Sự kiện do Sotheby's - đơn vị đấu giá quốc tế - tổ chức, khai mạc hôm 11/7. Triển lãm quy tụ 56 tác phẩm của danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm (được mệnh danh "Tứ kiệt Đông Dương", "Tứ kiệt trời Âu"), được ban tổ chức mượn từ gần 10 nhà sưu tập cá nhân trong nước. Theo Ace Lê - giám tuyển độc lập của sự kiện, đa số tranh lần đầu được giới thiệu với khán giả Việt với mục đích phi thương mại. 56 tác phẩm thuộc các bộ sưu tầm cá nhân trong nước, do chủ sở hữu mua đấu giá từ nước ngoài.

trien-lam-3-1377-1657593643.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WXZL18X7AkUs8BT6Rc4gxA

Khán giả xem tranh bộ tứ thiếu nữ của Mai Trung Thứ (1906-1980). Ảnh: Quỳnh Trần

Không gian triển lãm được dựng thành bốn gian phòng với gam màu khác nhau. Ở gian đầu tiên, khán giả được chiêm ngưỡng loạt tranh tiêu biểu cho các giai đoạn sáng tác của Lê Phổ - danh họa có nhiều tác phẩm triệu USD. Các bức tái hiện phong cách của ông từ lúc còn trong nước đến khi sang Paris, Pháp định cư và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp. Đền Cổ Loa - vẽ năm 1934 - là một trong những tác phẩm có tuổi đời lâu nhất tại sự kiện. Tình mẫu tử (thập niên 1940) thể hiện vẻ đẹp của phụ nữ Bắc bộ. Loạt tác phẩm khác của Lê Phổ như Hai người bạn, Thêu thùa, Cây xanh... níu chân khán giả thưởng tranh.

>>> Một số tác phẩm trong triển lãm

Các tác phẩm của ba danh họa còn lại được chọn lọc đa dạng về thể loại, thời kỳ. Tranh Mai Trung Thứ - danh họa Việt đang có tác phẩm đấu giá cao kỷ lục - cuốn hút người xem với Cậu bé câu cá bên hồ (1974), Lặng thiền (1958), Ngủ trưa (1942)... Tranh Lê Thị Lựu tạo ấn tượng với những đường nét mềm mại, tinh tế trong các bức Nhạc công truyền thống, Thiếu nữ Việt bên suối... Đa số tranh vẽ bằng bột màu trên lụa - phong cách đặc trưng của bà. Phong cách Vũ Cao Đàm được giới thiệu qua nhiều bức về đề tài gia đình như Trở về (1964), Khúc điền viên (1969), Chân dung Vũ Đình Thi - cha danh họa (1936-1940)...

trien-lam-4-7221-1657593643.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5nY62BtQv4tAYX-CpTUfJA

Tranh "Hai thiếu nữ trên cầu" của Mai Trung Thứ. Ảnh: Quỳnh Trần

Triển lãm thu hút quan tâm của giới chuyên môn lẫn người mộ điệu. Vài ngày trước, ban tổ chức mở link đăng ký dự triển lãm và lnhận được hàng nghìn lượt. Đơn vị phải khóa link, giới hạn ở con số 3.000 khách trong ba ngày tổ chức. Họa sĩ Trịnh Cung (84 tuổi) cho biết xúc động vì được ngắm bức Tình mẫu tử - một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho phong cách Lê Phổ. Năm 1994, ông từng sang Paris (Pháp) gặp Lê Phổ, được thấy nhiều tác phẩm quý nhất của danh họa. Với họa sĩ, Lê Phổ là một trong những người mở đường cho mối duyên giữa hội họa Việt và Pháp.

Ông Trịnh Cung nói: "Tôi mừng vì cuối cùng đã có một buổi triển lãm trong nước do một nhà đấu giá quốc tế tổ chức, dù khá muộn so với Jakarta, Singapore hay Hong Kong. Tôi ước có thêm các buổi triển lãm như thế này, sinh viên mỹ thuật được đứng trước các tác phẩm, nghe giảng dạy về đường nét, bố cục, màu sắc".

hon-xua-3-7344-1657593643.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uDSeOsDri0dXsFwIVk9_NA

Họa sĩ Trịnh Cung ấn tượng với bức "Tình mẫu tử" của Lê Phổ (1907-2001). Ảnh: Diễm Mi

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi thích thú vì có nhiều tác phẩm ông vốn chỉ xem qua sách báo, nay được trưng bày trong triển lãm. Ông tâm đắc khi ngắm bức Thiếu nữ Việt bên suối, đánh giá tác phẩm hội tụ nét đẹp nữ tính, thanh thoát vốn có của tranh Lê Thị Lựu - nữ họa sĩ tốt nghiệp thủ khoa khóa ba trường Mỹ thuật Đông Dương. "Nhiều bức nếu nhìn qua ảnh thì không đẹp, nhưng xem trực tiếp mới thấy được cả chiều sâu tâm hồn của họa sĩ", ông nói.

Nhà tổ chức gặp nhiều áp lực khi mở triển lãm với số lượng lớn tranh quý. 56 bức được chọn lọc từ 200 tranh do nhà sưu tập trong nước đề xuất. Là người trung gian, Ace Lê phải thương thuyết về giá tranh với Sotheby's nhằm có chính sách bảo hiểm thỏa đáng cho nhà sưu tập, tổng giá trị lên đến vài chục triệu USD.

trien-lam-2-5873-1657593643.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YNYL77H2qEHWw17ti2YhKQ

Không gian triển lãm "Hồn xưa bến lạ". Ảnh: Quỳnh Trần

Khâu bảo quản tranh được đề cao. Do trong nước chưa có dịch vụ kho vận cho tranh, phía Sotheby's cử người trực tiếp đến nhà sưu tập, làm biên bản hiện trạng trước khi bàn giao. Phương tiện vận chuyển được tạo lập độ ẩm phù hợp để tránh hư hại cho tranh. Trong quá trình triển lãm, tám bảo vệ thay nhau túc trực từ sáng đến khuya. 16 CCTV (camera giám sát) được lắp đặt, gửi hình ảnh về Hong Kong để Sotheby's giám sát.

Để được chọn trưng bày, tranh trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng. Nhà giám tuyển thường dựa vào ba tiêu chí: Lai lịch, thị giác và pháp khoa. Pháp khoa (xác định niên đại bằng đồng vị carbon) khó áp dụng vì sai số 50, 60 năm, trong khi lịch sử hội họa Việt còn khá trẻ. Trong sự kiện lần này, họ kết hợp phương pháp xét lai lịch trên các bằng chứng "cứng", thông qua tạp chí, sách báo, catalog từ thời Đông Dương, và bằng chuyên môn của những người giàu kinh nghiệm trong giới mỹ thuật.

Theo giám tuyển, tranh của bộ tứ danh họa đã đạt độ quý hiếm đến mức khán giả đại chúng khó tiếp cận, chỉ có thể xem qua sách báo, tư liệu video. Những nhà sưu tập mua tranh lại có xu hướng trưng bày trong tư gia. Triển lãm lần này là sự hợp tác của đôi bên - đơn vị tổ chức góp tiền làm sự kiện và nhà sưu tập cho mượn tranh, giúp khán giả có dịp thưởng lãm các kiệt tác. Họ không gặp khó khi thuyết phục các chủ sở hữu tranh vì đơn vị tổ chức đã có uy tín nhất định. "Ngoài ra, tranh được thẩm định gắt gao sẽ góp phần tăng giá cho bộ sưu tập", Ace Lê nói.

Tại triển lãm, ông Nathan Drahi - đại diện đơn vị Sotheby's châu Á - cho biết triển lãm Hồn xưa bến lạ như "cuộc hồi hương" sau nhiều năm tác phẩm của bộ tứ danh họa lưu lạc ở nước ngoài, về tay các nhà sưu tập quốc tế. "Chúng tôi xem đây là sự kiện cần thiết để công chúng tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương, đồng thời hy vọng là bước tiến tích cực cho thị trường tranh Việt, đặc biệt trong bối cảnh giá tranh tăng phi mã và tình trạng thẩm định tranh thật - giả vẫn còn nhiều khúc mắc", Nathan nói.

Sotheby's là một trong nhà đấu giá tranh và đồ cổ lớn nhất thế giới, có mặt ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm ngoái, doanh thu của Sotheby's là năm tỷ USD riêng ở mảng tranh. Ace Lê là một nhà nghiên cứu, giám tuyển nghệ thuật độc lập. Anh hiện là cố vấn của Kho dữ liệu Nghệ thuật Việt Nam (ViAA), thành viên chương trình Lãnh đạo Nghệ thuật Quốc tế 2022 của Hội đồng Nghệ thuật Australia. Anh tốt nghiệp thạc sĩ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University, Singapore.

Mai Nhật

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022