Ngày 4-1, Hội Nhà Văn TP HCM và Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức tọa đàm tưởng niệm một năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, đồng thời trao tặng giải thưởng Cống hiến năm 2022 cho ông.
Anh Nguyễn Hồng Quang, con trai nhà thơ thay mặt gia đình, nhận giải.
Trong ký ức của nhà thơ Trần Đăng Thao, nguyên Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm luôn năng nổ, xốc vác theo kiểu chậm mà chắc khi làm việc, sống chí nghĩa chí tình, biết lắng nghe, biết an ủi và san sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (1940-2022)
"Từ góc độ văn chương, tôi nhận thấy anh Nguyễn Vũ Tiềm là nhà văn đa tài và đa năng. Anh có thể ứng chiến trên mọi mặt trận của đời sống văn học: một nhà thơ, một cây bút lý luận phê bình, một nhà nghiên cứu và một tiểu thuyết gia, có lúc anh tham gia viết kịch bản phim điện ảnh" - ông nhận định.
Nguyễn Vũ Tiềm để lại 21 tác phẩm thuộc nhiều thể loại. Hai tác phẩm cuối cùng là "Tập thơ và trường ca chọn lọc" và tiểu thuyết "Người tài hoa khờ dại" được xuất bản sau khi ông qua đời.
Tác phẩm thơ "Minh triết đất đai" đoạt giải thưởng của Hội Nhà Văn TP HCM năm 2022
Bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM - xúc động chia sẻ: "Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm nghiên cứu và sáng tác liên tục, cho thấy nội lực rất cao của một người cầm bút. Đặc biệt, trong những năm cuối, dù đang mang trọng bệnh ông vẫn dồn hết tâm lực vào trang viết của mình một cách say mê và đầy trách nhiệm. Có thể nói nhà thơ, nhà lý luận phê bình Nguyễn Vũ Tiềm như một ngọn nến đã cháy sáng đến những giọt cuối cùng cho văn chương".
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm rời xa nhân thế vào ngày 14-1-2022. Cuộc đời 82 năm của một con người đã khép lại, nhưng tác phẩm văn chương và tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của ông vẫn còn là câu chuyện tiếp tục được nhắc nhở với đồng nghiệp và công chúng.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sinh năm 1940 tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sau nhiều năm dạy học ở quê nhà, ông xung phong vào đội ngũ giáo viên chi viện cho giáo dục TP HCM ngay sau ngày đất nước thống nhất.
Ông có nhiều đóng góp cho văn chương, với các tác phẩm thơ, văn, lý luận phê bình như: "Minh triết đất đai", "Tiếp cận mật mã thơ", "Trường ca Văn đàn bi tráng và Thơ chọn lọc", "Thương nhớ tài hoa, "Hoàng Sa", "Bắc Cung hoàng hậu", "Sương Hồ Tây mây Tháp Bút", "May quá lòng tốt vẫn còn đây"...