Khởi công từ 1959 đến 1961 thì hoàn thành, Xa lộ Biên Hòa do hãng thầu lớn nhất của tư bản Mỹ ở miền Nam là hãng thầu RMK – BRJ thi công. Hãng thầu này hồi đó được độc quyền xây dựng các công trình quân sự cho Mỹ (với trên 100 công trình) nên có thuê mướn tầm 40.000 công nhân, trong đó có những lực lượng lao động đến từ các nước phụ thuộc Mỹ đến làm việc.
Trong cuốn sách Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900 - 1975 (NXB Mỹ thuật ấn hành) nhà giáo - họa sĩ Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười), nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM kể về công trình này như sau: “Theo kế hoạch, chính phủ Việt Nam Cộng hòa sẽ thành lập khu công nghiệp tại vùng Biên Hòa. Còn vùng Sài Gòn là trung tâm thương mại và khu dân cư sẽ tiêu thụ hàng hóa sản xuất từ khu công nghiệp này. Đối với những người sống tại Sài Gòn đi làm tại khu công nghiệp Biên Hòa sẽ có con đường cao tốc đi lại cho nhanh. Dự định đó ngày nay nhìn đã thấy rõ là nhiều người sống tại Sài Gòn đi làm tại khu công nghiệp Đồng Nai vẫn di chuyển trên xa lộ Hà Nội mỗi ngày và nhà cửa hai bên xa lộ Hà Nội ngày càng xây san sát...”.
xa-lo-bien-hoa-32_nisy.jpg

Xa lộ Biên Hòa năm 1970

Ảnh: T.L in trong sách của họa sĩ Huỳnh Văn Mười

xa-lo-bien-hoa-43_uklo.jpg

Bưởi người dân mang ra bán trên Xa lộ Biên Hòa

Ảnh: T.L

Theo sách đã dẫn cho biết: “Cách thức phát triển mới thì việc làm hạ tầng cơ sở như đường xá, cầu cống trước rồi sau đó các nhà máy, hãng xưởng mới mở ra là hợp quy luật. Vì thế, lúc đầu chỉ làm xa lộ thôi, còn các hãng xưởng sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp Biên Hòa khi các chủ hãng thấy có đường xá lưu thông thuận lợi. Đến năm 1975 xa lộ Biên Hòa làm đúng chức năng mà những nhà qui hoạch trước đó đã dự định: Có nhiều hãng xưởng mở ở khu công nghiệp Biên Hòa. Hàng ngày, nhiều công nhân tại Sài Gòn đi làm tại khu công nghiệp Biên Hòa được xe buýt của công ty chở đi. Các công nhân tụ tập tại một số điểm ở Sài Gòn, xe buýt ghé đón và chở đi Biên Hòa. Chiều xe buýt lại chở công nhân về thả ở các điểm tụ tập”.
Đến cuối thập niên 1960 đầu 1970, phía Nam lại tiếp tục có Xa lộ Vòng Đai được xây dựng, sở dĩ người ta gọi là Xa lộ Vòng Đai vì xa lộ không nối liền hai TP mà chỉ chạy chung quanh TP Sài Gòn, công trình do công binh của Nam Hàn xây dựng nên còn được gọi Xa lộ Đại Hàn
Chuyện thêu dệt râm ran thời đó, ngoài việc nói Mỹ làm đường xa lộ Biên Hòa để phục vụ cho quân sự là Mỹ có ý chiếm đóng lâu dài tại miền Nam hoặc làm phi đạo để máy báy đáp xuống nếu Tân Sơn Nhất gặp sự cố, thì vẫn còn có những ý kiến khác nữa.
14390690_565583626962838_7488121959090222313_n_yojm.jpg

Một đoạn Xa lộ Vòng Đai (hay Xa lộ Đại Hàn) xưa

Ảnh: T.L

Ông Huỳnh Văn Mười tiết lộ: “Khi Xa lộ Biên Hòa hoàn thành, có người cũng cho rằng xa lộ này để chuyển quân cho nhanh hoặc xa lộ vành đai để phòng thủ Sài Gòn. Có những người từng đi Pháp, trước đây giải thích Xa lộ Biên Hòa là để nối với Khu công nghiệp thì không hiểu là Xa lộ Vòng Đai này để làm gì vì chẳng nối với khu công nghiệp nào cả nên lại thắc mắc tiếp. Còn người đi du học Mỹ về thì giải thích đây là cách xây Xa lộ Vòng Đai như các TP bên Mỹ. Dĩ nhiên trong thời chiến thì Xa lộ Vòng Đai sẽ giúp cho việc di chuyển của quân đội dễ dàng hơn vì không phải xuyên qua TP đông đúc nhưng tới thời bình, Xa lộ Vòng Đai sẽ nằm trong toàn bộ hệ thống xa lộ nối liền các TP khi có nhiều xa lộ khác tiếp tục làm thêm”.
xa-lo-bien-hoa-56_duxv.jpg

Ngã Tư Thủ Đức nằm trên Xa lộ Biên Hòa (nay thuộc TP Thủ Đức)

Ảnh: T.L

Từ những lập luận và kiến thức của một nhà nghiên cứu, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM kết luận: “Nếu nhìn vào thời điểm Xa lộ Biên Hòa được xây dựng năm 1959 thì có thể thấy mục đích của con đường không phải là để phục vụ chiến tranh. Người có kiến thức về cách xây dựng một quốc gia công nghiệp thì xem người Mỹ đang giúp cho miền Nam công nghiệp hóa. Do đó, cũng là một con đường mà Xa lộ Biên Hòa với kiến thức khác nhau, người ta có thể gán cho nó những mục đích khác nhau, từ đó có các thái độ khác nhau với con người làm ra công trình đó”.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022