cầm bút thành đôi tay rắn chắc. Biết đào đất, sử dụng súng tiêu diệt kẻ thù" - Trần Minh Tiến viết ngày 27/1/1967 - "Mình không những có một sức khỏe không tưởng mà còn có một bàn tay linh hoạt. Làm gì cũng được, cũng biết đục đẽo, biết xây nhà, biết đan lát, biết đánh gianh… thật cũng đáng tự hào, nếu không vào quân đội thì đâu biết làm như vậy".

"Em là ánh sáng soi đường cho anh đi, là liều thuốc bổ giúp sức cho anh hoàn thành nhiệm vụ. Anh luôn nhắc đến em, vì em đã hòa trong dòng máu của anh, đã in sâu trong tâm khảm anh" - trích nhật ký liệt sĩ Trần Minh Tiến.

"Vì em đã hòa trong dòng máu của anh…"

Không chỉ dừng lại ở những ghi chép về khoảng thời gian gian khổ trước ngày vào Nam chiến đấu, ở Trở về trong giấc mơ còn có một nội dung xuyên suốt về mối tình của anh lính trẻ Trần Minh Tiến với cô người yêu Lưu Liên.

Trước khi ra trận và hy sinh, Trần Minh Tiến là một cầu thủ bóng đá của đội tuyển trẻ Hà Tây và đội bóng Sư đoàn 308; còn Lưu Liên là một thiếu nữ xinh đẹp, diễn viên của Đoàn Văn công xung kích tỉnh Hà Tây. Hai người đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp gắn với tuổi học trò trong sáng. Nhưng đứng trước sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, họ đã lựa chọn chia xa. Trong khoảng thời gian đó, họ vẫn trao cho nhau những tình cảm ấm nồng bằng những lá thư tình để động viên nhau vượt qua những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết: Trong quá trình biên soạn sách, hầu như không có trang viết nào, không có ngày ghi nhật ký nào mà Tiến không nhắc tới Lưu Liên với một tình cảm yêu quý, nhớ thương da diết.

kyvat-17218992921021224447384.jpg

Kỷ vật của liệt sĩ Trần Minh Tiến

"Chính tình cảm thương yêu ấy đã khiến cho nỗi nhớ mong, sự chờ đợi của họ càng tăng lên gấp bội. Cũng chính nỗi nhớ, niềm yêu ấy đã giúp anh có thêm nghị lực và sức mạnh để vượt qua được mọi thử thách gian khổ nhất trong những ngày rèn luyện và trên đường hành quân đi chiến đấu", nhà văn bày tỏ.

Ngay từ những trang nhật ký đầu tiên, khi phải chia tay người yêu vào lính, chàng lính trẻ Trần Minh Tiến đã tỏ bày nỗi nhớ da diết. "Em về đừng làm sao nhé. Nếu có làm sao thì anh cũng chẳng yên tâm được. Anh không muốn xa em vào lúc này. Anh không muốn xa em để càng thêm nhớ thương. Nhưng vì nhân dân phục vụ, em ạ" - trang nhật ký viết ngày 21/11/1966. Rồi ngày hôm sau: "Giờ này sáng hôm qua, anh đang cùng em sánh bước trên đường phố Thủ đô. Vậy mà ngay lúc này trên vai anh mang đủ thứ của đời lính. Ngoài ba lô, trang bị, anh còn mang cả dư âm buổi sáng về bên em".

Như những gì trải lòng, nỗi nhớ người yêu biến thành động lực to lớn để Trần Minh Tiến vượt qua bao khó khăn, thử thách trong những ngày tháng ra sức luyện rèn để phục vụ chiến đấu. Anh viết trong nhật ký ngày 3/3/1967: "Mỗi phút sống, anh đều muốn em hiểu anh hơn. Ngay trong những đêm hành quân, vai giập, chân phồng, mắt thâm quầng, anh vẫn thấy em. Em là ánh sáng soi đường cho anh đi, là liều thuốc bổ giúp sức cho anh hoàn thành nhiệm vụ. Anh luôn nhắc đến em, vì em đã hòa trong dòng máu của anh, đã in sâu trong tâm khảm anh"…

 Theo đó, ngoài nội dung nhật ký, trong Trở về trong giấc mơ còn có tập hợp 109 lá thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Những lá thư được anh viết trong thời gian từ năm 1965 đến 1968 để gửi cho người yêu Lưu Liên của mình. Mỗi lá thư được viết là một lần Tiến được giãi bày hết những tâm tư với người yêu. Có cảm giác bấy nhiêu thư cũng là bấy nhiêu tình cảm, tất cả cứ đầy thêm theo cánh thư, ngày một dày qua tháng, qua năm.

Đặc biệt, viết thư cho người yêu, Tiến hay làm thơ. Có những lá thư hoàn toàn là một bài thơ. Và có lẽ, cũng chỉ cần đọc những vần thơ ấy cũng đủ thấy tấm lòng mà chàng lính trẻ Trần Minh Tiến dành cho người yêu thiết tha, mãnh liệt đến nhường nào.

Có lẽ, những bài thơ và những bức thư như thế đã khiến sự trở lại của Trở về trong giấc mơ thêm toàn diện và giá trị hơn. Ở đó, những dòng tâm sự tưởng như riêng tư, thầm kín nhưng lại đầy sức nặng và giúp độc giả hiểu thêm về một thế hệ sinh ra và trưởng thành trong thời chiến. Họ đã sống và chiến đấu theo lý tưởng cao đẹp của mình!

"Yêu nhau, ta sẽ giữ lời nhau!"

Em ơi! Em hãy chờ anh nhé,

Dù đá xanh kia có đổi màu,

Dù đá non mòn theo nước chảy

Yêu nhau, ta vẫn giữ lời nhau.

Ngày mai đời sẽ đẹp như hoa

Anh sống cùng em chung mái nhà

Duyên thắm lại càng thêm thắm đượm

Anh lại làm thơ tặng tình ta.

Em ơi! Em vẫn chờ anh nhé

Yêu nhau, ta sẽ giữ lời nhau!"

(Bài thơ không tên của Trần Minh Tiến trong một lá thư viết năm 1965)

 'Nhật ký thời chiến' - Di sản quý các Anh hùng để lại cho thế hệ sau

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022