Trong suốt 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945 - 1975), vùng đất Tây Nam Bộ đã viết nên những trang sử hào hùng, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Tập sách ảnh đen trắng "Tây Nam Bộ kháng chiến - Lịch sử qua ống kính (1945 - 1975)" là những hình ảnh chân thực, sống động về cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Tây Nam Bộ. 

* Lịch sử qua góc nhìn chân thực

Tập sách dày 275 trang, được chia thành hai phần chính, mỗi phần là những sự kiện, phong trào nổi bật, có sức tác động, ảnh hưởng lớn đến chiến trường Tây Nam Bộ và cả nước trong hai giai đoạn lịch sử kháng chiến: chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và đế quốc Mỹ (1954 - 1975) xâm lược. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc quý giá, là mảnh ghép quan trọng dệt nên bức tranh lịch sử, giúp các thế hệ hậu sinh thêm thấu hiểu, trân trọng quá khứ, mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của cha ông.

Phần thứ nhất "Tây Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc (1945 - 1954)" với những trận đánh oai hùng đã được ghi tạc vào lịch sử như cuộc tấn công chiếm đồn Định Thủy - Bến Tre, trận Giồng Dứa - Tiền Giang, trận Mương Điều - Cà Mau, trận Ruộng Gò - Mỹ Tho, trận Tầm Vu IV - Cần Thơ... Những bức ảnh lên án đanh thép tội ác man rợ của thực dân Pháp với chính sách "đốt sạch, phá sạch, giết sạch". Nhưng với tinh thần "tất cả cho kháng chiến" của quân và dân ta, có rất nhiều bức ảnh ghi lại cuộc sống, chiến đấu tại chiến khu Đồng Tháp Mười (khu 8) và U Minh - Cà Mau (khu 9), khắc họa đậm nét tầm nhìn xa trông rộng của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần quả cảm và ý chí sắt son của quân và dân miền Tây.

Phần thứ hai "21 năm khói lửa - Những khoảnh khắc vàng (1954 - 1975)" gồm những bức ảnh ghi lại chiến công hiển hách, những sự kiện lịch sử tiêu biểu như sự ra đời của Mặt trận Giải phóng Tây Nam Bộ, chiến thắng Ấp Bắc, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, việc thực thi Hiệp định Paris... Những khoảnh khắc đặc biệt đó đã góp phần khẳng định sức mạnh của nhân dân, truyền thống yêu nước của đất và người miền Tây anh hùng.

Phần giới thiệu tập sách ghi: Điểm độc đáo của cuốn sách là những bức ảnh được chụp bởi các phóng viên chiến trường, những người đã trực tiếp tham gia và trở thành một phần của cuộc kháng chiến. Cuốn sách như một nén tâm hương tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, trong đó có những phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa của đất nước, như: Phạm Cổ Phách, Trần Bỉnh Khuôi (Hai Nhiếp), Huỳnh Văn Hòa, Bùi Văn Cơ, Trần Đại Dũng, Nguyễn Khắc Tầm... Các anh ngã xuống, nhưng cuộc đời và sự nghiệp sống mãi, trở thành bản hùng ca bất hủ về tình yêu quê hương, đất nước, về trách nhiệm cao cả, thiêng liêng của những người "nghệ sĩ - chiến sỹ", để các thế hệ nghệ sĩ hôm nay và mai sau tự hào tiếp bước.

Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Đội ngũ Ban biên soạn quyển sách gồm 7 thành viên thuộc Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh các tỉnh miền Tây Nam Bộ; trong đó nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh là Chủ biên. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng cho biết: khó khăn nhất trong quá trình tìm kiếm, tập hợp ảnh là hầu hết các tác giả đã mất, còn sống thì đã lớn tuổi. Quá trình đi tập hợp, biên soạn cho thấy nguồn ảnh trong dân còn khá nhiều ngoài các bảo tàng, thư viện. Thậm chí, có những bức ảnh trùng lặp về nguồn gốc, khó xác định được tác giả. "Về mặt kỹ thuật, công tác phục chế ảnh cũng đặc biệt quan trọng. Nhiều tấm ảnh đẹp, có giá trị lịch sử cao nhưng đã bị hỏng nhiều. Chúng tôi phải mày mò để cho ảnh thật và sống động nhất" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng chia sẻ.

* Gìn giữ lịch sử cho thế hệ mai sau

Tập sách "Tây Nam Bộ kháng chiến - Lịch sử qua ống kính (1945 - 1975)" gồm 383 bức ảnh của nhiều tác giả, trong đó không ít tác giả đã hy sinh khi đang cầm máy. Các bức ảnh của các anh/chị đã khích lệ tinh thần không sợ gian khổ, hy sinh đối với thanh niên thời đó. Đạo diễn, nhà quay phim Hồ Văn Tây (bút danh Hồ Tây) - người còn sống cuối cùng của "Điện ảnh bưng biền" huyền thoại đã trao tặng nhiều hình ảnh của đồng đội, miêu tả chân thực cuộc chiến của quân và dân Khu 8 và miền Tây Nam Bộ nói chung. Đạo diễn Hồ Tây cho biết, nhiều tác phẩm của đồng chí đồng đội để lại đã được ông gìn giữ cẩn thận bao năm từ sau ngày đất nước thống nhất. Ông rất vinh dự được tặng cho Ban biên soạn quyển sách để các thế hệ mai sau biết rõ hơn về cuộc chiến của cha ông ta.

vnapotal50namthongnhatdatnuocthetranchientranhnhandan-danhbaihoantoanychixamluoccuadequoc7959851-17517649758501162537481.jpg

Công nhân phân xưởng miền Tây Nam Bộ sản xuất nhiều vũ khí phục vụ bộ đội. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông chia sẻ, bà trân trọng và ngưỡng mộ tâm huyết, tài năng và sự dấn thân của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, những phóng viên chiến trường đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử quý giá này. Nhiều tác phẩm trong số này đã được vinh danh bằng những giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Điều đó càng khẳng định giá trị nghệ thuật và lịch sử to lớn của những bức ảnh này.

Ấn phẩm "Tây Nam Bộ kháng chiến - Lịch sử qua ống kính (1945 - 1975)" không đơn thuần là một ấn phẩm nghệ thuật, mà còn là bảo tàng lịch sử thu nhỏ, một di sản văn hóa vô giá và là một lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ghi lời trong tập sách, nguyên Trưởng ban Biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Chu Chí Thành chia sẻ: "Người dân và chính quyền nơi đây rất yêu nhiếp ảnh và trân trọng các nhà nhiếp ảnh gắn liền với lịch sử đấu tranh của quê hương. Vì ảnh trong cuốn sách đã có máu, nước mắt của người trong ảnh và của người cầm máy…"

Khi lịch sử được kể lại bằng hình ảnh, người xem không chỉ đọc mà còn cảm, không chỉ hiểu mà còn nhớ. Từ đó, thế hệ hôm nay có thể bước tiếp với một niềm tin sâu sắc hơn vào sức mạnh của ký ức và trách nhiệm về việc giữ gìn lịch sử.

XEM THÊM TIN TỨC VĂN HOÁ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022