toadam2.jpgQuang cảnh tọa đàm. (Ảnh: QĐND)

Ngày 9/9, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Văn học trinh thám hiện đại, giao thoa Đông và Tây.”

Đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một chương trình tọa đàm về văn học trinh thám, khẳng định tầm quan trọng của thể loại này trong nền văn học Việt Nam đương đại.

Theo ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sự kiện này gợi mở nhiều hướng đi cho các tác giả văn học trinh thám Việt Nam.

[Di Li phóng khoáng nhưng cũng đầy nữ tính với “Nụ hôn thành Rome”]

“Trong các thể tài văn học giải trí, văn học trinh thám luôn được coi là một thể loại đặc biệt. Với độc giả Việt, các sách trinh thám, ly kỳ có một chỗ đứng quan trọng, tuy không phải lúc nào cũng ồn ào. Văn học trinh thám Việt Nam đã bắt đầu nhen nhóm từ những năm 30 của thế kỷ trước với sự xuất hiện của những nhà văn như Phạm Cao Củng, Thế Lữ,” ông Thiều nói.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, số lượng các nhà văn viết trinh thám ngày càng tăng lên. Nguyên nhân là do trinh thám hiện đại đã trở nên vô cùng khác biệt so với truyền thống truyện điều tra thám tử-tội phạm kinh điển.

“Ngày nay, một tác phẩm trinh thám bất kỳ đều có thể chuyển tải những giá trị nhân văn. Yếu tố trinh thám đã được các nhà văn, các nhà làm phim trên khắp thế giới khai thác như một công cụ đắc lực để truyền tải các thông điệp nghệ thuật,” ông Thiều nói.

sachdili.jpgNhà văn Di Li là cây bút trinh thám nổi bật tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các diễn giả tham gia tọa đàm gồm có nhà thơ-nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Di Li, nhà văn Đức Anh và đặc biệt là nhà văn trinh thám Na Uy Oystein Torsrud.

Thông qua thảo luận, các tác giả lý giải tại sao văn học trinh thám ở Việt Nam vẫn còn non trẻ; sự khác nhau giữa trinh thám Đông và Tây, giữa nền trinh thám hiện đại và truyền thống cũng như khả năng khai thác thế mạnh của những người cầm bút Việt Nam ở thể loại này.

Nhà văn Di Li nhận định rằng sự quan tâm về mặt chuyên môn cho thể loại trinh thám ngày càng gia tăng. Ngoài ra, các kỹ thuật xây dựng nhân vật, cốt truyện của văn học trinh thám hiện đại đều rất đặc sắc, dễ áp dụng cho mọi thể loại hư cấu khác, để các tác giả chuyên nghiệp và bán chuyên có thể khai thác mạnh mẽ cho nghiệp vụ của mình.

“Tuy nhiên hầu như chưa có một cuộc tọa đàm nào hoàn chỉnh về văn học trinh thám tại Việt Nam để đề cập đến những tiêu chí của dòng văn học này cũng như dòng chảy mới của văn học trinh thám Đông và Tây. Chúng tôi hy vọng rằng, tương lai không xa sẽ có một ‘dàn đồng ca’ của các tác giả trinh thám cùng cất tiếng vì sự phát triển chung của văn học Việt,” Di Li nói.

Trong buổi toạ đàm, nhà văn Di Li và nhà văn Oystein Torsrud cùng đưa ra nhận định về văn học trinh thám trên thế giới, đặc tính cũng như những khác biệt văn hoá làm nên thành công của mỗi nền văn học. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng chia sẻ về việc các tác giả trẻ Việt Nam có thể phát triển sự nghiệp thế nào dựa trên việc tiếp thu ảnh hưởng từ các nền văn học phát triển.

Các vấn đề chuyên môn như khác biệt trong thưởng thức trinh thám hiện đại và cổ điển, khả năng xuất bản quốc tế, khả năng áp dụng các kỹ thuật kể chuyện của văn học trinh thám cũng được làm rõ./.

Oystein Torsrud là tiểu thuyết gia trinh thám người Na Uy. Ông tốt nghiệp ngành kỹ thuật cơ khí và là một kỹ sư hàng hải. Ông bắt đầu sự nghiệp khá muộn khi đã có 40 năm làm việc trong ngành kỹ thuật, tuy nhiên, ông cũng đã xuất bản hàng chục đầu sách.

Nhân dịp này, nhà văn Oystein Torsrud cũng giới thiệu cuốn tiểu thuyết trinh thám “Cơn bão” vừa được Công ty sách Liên Việt chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam. Câu chuyện xoay quanh nhân vật cảnh sát điều tra Sivert Olafsen. Các tác phẩm theo chân nhân vật Sivert từ một ông già cáu kỉnh trở thành người cố vấn thân thiện cho những điều tra viên trẻ tuổi.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022