Hiện vật là một trong 29 bảo vật quốc gia được Thủ tướng ký quyết định công nhận hồi đầu năm.

Thẻ bài được các cán bộ Viện Khảo cổ học tìm thấy ba năm trước ở cách điện Kính Thiên 100 m, trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Khi được khai quật, thẻ còn nguyên vẹn, bề mặt bị ăn mòn do oxy hóa nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc, còn rõ chữ. Năm 2022, Viện Khảo cổ học bàn giao thẻ cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Theo hồ sơ của Cục Di sản Văn hóa, hiện vật có hình thang cân, cao 12,7 cm, phía trên dày 0,11 cm, dưới dày 0,1 cm, các cạnh được mài vê tròn nhằm làm mất độ nhọn, sắc. Trên trục chính tâm từ trên xuống dưới, cách đỉnh 1,3 cm có một lỗ nhỏ, đường kính 0,3 cm để luồn dây đeo.

The-cung-nu-1-5357-1718358665.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kSbpfne1M54nxBdFLxfyuA

Mặt trước thẻ bài. Bảo vật hiện được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Thẻ được làm từ hợp kim đồng kẽm, trong đó kẽm giúp bảo vật có độ cứng cao, màu sáng, ít bị oxy hóa so với hợp kim đồng chì thiếc. Kỹ thuật chế tạo là rèn dát mỏng, tạo hình.

Hai mặt có khắc chữ Hán sâu, rõ nét. Mặt trước ghi năm chữ "Cung nữ xuất mãi bài'', xếp thành một hàng dọc ở giữa thẻ, khẳng định đây là loại tín bài cấp cho cung nữ ra ngoài để mua đồ dùng phục vụ sinh hoạt trong cung. Mặt sau có hai hàng dọc, lần lượt là bốn chữ "Cung tự ngũ hiệu" (số 5 của khu nội cung) và bảy chữ ''Quang Thuận thất niên tứ nguyệt tạo'' (tháng 4, năm Quang Thuận thứ bảy, đời vua Lê Thánh Tông), chứng minh thẻ được cấp vào năm 1466.

The-cung-nu-7916-1718358665.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=913VfPpWkplEy-N-rO35eQ

Phần sau của thẻ. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Hồ sơ của Cục Di sản Văn hóa cho biết bảo vật mang tính độc bản, là minh chứng sống động việc quản lý nội cung thời Lê Sơ.

Thẻ bài được tạo tác hoàn toàn thủ công, sản xuất ngay tại Thăng Long, trong những công xưởng của hoàng cung. Theo quy định, thẻ chỉ được cấp một lần và cho một người nên không có hiện vật khác tương tự. Đến nay, các địa điểm khảo cổ trong Hoàng thành Thăng Long chưa tìm được di vật nào như vậy. Tư liệu về thẻ bài triều Lê hiện cũng chỉ phát hiện thêm thẻ bài cẩm y vệ thời Hồng Thuận (năm 1512), thuộc bộ sưu tập của ông Dương Minh Chính, được công bố năm 2012 tại Hà Nội.

Trong xã hội quân chủ, đây là vật dụng đặc biệt, có thể chia thành hai nhóm. Thứ nhất là những huân, huy chương thưởng công trạng cho các bậc vương công, đại thần, binh sĩ. Nhóm còn lại dùng để phân biệt danh tính, phẩm hàm của mỗi người, hoặc có giá trị như giấy thông hành để đi lại nơi cung cấm, doanh trại. Có nhiều trường hợp, thẻ cũng tích hợp hai loại chức năng này.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, ở Đại Việt, thẻ bài với tư cách là tín bài có lẽ xuất hiện từ khi lập quốc. Nhưng những ghi chép sớm nhất cho biết hiện vật được sử dụng và quản lý nghiêm ngặt ở thời Lê sơ.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi đến năm 1434, việc ra vào nội cung chưa được quản lý bằng thẻ. Sách viết: ''Giáp Dần, Thiệu Bình năm thứ nhất (1434)... Từ nay về sau, nếu có cung nhân ở các điện và đại thần, tổng quản, hành khiển cùng bọn nữ quan vào chầu, khi đến cửa cấm thì người coi cửa phải chuyển tâu trước, đợi có sắc chỉ mới được vào. Đàn bà không có phẩm tước đều không được cho vào. Nội nhân, nữ quan, nô tỳ ở các điện nếu không có việc gì, không được lui tới các điện khác''.

Cũng trongĐại Việt sử ký toàn thư nói ''Đinh Hợi, Quang Thuận năm thứ 8 (1467)... Ra sắc chỉ rằng:Quan triều thamđeo thẻ bài đi theo hầu nên ghi chữ 'hỗ tòng' vào thẻ bài". Như vậy lúc này đã có quy định dùng thẻ bài để ra vào nội cung nhưng chưa được chặt chẽ. Tuy nhiên, việc phát hiện thẻ bài cung nữ thời Lê sơ cho thấy phương pháp đã được triển khai đến mọi đối tượng trong cung. Đến triều Nguyễn, phương pháp này được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ với hệ thống thẻ bài ngày càng hoàn chỉnh.

Phương Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022