Sau nhiều năm mất hút, TFS (Hãng phim Truyền hình TP HCM, trực thuộc Đài Truyền hình TP HCM - HTV) trở lại ốm yếu bằng giờ phim cố định dành cho riêng mình lúc 22 giờ trên HTV9. TFS "dọn kho" phim làm ra nhiều năm nay chưa có điều kiện lên sóng và bắt tay thực hiện các dự án phim mới. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự tái xuất chính thức của một thương hiệu từng tạo ra hàng loạt phim chinh phục khán giả màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, người trong nghề tiếc nuối khi thấy TFS chật vật xây dựng lại thương hiệu từ đầu với nhiều khó khăn trước mặt.

"Trùm mền quá lâu"

TFS được thành lập từ năm 1991, từng tạo ra nhiều phim truyền hình nhiều tập làm nức lòng người xem: "Đất Phương Nam", "Người đẹp Tây Đô", "Xóm nước đen", "Giã từ dĩ vãng", "Ngọn nến hoàng cung"… Lúc đó, VFC chỉ mới có được vài phim truyện thời lượng 1 đến 2 tập gây chú ý với khán giả, như "Mẹ chồng tôi", "Lời nguyền của dòng sông"…

13-chot-15632876301361319338586.jpg

Cảnh trong phim “Sóng ngầm” của TFS sản xuất đang chiếu trên HTV9, khung 22 giờ. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Khi cơn bão xã hội hóa truyền hình ập đến, các đơn vị sản xuất phim của nhà nước lao đao vì khán giả chạy theo trào lưu làm phim kiểu mới, chú trọng đến mục đích giải trí, theo cách của phim truyền hình các nước trong khu vực: Thái Lan, Hàn Quốc… Chi phí bỏ ra mua phim, chương trình truyền hình giải trí sản xuất theo phương thức xã hội hóa của các đài truyền hình thấp nhưng doanh số quảng cáo có được từ những sản phẩm này khi lên sóng là rất cao nên những phim của các đơn vị nhà nước làm ra theo cách cũ, tư duy cũ không còn cơ hội lên sóng. TFS tạm ngưng phát sóng phim mới từ tháng 5-2015, vệt giờ phim truyện của TFS trên HTV dần bị game show chiếm sóng.

Đến tháng 7-2017, TFS bất ngờ trở lại với tác phẩm được sản xuất hơn 3 năm trước là "Lẩn khuất một tên người" (đạo diễn: Vũ Thái Hòa), "Lồng son" (đạo diễn: Hồ Thanh Tuấn), "Về quê ăn Tết" (đạo diễn: Trần Đức Long) nhưng rồi lại im ắng. Đầu năm 2019, TFS trở lại lần nữa với phim mới sản xuất: "Mùa cúc susi" (đạo diễn: Phạm Lộc), tiếp nối là loạt phim cũ: "Những chuyên án lạ" (đạo diễn: Đỗ Phú Hải), "Sóng mồ côi" (đạo diễn: Phạm Lộc).

Trong buổi ra mắt phim "Sóng ngầm" (đạo diễn: Nguyễn Tường Phương) mới đây, ông Lý Quang Trung, Giám đốc TFS, cho hay dự kiến đến cuối năm 2019, vệt 22 giờ trên HTV9 chỉ để phát sóng phim của TFS sản xuất. Theo ông Trung, ở mảng phim truyện, TFS lên kế hoạch mỗi năm sản xuất 2 phim mới, hướng đến giới trẻ bằng những kịch bản mang hơi thở thời đại, bên cạnh các phim chính luận theo yêu cầu của đài. Những bộ phim đã, đang, dự kiến thực hiện có: "Rừng thiêng" (đạo diễn: Phạm Việt Phước), "Ráng chiều ấm áp" (đạo diễn: Nguyễn Hồng Chi), "Đảo khát", "Kẻ sát nhân cô độc", "ADN"... Đặc biệt, dự án phim "N+1" với thời lượng 20-30 phút/tập là phép thử đối với thể loại phim truyện ngắn, theo xu thế hiện nay.

"Là người làm nghề, từng tham gia phim do TFS sản xuất, tôi thấy rất tiếc cho thương hiệu một thời dẫn đầu thị trường phim truyền hình này" - diễn viên Hồng Ánh bày tỏ khi nhắc về TFS. Chị nghĩ do cơ chế quản lý nên thương hiệu này bị đi xuống rồi tạm biến mất một thời gian dài.

Khó đủ sức cạnh tranh

Sự trở lại của TFS khiến người làm nghề vui nhưng cũng thấy chua xót vì trong tình thế cạnh tranh hiện nay, TFS khó rút ngắn khoảng cách quá xa với VFC, hiện là thương hiệu dẫn đầu thị trường phim truyền hình cả nước với nhiều phim làm nức lòng người xem thời gian qua: Loạt phim "Cảnh sát hình sự" (Chạy án, Quỳnh búp bê, Mê cung), "Tuổi thanh xuân", "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử", "Về nhà đi con"...

Để giảm khác biệt vùng miền, ngoài việc mời diễn viên miền Nam tham gia trong phim, VFC giữ vai trò sản xuất cho những tác phẩm sử dụng ê-kíp làm phim (đạo diễn, diễn viên...) miền Nam. Phim "Bán chồng" do đạo diễn Lê Hùng Phương thực hiện với câu chuyện bối cảnh miền Tây, quy tụ dàn diễn viên trong Nam, sẽ lên sóng VTV3 lúc 21 giờ 30 phút từ ngày 22-7, là ví dụ.

Những phim TFS phát sóng gần đây phần lớn là cũ, sản xuất cất kho từ 3-6 năm trước. Đây đều là tác phẩm có đề tài xã hội nóng bỏng ở thời điểm phim được sản xuất nhưng bây giờ đã lạc hậu về thời gian tính; dù đề tài vẫn còn sức hấp dẫn nhưng cách quay, dựng, nhịp phim khó chinh phục khán giả đã quen thưởng thức những tác phẩm làm theo cách hiện đại như của VFC.

Nhiều người trong giới cho rằng nếu đánh giá công bằng thì cả TFS và VFC đều đầu tư chỉn chu về mặt nghề cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, những khoảng cách về tư duy, kỹ thuật quay dựng mới, hiện đại và cả cách quảng bá theo xu hướng thời đại như tạo "hot trend" (xu hướng thịnh hành) và độ viral (lan tỏa trên internet), TFS khó bắt kịp. Thêm vào đó, khi TFS "trùm mền", nguồn nhân lực vàng của họ bị phân tán, nay số người cũ đến tuổi nghỉ hưu, người trẻ chưa tạo dấu ấn; trong khi VFC đầu tư không ngừng, tập hợp nguồn nhân lực tài năng cho mình. Họ đang dần lớn mạnh, chiếm lĩnh thị phần phim truyền hình cả nước. Nếu không được đầu tư mạnh, TFS khó khôi phục thương hiệu trong lòng công chúng.

Giới chuyên môn cho rằng việc VFC phát triển còn TFS biến mất gây mất cân đối nghiêm trọng, khiến thị trường phim truyền hình không đa dạng. Vì vậy, đầu tư trở lại cho TFS là cần thiết. Tuy nhiên, khung 22 giờ như TFS có được hiện tại không phải giờ vàng vì quá muộn với khán giả xem phim truyền hình. Những nhà quảng cáo cũng chẳng mặn mà khi sản phẩm của họ xuất hiện ở khung giờ muộn này.

"Tôi nghĩ TFS muốn tạo dựng lại vị thế, họ cần một khung giờ vàng quen thuộc và khôi phục thói quen của khán giả đến với thương hiệu của mình như từng có" - biên kịch Đông Hoa nói. 

Tầm nhìn làm nên sự khác biệt

Cũng bị rơi vào vòng xoáy xã hội hóa phim truyền hình nhưng Đài Truyền hình Việt Nam vẫn coi trọng trụ cột của họ là VFC, có cơ chế phù hợp để hãng phim của mình phát triển. VFC được VTV đầu tư ban đầu là đổi mới các trang thiết bị hiện đại, kế đến là được hợp tác với các đài của Nhật Bản, Hàn Quốc... để vừa làm vừa học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Trong khi Đài Truyền hình TP HCM gần như bỏ rơi "con ruột" của mình, nhường giờ vàng hết cho phim xã hội hóa và game show. TFS mất dần thị phần, còn VFC chiếm lấy vị trí của TFS thời hoàng kim. Phim truyện Việt Nam dần lấy lại sóng giờ vàng trên VTV cũng nhờ có phim do VFC sản xuất.

Minh Khuê

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022